Tưởng quai bị, hóa bệnh nguy hiểm

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Nhiều trẻ sưng tuyến mang tai, cha mẹ nghĩ con mắc bệnh quai bị mà không biết đó là bệnh nhiễm khuẩn Whitmore. Loại vi khuẩn này dễ gây nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm màng não, apxe đa ổ...

Đáng nói là bệnh ở người lớn lại có biểu hiện khác với ở trẻ em, có nhiều biến chứng rất nặng nề...

Bé 11 tháng nhiễm khuẩn huyết

Bé C.T.B.N. (11 tháng tuổi, Hà Tĩnh) được chuyển từ tuyến tỉnh ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng sốt cao liên tục, quấy khóc, ăn kém, sưng to tuyến mang tai. Chị Lê Thị Nghĩa - 30 tuổi, mẹ bé - kể trước đó bé có biểu hiện sốt nóng, sưng to tuyến mang tai và vùng đầu.

Tưởng bé bệnh quai bị, mẹ bé cho uống thuốc hai ngày không đỡ. Bé sốt cao 410C, tuyến mang tai sưng to, gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị bốn ngày rồi được chuyển ra tuyến T.Ư và được xác định nhiễm khuẩn huyết Whitmore.

Tại đây, bé được phẫu thuật tuyến mang tai, điều trị tích cực sau bốn ngày mới dứt sốt và gần một tháng sau mới ổn định, tiếp tục điều trị ngoại trú.

ThS Nguyễn Thị Liên Hà, khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết không chỉ bé N. được người nhà cho là quai bị, mà trước đó có năm ca bệnh ở trẻ 1 - 15 tuổi vào viện trong tình trạng muộn và được chẩn đoán quai bị.

Bệnh Whitmore (hay còn gọi là melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

Trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa số bệnh nhân này có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Bệnh nhi B.N. đã bình phục sau gần một tháng điều trị - Ảnh: T.L.
Bệnh nhi B.N. đã bình phục sau gần một tháng điều trị - Ảnh: T.L.

Khó chẩn đoán, nhiều biến chứng và dễ tái phát

Theo ThS Nguyễn Thị Liên Hà, bệnh Whitmore có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt lứa tuổi lao động. Do vi khuẩn B. pseudomallei sống hoại sinh và cư trú trong đất, vì vậy đường lây nhiễm chủ yếu do bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp (các vị trí da tổn thương) với đất nhiễm khuẩn hoặc có thể hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Tuy nhiên, bệnh Whitmore có thể lây lan từ người sang người.

Ở trẻ, việc chẩn đoán tương đối dễ hơn bởi thường có biểu hiện sưng tuyến mang tai, nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, apxe gan, tổn thương thần kinh... nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, có thể gặp ở phổi, cơ, bàng quang.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Whitmore ở người lớn xuất phát từ nhiễm trùng tại phổi với diễn biến từ nhẹ đến viêm phổi nặng. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức cơ bắp, có thể có các ổ nhiễm khuẩn trên da.

Giai đoạn muộn hơn, vi khuẩn gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây apxe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục... Bệnh có thể diễn tiến thành một hình thái nhiễm Whitmore mãn và gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp và mắt.

Đang bị bỏ quên

TS Trịnh Thành Trung, trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội - người có 10 năm kinh nghiệm và theo đuổi các nghiên cứu về vi khuẩn gây bệnh này, cho biết dựa trên những bằng chứng khoa học đã công bố từ Việt Nam và các nước khu vực xung quanh thì Việt Nam nằm trong điểm báo động đỏ bản đồ dịch tễ học quốc tế về bệnh Whitmore.

Bởi trong chiến tranh đã có gần 500 binh lính Pháp và Mỹ bị nhiễm bệnh trên chiến trường Việt Nam. Hơn nữa, nhiều cựu chiến binh Mỹ sau khi chiến đấu ở Việt Nam trở về cũng biểu hiện các triệu chứng lâm sàng nhiễm bệnh Whitmore do vi khuẩn B. pseudomallei có khả năng tiềm ẩn trong cơ thể người bệnh.

Vì thế những năm 1970 và 1980, Whitmore từng có tên gọi là “Vietnamese time-bomb” nhằm ám chỉ một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bị nhiễm tại Việt Nam, sau đó ủ bệnh và khởi phát các triệu chứng lâm sàng của bệnh khi hệ thống miễn dịch của các cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam bị suy yếu.

Nhiều người Việt Nam nhiễm bệnh di cư ra nước ngoài đã được chẩn đoán và điều trị tại nước sở tại như bệnh nhân sinh sống tại Bỉ, Pháp...

Thực tế hiện nay bệnh gần như bị lãng quên ở Việt Nam. Các số liệu nghiên cứu đều khảo sát trên quy mô nhỏ và thường chỉ tập trung ở các thành phố có bệnh viện lớn, trong khi Việt Nam là đất nước có 70% dân số làm nông nghiệp cư trú ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Đặc biệt, nhiều bệnh viện, nhất là các tuyến cơ sở, “quên” bệnh này.

Theo TS Trung, nuôi cấy xét nghiệm vi sinh là phương pháp “vàng” trong chẩn đoán bệnh. Chính vì vậy, cán bộ vi sinh phải được đào tạo chuyên môn về phương pháp xét nghiệm vi khuẩn và phải có kinh nghiệm bắt khuẩn lạc vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.

Nhưng hiện nay một số cơ sở y tế ở nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng được công tác xét nghiệm vi sinh, chẩn đoán lâm sàng cũng như điều trị bệnh Whitmore. Vì vậy, đào tạo cán bộ y tế ở các cấp đáp ứng được khả năng chẩn đoán đúng, chẩn đoán nhanh và điều trị kháng sinh phù hợp là việc làm vô cùng cấp thiết nhằm cứu sống các bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.

Bệnh cảnh của Whitmore dễ nhầm với một số bệnh khác nên cần cấy bệnh phẩm để xác định. Điều trị bệnh đôi khi còn gặp khó khăn do bệnh thường nặng, vi khuẩn chỉ nhạy với một số loại kháng sinh nhất định. Sau thời gian điều trị tại viện 14 - 21 ngày, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị ngoại trú 3 - 6 tháng.

ThS Nguyễn Thị Liên Hà

Chia sẻ