Tuổi thơ con là những trận đòn roi của bố, nhưng sau tất cả con vẫn muốn được nghe bố nói yêu con

Bảo Yến,
Chia sẻ

Trận đòn của bố năm ấy đã để lại một vết sẹo trên cả cơ thể lẫn trong tâm trí con. Nhưng trên tất cả: Con chỉ muốn sau này bố có xem được clip này... Thì khi con nói "con yêu bố", bố có thể ôm con và nói "bố yêu con..."

Hầu hết các nhân vật khi đến với "Tôi muốn được lắng nghe..." - chiến dịch yêu thương được thực hiện bởi We Are Family và Humans Of Hanoi đều có một điểm chung đó là không biết phải làm sao để diễn đạt câu chuyện và cảm xúc của mình. Bởi lẽ trong quá trình ghi hình, sự xúc động đã chế ngự hoàn toàn tâm trí họ. 

Và "lời thú nhận" của ngày hôm nay cũng vậy. Rất giản dị, thật thà nhưng không kém phần cảm động! Mei - nhân vật trong clip confession lần này là một bạn nam khá hiền lành, ít nói. Tuổi thơ của Mei cũng từng xảy ra sóng gió khi gia đình cậu gặp khó khăn về kinh tế. Cuộc khủng hoảng này tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa hai bố con cậu. Phần lớn đoạn chia sẻ, Minh chỉ nói về trận đòn "đau nhớ đời" do bố đánh khi cậu chỉ mới 12 tuổi...


"We don't talk anymore" nghĩa là "chúng ta không nói chuyện nữa", thì nó rất là hợp với cuộc đời con bởi vì có một thời điểm bố cũng đã không nói chuyện với con. Con nhớ có một lần bố đánh con. Thì lúc đó con mới là một thằng lớp 6, con chả biết gì, đến trường còn bị bắt nạt. Thì cái suy nghĩ của một thằng 12 tuổi lúc ấy là chỉ biết chạy vào phòng và đóng cửa lại. Những chỗ bị đánh rất là đau thì cứ chỉ biết đứng đấy ôm thôi, vừa ôm vừa khóc gào: "Bố ơi tha cho con! Bố ơi tha cho con!". Nhưng mà bố đâu có tha cho con. Bố lại đập cửa. Bố cầm ghế bố đập, bố ném. Rồi "choang" một cái con thấy con đang đứng ở một vũng máu. Máu từ mặt, từ chân, từ tay chảy hết xuống sàn nhà. Và con cảm thấy lúc đấy là: "Tại sao mà mình lại có một người bố như thế? Tại sao bố có thể làm như thế với mình?". Thì bố bảo là: "Mày không xứng đáng làm con của tao!". Con lúc đấy không biết nói gì hơn, chỉ biết đi vào phòng và dọn dẹp những cái kính đã bắn ra. Con quét, con lau, lau cả chỗ máu của con nữa..."

waf02

12 tuổi là giai đoạn một đứa trẻ chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển giao giữa một đứa trẻ thành một cô/cậu thiếu niên. Với một cậu con trai như Mei, đó là thời điểm rất dễ có những suy nghĩ nông nổi, sai lầm về cuộc sống, về các mối quan hệ quanh mình. Không rõ vì sao bố lại đánh cậu nặng tay như vậy nhưng có một điều chắc chắn rằng thể xác và cả tinh thần của cậu bé mới học lớp 6 năm ấy đã phải chịu không ít tổn thương. Nếu ở trong hoàn cảnh của Minh lúc đó, hẳn sẽ có rất nhiều cô/cậu choai choai phản ứng một cách dữ dội như giận dữ, trách móc, bỏ nhà đi, căm ghét bố,... nhưng cậu thì không!

"...Thì mọi người hỏi con là: "Tại sao mà bố mày đánh mày như thế? Bố mày ghét mày như thế? Bố mày làm tất cả mọi chuyện mà tao nghĩ đấy là chuyện một ông bố không thể làm với con mình? Tại sao mày vẫn có thể yêu được bố mày?". Bởi vì dù bố có đánh con, bố có ghét bỏ con, bố có đẩy con đi thì bố vẫn là bố của con. Con không bao giờ muốn trách móc là tại sao bố mình lại đẩy mình đi..."

waf01

Suy nghĩ và phản ứng của cậu bé 12 tuổi đó thật khiến người ta phải bất ngờ và ngưỡng mộ. Không có lấy một lời oán trách, cậu vẫn dành cho bố trọn vẹn tình yêu thương và kính trọng của một người con. Cậu hiểu rõ hơn ai hết rằng vượt lên trên những trận đòn đau, những khoảng cách cứ ngày một nới rộng giữa hai bố con, những máu và nước mắt, vẫn tồn tại một sự thật không thể chối bỏ: "bố vẫn là bố của con". Đối với Mei, bấy nhiêu đó đã đủ để cậu bỏ qua mọi lỗi lầm mà bố gây ra trong cơn nóng giận. 

Có lẽ mãi đến sau này, khi Mei đã trưởng thành, mối quan hệ giữa hai bố con cậu vẫn không quá nồng nhiệt, gần gũi. Thế nên đến cuối đoạn clip, cậu đã ngậm ngùi bày tỏ mong ước giản dị của mình: "Con chỉ muốn là sau này nếu bố có xem được clip này thì... Nếu sau này con nói "con yêu bố" thì bố có thể ôm con và nói "bố yêu con..."

waf03

Thông điệp mà Mei muốn gửi gắm đến mọi người và đặc biệt là bố của mình thông qua đoạn confession đó là cậu đã tha thứ cho bố, cậu luôn yêu thương bố, và mong được nhận lại từ bố hành động tương tự. Khi Mei đã bình tĩnh hơn, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện nho nhỏ với cậu.

Chào Mei, theo lời bạn thì có một thời điểm bố không nói chuyện với bạn, tại sao lại như vậy? Do hai bố con tự dưng có khoảng cách hay vì một hiểu lầm nào đó?

Nguyên nhân là do gia đình mình gặp trục trặc, làm ăn thua lỗ. Bố mẹ sau đó cãi nhau rồi tự động ly thân. Điều đó đã giản tiếp tác động khiến hai bố con ít có cơ hội trò chuyện với nhau hơn. 

Đoạn confession chủ yếu nói về một lần bố giận quá nên đánh bạn. Có phải ký ức đó đối với bạn rất khó xóa bỏ?

Đúng vậy, ký ức đó thật sự rất khó xóa bỏ. Bởi đến lúc này đó vẫn để lại sẹo trên cơ thể mình.

Bạn và bố có nhiều nét giống hay khác nhau?

Mình và bố khác nhau ở mọi mặt. Song mình nghĩ đó không phải là lí do khiến hai bố con mâu thuẫn.

Bạn có nghĩ rằng bố thực sự ghét mình?

Có một thời gian mình đã từng nghĩ như vậy. Nhưng đó đã là quá khứ rồi. 

Giữa hai bố con có kỷ niệm đẹp nào khiến bạn nhớ mãi? Và điều tuyệt vời nhất mà bố từng làm cho bạn là gì?

Kỷ niệm đẹp nhất với mình đó là lần hai bố con cùng đi câu. Điều tuyệt vời nhất đơn giản là bố... chính là bố của mình. 

Quan điểm sống, cách sống của bạn có chịu sự ảnh hưởng từ bố? 

Có chứ, mình có chịu sự ảnh hưởng từ bố nhưng không nhiều lắm.

Sau tất cả, bạn vẫn rất yêu thương và tôn trọng bố của mình nhưng bình thường bạn có bao giờ thể hiện điều đó với bố không?

Mình thực sự rất ít thể hiện tình cảm với người nhà. 

Từ mối quan hệ giữa bạn và bố, bạn có rút ra được điều gì để áp dụng vào cuộc sống gia đình của mình sau này? Nếu có con trai, bạn có nghĩ mình nên cố gắng kết nối với con từ sớm?

Nếu có con trai, mình sẽ để vợ dạy con. Mình nghĩ người phụ nữ giữ bình tĩnh giỏi hơn mà điều đó rất cần thiết khi dạy dỗ một cậu con trai. Vậy nên con trai cứ để vợ mình dạy là chuẩn nhất! Thứ nữa là mối quan hệ giữa bố và con trai có lẽ sẽ dễ dàng tìm thấy sự thấu hiểu hơn do cùng giới tính. Cách chia sẻ giữa nam giới với nhau rất khác so với nữ giới. Đàn ông ít khi tâm sự với nhau, thường là tự thấu hiểu, cũng giống như mình và bố mình vậy. 

Cám ơn lời chia sẻ vô cùng chân thật của Mei! Hy vọng bố bạn sẽ nghe được những lời tâm sự thật lòng này!

Dù rất ít khi thể hiện tình cảm với người nhà nhưng cuối cùng Mei cũng đã kết nối với "Tôi muốn được lắng nghe..." để bày tỏ tình cảm với người bố mà cậu kính trọng và yêu thương. We Are Family mong rằng sẽ có thêm nhiều thật nhiều bạn trẻ dám dũng cảm bày tỏ tình cảm với người thân của mình như vậy. Đừng quên rằng tình yêu thương không cần phải được thể hiện một cách phô trương, ồn ào nhưng nó bắt buộc phải được bày tỏ ra ngoài. Có như vậy, những giá trị đẹp đẽ, nhân văn mới được duy trì và lan tỏa. 

Trong 50 ngày, sẽ có hàng nghìn những kết nối cùng thông điệp yêu thương được chúng tôi - We Are Family 2016 gửi đi, với niềm tin mỗi người chúng ta đều có thể gom đủ hạnh phúc, để mỉm cười với bạn đời mỗi sớm mai thức dậy, để luôn nhớ hôn lên trán con nụ hôn chúc ngủ ngon, để mỗi ngày qua đi mỗi chúng ta đều vui sướng tự thưởng một miếng dán sticker hình trái tim vào nhật kí cuộc đời mình. 

Một cuốn sách nhỏ xinh về 50 ngày hạnh phúc của We Are Family - Con Mơ Điều Giản Dị sẽ ra mắt khi kết thúc chiến dịch. Đừng ngần ngại gửi câu chuyện hạnh phúc của gia đình bạn về cho chúng tôi qua hòm mail waf@afamily.vn để có cơ hội được xuất hiện trong cuốn sách ý nghĩa này.

Và đừng quên truy cập waf.afamily.vn mỗi ngày để những ngày tới của bạn sẽ là những ngày hạnh phúc nhất!

Cảm ơn NTT Pan Food (nhãn hàng HURO và Ban Mai) đã đồng hành cùng afamily.vn trong chiến dịch này.http://keodeohuro.com/ 

Tuổi thơ con là những trận đòn roi của bố, nhưng sau tất cả con vẫn muốn được nghe bố nói yêu con


Chia sẻ