Từ trường hợp trẻ 2 tuổi tử vong do ngạt nước tại nhà, bác sĩ khuyến cáo việc phải làm khi phát hiện trẻ bị ngạt nước

TT,
Chia sẻ

Trẻ bị ngạt lâu trong nước sẽ gây hậu quả cuối cùng là tổn thương não do thiếu oxy dẫn đến tử vong.

Bé 2 tuổi bị ngạt nước dẫn đến tử vong

Lúc 14 giờ 30 phút ngày 10/10/2019, tại Phòng Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có tiếp nhận một bệnh nhi nữ, tên ĐTN… 2 tuổi ngụ tại Sông Thao, Trảng Bom, Đồng Nai trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở ngoại viện do ngạt nước.

Theo lời kể gia đình do cha, mẹ bận đi buôn bán, bé ở nhà với bà ngoại. Lúc bà phát hiện thì bé đã ngã vào thùng chứa nước trong nhà vệ sinh và tím tái cả người. Bé được đưa đến trạm y tế xã, rồi chuyển lên Bệnh viện Trảng Bom. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi đã tử vong ngoại viện do ngạt nước. Thiết nghĩ còn nước còn tát nên bác và người hàng xóm lại đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Theo các chuyên gia y tế chìm lâu trong nước sẽ gây hậu quả cuối cùng là tổn thương não do thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy sẽ dẫn đến tổn thương não qua 2 giai đoạn:

Từ trường hợp trẻ 2 tuổi tử vong do ngạt nước tại nhà, bác sĩ khuyến cáo việc phải làm khi phát hiện trẻ bị ngạt nước - Ảnh 1.

Chìm lâu trong nước sẽ gây hậu quả cuối cùng là tổn thương não do thiếu oxy. Ảnh minh họa

Giai đoạn đầu: Diễn ra trong 4 phút đầu tiên. Khi chìm trong nước, trẻ thường nuốt nhiều nước vào bụng, hít nhiều nước vào phổi. Nước nhiều trong bụng sẽ gây nôn ói, nhưng nước nhiều trong phổi sẽ nguy hiểm hơn vì làm hư hại lớp màng trong của phế nang, làm phổi không thể trao đổi khí, dẫn đến tình trạng thiếu oxy máu. Trong giai đoạn này trẻ bị ngưng thở, nhưng có thể hồi phục hoàn toàn nếu được vớt lên và hồi sức kịp thời.

Giai đoạn tiếp theo: Nếu không được vớt lên kịp thời, tình trạng thiếu oxy máu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não và tim. Thiếu oxy ở não sẽ gây phù não làm mất tri giác, hôn mê. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tăng áp lực nội sọ, ức chế vùng hành tủy gây ngừng thở. Những thay đổi tim mạch do ngạt nước được ghi nhận gồm: Khởi đầu là tăng nhịp tim, sau đó nhịp tim chậm đi, co bóp tim không còn hiệu quả, diễn tiến đến loạn nhịp tim, đột ngột suy tuần hoàn và ngừng tim.

Trẻ ngạt nước khi vớt lên có dấu hiệu như hôn mê, tím tái kèm theo tình trạng ngưng thở, ngưng tim; trẻ hôn mê khi lay gọi, không tỉnh; trẻ ngưng thở khi quan sát lồng ngực, không thấy lồng ngực nhấp nhô, di động theo nhịp thở…

Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, phải nhanh chóng sơ cấp cứu ngay cho trẻ

Thời gian thiếu dưỡng khí được tính từ khi trẻ bị chìm trong nước cho đến khi được vớt lên và thở lại có hiệu quả. Mức độ phục hồi của nạn nhân tùy thuộc vào hiệu quả của việc sơ cứu thích hợp tại chỗ. Vì thế khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, phải nhanh chóng vớt trẻ lên và cung cấp dưỡng khí ngay cho trẻ bằng động tác thổi ngạt (hô hấp nhân tạo).

Từ trường hợp trẻ 2 tuổi tử vong do ngạt nước tại nhà, bác sĩ khuyến cáo việc phải làm khi phát hiện trẻ bị ngạt nước - Ảnh 2.

Động tác thổi ngạt được thực hiện như sau: Hít thật sâu. Áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ) hoặc thổi miệng qua miệng cho trẻ lớn. Thực hiện thổi liên tiếp 2 lần, nhìn xem lồng ngực trẻ có di động không, sau đó thổi theo nhịp 4 giây/lần.

Nếu trẻ có ngưng tim, thực hiện ấn tim. Vị trí ấn tim: Trên mấu xương ức 1 khoát ngón tay (đối với trẻ nhỏ), 2 khoát ngón tay đối với trẻ trên 8 tuổi. Tần số ấn tim là 100 lần /phút. Ấn tim đúng khi sờ được mạch ở nhịp ấn vào.

Qua sự việc đau lòng trên, các bác sĩ khuyến cao phụ huynh cần cẩn trọng đối với trẻ con, luôn trông chừng trẻ, bởi trẻ luôn hiếu động và thích khám phá. Không để trong tầm tay trẻ: 

- Dụng cụ có chứa nước (thau, thùng đựng nước…): Nếu không may trẻ ngã úp mặt vào sẽ bị ngạt nước.

- Bình nước đã đun sôi: Có thể gây phỏng nếu trẻ nghịch phải.

- Phích cắm sạc điện thoại: Có thể gây điện giật khi vẫn còn lưu trong ổ cắm…

Chia sẻ