Tự thú của một bà mẹ không biết cách chăm con

Thùy Lâm,
Chia sẻ

Không biết bao nhiêu lần chị tự trách mình, chị tự nhận mình là một bà mẹ không biết cách chăm con.

Chị Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) trước khi sinh con là một người đàn bà mạnh mẽ, cá tính, quyết đoán. Gia đình chị rất có điều kiện, chị là người ham công tiếc việc thế nhưng khi lấy chồng rồi, chị chỉ chuyên tâm vào gia đình là chính, chị mong ngóng đến ngày có con. Thế nhưng không hiểu sao anh chị mãi vẫn chưa đậu thai dù không dùng bất cứ một biện pháp nào. 

Lo lắng, hai vợ chồng chị đi khám thì được biết chị bị trứng lép, chị choáng váng, mệt mỏi vô cùng nhưng khi bác sĩ động viên rằng bệnh này chỉ cần nghỉ ngơi dưỡng bệnh và điều trị thì mọi việc sẽ tốt, chị cũng cố gắng nghe theo. 

Ngày ngày chị lên diễn đàn tâm sự với các mẹ về mong mỏi được gặp con, chị thường xuyên đi chùa tích đức mong con về. Trời không phụ lòng người khi sau 1 năm, chị đã có bầu. Chẳng phải nói vợ chồng chị hạnh phúc khôn tả như thế nào. Từ khi biết mình mang thai, chị được cả nhà nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Mọi chế độ chăm sóc bà bầu của chị đều được có chuyên gia tư vấn. Rảnh rỗi chị dành thời gian để sắm sửa trang hoàng phòng mới để đón bé yêu. Khi đủ 9 tháng 10 ngày, bé Tintin ra đời trong niềm vui sướng tột cùng của mọi thành viên trong gia đình, bé đã "chiếm" trọn vẹn mọi sự quan tâm, yêu thương về phía mình. 

Tự thú của một bà mẹ không biết cách chăm con 1
Không biết bao nhiêu lần chị tự trách mình, chị tự nhận mình là một bà mẹ không biết cách chăm con (Ảnh minh họa)

"Thế nhưng nhiều khi chỉ vì tính quá cẩn thận của mình lại hóa ra là cách sai khi chăm con của mình", chị nghẹn ngào nói. 

Việc đầu tiên đó là chị biến cái cũi riêng 1m2 của bé thành một ngôi nhà toàn thú bông. Chị bảo: “Mình cứ nghĩ khi xung quanh bé có nhiều đồ mềm mềm thì bé sẽ không bị đau, thêm vào đó thú bông rất nhiều màu sắc sẽ khiến bé nhanh chóng cảm nhận được các gam mầu xung quanh mình”. 

Không chỉ chị Huyền mà rất nhiều ông bố bà mẹ trẻ thường thích đặt vào nôi của con những chiếc gối, chăn, thú nhồi bông thật đẹp. Họ nghĩ rằng càng trang trí chiếc nôi cầu kỳ bao nhiêu, càng tốt cho con bấy nhiều, những lý do họ đưa ra là giúp bé nhận biết màu sắc tốt, bé không bị đau... Thế nhưng họ không hiểu rằng những vật dụng mềm mại tưởng chừng như vô hại đó lại có khả năng gây nguy hiểm cho bé. 

Bé Tintin nhà chị Huyền là một ví dụ. Quả nhiên, một lần tỉnh dậy, chị khóc thét khi thấy bé thở yếu. Cũng may bệnh viện gần ngay nhà, chỉ trong vài phút sau bé được sự giúp đỡ tích cực của các bác sĩ nên đã qua khỏi giai đoạn nguy kịch. Tại đây chị mới biết mình suýt hại chết con khi nghe bác sĩ bảo trẻ sơ sinh có thể bị kẹt dưới một cái gối hoặc nghẹt thở khi bị cái chăn đè lên, việc đặt quá nhiều chăn màn, thú bông xung quanh sẽ ngang với việc đặt bé vào vòng nguy hiểm. 

Rồi một ngày, chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi da bé xuất hiện những nốt đỏ li ti như mụn nước. Chị nghi ngờ bé bị chân tay miệng nhưng "Tôi không tin như vậy vì bé sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày, chưa đi học, ai tiếp xúc với bé cũng đều rửa tay kỹ càng", chị chia sẻ. 

Không muốn chờ lâu hơn, chị tức tốc đưa con đi khám, tại đây chị mới biết con bị như vậy là do chị thường xuyên dùng nhiều nước tẩy rửa để giặt quần áo cho con. Chị cứ nghĩ cẩn thận vậy thì con mới khỏe, mới "giết chết" được lũ vi trùng. Nhìn con ngứa ngáy, khó chịu, đám mụn li ti nổi mẩn khắp người chị buồn và xót xa vô cùng. Hóa ra, việc dùng nước giặt quần áo có thể khiến bé mắc các bệnh về viêm nhiễm da. 

Từ tai nạn đó, cứ khi nào con có biểu hiện lạ chị lại đưa con tới bệnh viện để khám. Tintin lớn lên trong sự bao bọc của rất nhiều người từ ông bà nội ngoại hai bên, bố mẹ, cô dì chú bác đến 2 cô giúp việc (1 nấu ăn, 1 chăm bẵm). Từng biểu hiện lạ nào của con chị đều lo lắng và chỉ bình tĩnh khi con trở về sức khỏe bình thường.

Trộm vía Tintin 1,5 tuổi nhưng đã cao lớn hơn hẳn các bạn khác. Tuy nhiên so với các bạn đồng trang lứa, Tintin lại hơi chậm nói. Chị Huyền cũng lo lắng lắm, chị tâm sự: “Cả gia đình mình ai ai cũng hay trò chuyện với con, điển hình là mình, cứ khi nào ở nhà với con là mình lại kể chuyện, nói chuyện à ơi với bé chuyện trên trời dưới biển. Trong khi các trẻ khác chưa tới 1 tuổi đã biết nói chuyện với ba mẹ vậy mà Tin chỉ biết ‘ầu ầu, ba mẹ’, mình lo lắm”.

Nghe bạn bè khuyên chị cũng định cho bé đi học nhưng biết bao thông tin tai nạn trẻ ở trường khiến chị không dám. Chị năng hát hò, cho con đi chơi, giao tiếp với mọi người nhiều hơn. Gần 2 tuổi, bé đã bắt đầu nói nhiều hơn nhưng nói ngọng liên tục và chị thấy lo lắng hơn về điều này. 

Được biết, con nói ngọng có nhiều nguyên nhân (dị dạng vòm họng, viêm mũi họng, môi trường nhiều người nói ngọng"... Cẩn thận chị đưa con tới viện để kiểm tra xem con có vấn đề gì không. Đến đây chưa khám gì, bác sĩ đã bảo nguyên nhân là do chính chị và các thành viên khác (có thể) gây nên. 

Chị thường xuyên trêu con là: “Ton tó ton, ra đây với mẹ nào” (con chó con, ra đây với mẹ nào); “Uống nước đi ton, uống vào đỡ khát nhắm” (uống nước đi con, uống vào đỡ khát lắm”…

Hóa ra từ trước đến nay, việc con nói ngọng là lỗi của chị, chính chị đã thường xuyên bóp méo âm thanh để truyền đạt ý mình cho con. Chị cứ nghĩ đơn giản rằng những lời nói đó đáng yêu không có vấn đề gì. Thế nhưng sự lặp đi lặp lại với tần suất lớn khiến bé liên tục khó tiếp nhận, bé chỉ biết bắt chước cha mẹ mà thôi...

Từ khi sinh con tới hiện tại con được 2 tuổi, chị lúc nào cũng tự trách mình là nuôi con kém, cách chăm con sai.



Con ốm là điều mà bậc phụ huynh nào cũng ái ngại, chăm con ốm đúng cách không phải cha mẹ nào cũng biết làm!
Tự thú của một bà mẹ không biết cách chăm con 2
Chia sẻ