Từ thời phong kiến, có một hoàng hậu tôn thờ hôn nhân "nhất phu nhất thê" và buộc cả vua quan không được nạp thiếp

Jia You,
Chia sẻ

Dù không thể thay đổi quan niệm tam thê tứ thiếp thời đó, nhưng vị hoàng hậu này vẫn cố gắng giữ vững quan điểm hôn nhân của mình và bị cho là người phụ nữ ghen tuông hung hãn nổi tiếng thời đó.

Gần đây, bộ phim cổ trang Độc Cô Hoàng hậu sẽ ra mắt khán giả vào năm 2018 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, vai Độc Cô Hoàng hậu được giao cho nữ diễn viên Đài Loan - Trần Kiều Ân thủ diễn đang trở thành đề tài tranh cãi của những mọt phim. Họ cho rằng, Trần Kiều Ân thể hiện không tới vai diễn này, bởi trong lịch sử Trung Quốc, Độc Cô Hoàng hậu là một người phụ nữ có quan điểm hôn nhân cực đoan cũng như có tính ghen tuông hung hãn tàn bạo. Rốt cuộc vị hoàng hậu ấy là người như thế nào?

Từ thời phong kiến, có một hoàng hậu tôn thờ hôn nhân nhất phu nhất thê và buộc cả vua quan không được nạp thiếp - Ảnh 1.

Tạo hình của nữ diễn viên Trần Kiểu Ân trong vai Độc cô hoàng hậu (Ảnh: Baidu)

Độc Cô Hoàng hậu với thụy hiệu Văn Hiến Hoàng hậu (năm 544-602 sau Công Nguyên) là vợ của vua Tùy Văn Đế và cũng là hoàng hậu duy nhất dưới thời vị vua đầu tiên của nhà Tùy - Trung Quốc. Mỗi khi nhắc đến Độc Cô Hoàng hậu người ta đều nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ ác độc tôn thờ chế độ độc thê, phế trưởng lập thứ và sẵn sàng ra tay giết hại những ai có ý đến gần với chồng mình.

Độc Cô Hoàng hậu vốn xuất thân danh giá, bà cũng được học hành đến nơi đến chốn nên có khả năng phò tá hoàng đế trị quốc. Dưới thời nhà Tùy, nhiều người ngưỡng mộ tình cảm vợ chồng của Độc Cô Hoàng hậu và vua Tùy Văn Đế, họ cho rằng sau lưng người đàn ông thành công luôn có người phụ nữ giỏi giang hậu thuẫn. Trong một lần giao dịch với những người từ nước ngoài đến Trung Quốc buôn bán có mang theo một hạt minh châu giá trị tới tám trăm vạn quan, U châu Tổng quản là Âm Thọ muốn mua về tặng cho Độc Cô hoàng hậu, nhưng hoàng hậu cự tuyệt mà nói rằng: "Đó không phải là thứ ta cần. Ngày nay có nhiều giặc giã thù địch, tướng sĩ ta gian lao vất vả, nên dùng số tiền đó thưởng cho người có công". 

Trong giới hạn quyền lực của mình, bà chủ trương chế độ "nhất phu, nhất thê" nên đã gây ra nhiều sóng gió, bão táp trong chốn hậu cung. Không phải sóng gió nào cũng đều kết thúc bằng sự thắng lợi, bởi cái đích mà bà muốn hướng tới có quá nhiều vật cản ở phía trước. Đó chính là định kiến đa thê của xã hội, nó như một tảng đá đã ăn sâu, bén rễ hàng nghìn năm vào tiềm thức của mỗi con người trong xã hội lúc bấy giờ.

Ngay cả với vua Văn Đế, người hiểu những lo lắng, suy nghĩ của Độc Cô Hoàng hậu nhất cũng không thể bỏ được thói quen của những ông hoàng phong kiến. Không đủ quyền lực để đưa ra định chế trong xã hội trọng nam khinh nữ, nhưng bà vẫn cố gắng làm thay đổi cách nghĩ của vua và các quan đại thần trong triều. Cũng vì điều đó, Độc Cô Hoàng hậu bị cho là người phụ nữ ghen tuông hung hãn nổi tiếng thời đó.

Không ít lần các quan đại thần thường thì thầm với nhau rằng: Độc Cô Hoàng hậu là người có trái tim tư hữu, không cho phép người đàn bà khác được chung đụng ân ái với chồng mình, nên đàn bà ở hậu cung chỉ có thể oán trời trách người, khó nhìn thấy Hoàng thượng dù chỉ một lần. Thậm chí có nhìn thấy thì cũng khó được ân sủng.

Độc Cô Hoàng hậu cứ riêng mình hưởng thụ sự ân sủng của Hoàng thượng và kiên định tư tưởng "nhất phu nhất thê" suốt đời. Đối với chuyện lấy vợ lẽ của đàn ông, nhất là Hoàng đế và các quan đại thần, bà kịch liệt phản đối. Bởi theo bà việc lập thiếp, sinh con cũng là mầm họa cho gia đình và xã tắc mai sau.

Theo lập luận của bà, sau khi lập thiếp, sinh con sẽ không tránh được những mối bất hòa, những đòi hỏi về vật chất.., với các quan đại thần có đến năm thê bảy thiếp thì việc tề gia cũng đã ngốn mất của họ rất nhiều thời gian và tiền bạc. Thử hỏi, họ có còn chuyên tâm vào việc giúp vua trị thiên hạ, giữ cho bản thân được thanh liêm? Còn Hoàng đế, với bản tính ưa khoái lạc, sau khi có đầy người đẹp trong tam cung lục viện có còn quyết tâm lo việc chính sự, bình thiên hạ?

Hiểu thấu nguồn cơn mất nước của những triều đại trước, nên sau khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, một mặt bà yêu cầu vua Văn Đế bảo đảm không được quá ham mê sắc dục, mặt kia gắng sức thuyết phục các quan lại và dân chúng thấy cái hại của việc nạp thiếp, để cho Hoàng thượng không cảm thấy bị ấm ức khó chịu. Bà còn thuyết phục Hoàng đế đưa hình phạt nếu các đại thần trong triều khi vợ chưa chết mà lấy vợ khác và có con thì bị trách phạt, giáng chức hoặc phế đuổi đại thần đó.

Ngay cả con ruột của mình là nam trưởng Dương Dũng, có vợ lẽ sinh con trai, bà cũng không hài lòng và không yêu thương Dương Dũng, mà lại dành tình cảm cho con thứ là Dương Quảng. Chỉ cần biết bất cứ ai trong cung có thê thiếp bà sẽ không hài lòng và thất sủng người đó.

Từ thời phong kiến, có một hoàng hậu tôn thờ hôn nhân nhất phu nhất thê và buộc cả vua quan không được nạp thiếp - Ảnh 2.

Tranh vẽ phát họa chân dung của Độc cô Hoàng hậu (Ảnh: Baidu)

Để phản đối chủ trương của bà mà quan lại trong triều đã thêu dệt câu chuyện về "tính ghen tuông cay nghiệt" của Hoàng hậu ra hàng dân thứ ngoài cung. Hôm ấy Độc Cô Hoàng hậu chẳng may nhiễm bệnh nhẹ, ở trong cung nghỉ ngơi. Vua Tùy nhân buổi không bị ai quấy phiền, cùng với mấy nội thị đi hầu, lẻn thăm các cung, các viện. Nhân cơ hội ngàn năm có một, dàn tài nhân phi tần, thành hàng thành lũ kéo nhau qua lại nhằm tạo sự chú ý với đức Vua nhưng ngắm nhìn mãi mà vẫn chẳng thấy một người nào vừa ý. Theo gót nội thị, vua Tùy đến cung Nhân Thọ gặp một cung nữ, tuổi còn ít, trông thấy Vua liền sợ hãi cúi đầu, nhưng giây phút đó khuôn mặt thấp thoáng của cung nữ này đã bất ngờ đánh cắp trái tim nhà Vua.

Cung nữ này là cháu của Uất Trì Quýnh hay còn gọi là Uất Trì Thị trong một phút chốc đã khiến nhà vua say đắm và đem lòng si mê. Đêm hôm ấy, nhà Vua ngủ lại cung Nhân Thọ và việc này đã đến tai của Độc cô Hoàng hậu. Bà không giấu được sự tức giận đem theo khoảng mười cung nhân, vẻ mặt dữ tợn kéo đến cung Nhân Thọ cho người đánh đập và mắng nhiếc Uất Trì Thị. Cung nữ này sau một đêm đã tả tơi vì những trận đòn roi của Hoàng hậu đã quỳ xuống van xin nài nỉ, nhưng cuối cùng cũng không thể sống sót. Vua Văn Đế khi biết chuyện vô cùng tức giận nhưng không làm được gì, ông đành bỏ lên núi. Ông định sẽ phế truất Hoàng hậu nhưng quan đại thần Cao Dĩnh đã giải thích cặn kẽ rằng không nên can thiệp vào việc này, hãy để tâm đến quốc gia đại sự. Sau cùng Vua cũng suy nghĩ thấu đáo và quay về.

Khi ấy Độc Cô Hoàng hậu phần thì đang bệnh, phần tức giận, phần lo nghĩ, kinh sợ đủ điều, nên bệnh ngày càng nặng. Cứ nhắm mắt lại là thấy Uất Trì Thị hiện ra chửi mắng, khóc than đòi mạng, nên bệnh dần biến sang chứng kinh giản, ngày một trầm trọng, mấy tháng sau thì qua đời. Từ đó đến này, mọi người vẫn nghĩ rằng Độc Cô Hoàng hậu là người đã giết chết Uất Trì Thị và lan truyền trong dân gian bà là Hoàng hậu độc ác nhất.

(Tổng hợp)

Chia sẻ