Chồng "trả thù" cao thượng với vợ chuyên "gây sự" biến hôn nhân địa ngục thành thiên đường

Thu Hương,
Chia sẻ

Kết hôn khi còn trẻ, ở nhà suốt 3 năm liền và stress vì tâm lý nặng nề vì mang danh “ăn bám” cô vợ Cẩm Tú chuyên "gây sự" với chồng. Nhưng mọi thứ đã thay đổi nhờ chiêu của anh chồng và cặp đôi này đã bước qua 5 năm hôn nhân đầu đầy khó khăn...

Kết hôn khi còn trẻ, vợ ở nhà suốt 3 năm liền và stress tâm lý nặng nề vì mang danh “ăn bám chồng”, chồng vừa đi làm vừa chật vật làm chiều lòng tất cả mọi sở thích của vợ khi bầu bí chỉ vì tự ý thức được rằng trách nhiệm mang nặng đẻ đau ra đứa con là việc vĩ đại, để rồi dần dần cùng tận hưởng những trái ngọt đầu tiên của hôn nhân khi cuộc sống chung dần đi vào ổn định. Đó là những câu chuyện không tên trong 5 năm chung sống của Cẩm Tú – Việt Quốc mà có lẽ bất cứ cặp vợ chồng son nào cũng có thể nhận ra chính mình trong đó.

Được biết, bạn và ông xã đã trải qua 1 năm tìm hiểu trước khi bước vào hôn nhân. Bạn có từng gặp những khủng hoảng trong giai đoạn chuyển đổi vai trò từ người yêu trở thành một người vợ không?

- Mình nghĩ giai đoạn chuyển đổi vai trò từ người yêu thành người vợ không thể coi là một nỗi “khủng hoảng”. Ngược lại, khi mới bắt đầu bước chân vào giai đoạn này, mình thậm chí còn có chút hưng phấn. Mình vạch ra rất nhiều tiêu chí cho một người vợ tốt và muốn bản thân thực hiện theo những tiêu chí đó. Trong quá trình vừa mò mẫm vừa ngây ngô ấy, sẽ có những lúc người phụ nữ cảm thấy mọi thứ không giống như trong tưởng tượng của họ, hoặc trước đó họ đã nghĩ mọi thứ quá đơn giản, nên sẽ xuất hiện đôi chút thất vọng. Nếu như bạn cảm thấy mình thật sai lầm, hoặc cảm thấy hối hận khi lựa chọn người đàn ông này, như vậy mới thực sự là “khủng hoảng”.

vợ chồng trẻ
Cẩm Tú sinh năm 1989, hiện đang làm việc cho một công ty sách. Việt Quốc sinh năm 1985, hiện đang là nhân viên kỹ thuật.

3 năm đầu hôn nhân, cũng là quãng thời gian đầy khó khăn của bạn khi phải ở nhà chăm con và đối diện với nhiều mâu thuẫn đầu tiên của cuộc sống vợ chồng. Bạn đã làm thế nào để vượt qua giai đoạn đó?

- Ba năm đầu của vợ chồng mình thực sự có rất nhiều điều để nói. Lúc ngọt ngào thì vô cùng ngọt ngào, vô cùng vui vẻ, nhưng cãi vã cũng thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là thời kỳ đầu mang thai, khi đó, tâm lý của mình thường xuyên biến đổi, rất dễ tức giận và luôn nhìn nhận sự việc theo hướng tiêu cực. Khi đó, mình cảm thấy bản thân ngày càng có xu hướng “sống ảo”, thích viết những điều vụn vặt trong lòng mình lên Facebook. Trải qua một thời gian, sẽ có nhiều bạn bè, người thân thông qua mạng xã hội ấy để đánh giá mình là người tiêu cực. Khi những đánh giá của họ đến tai mình, dần dần, mình không còn viết nhiều tâm sự lên Facebook nữa. 

Mang thai mà không đi làm, ở nhà chờ chồng thực sự là một chuỗi ngày hết sức nhàm chán. Vì thế, mình vẫn lặng lẽ viết, cứ viết như vậy cho đến khi nó thành thói quen, và rồi trở thành niềm đam mê. Đó là cách để mình giảm bớt stress, tuy nhiên, có đôi khi khả năng kiềm chế giảm xuống quá thấp, mình vẫn cãi nhau với ông xã, vẫn vô cớ gây sự. Có khi bạn ấy nhịn được, cũng có khi bạn ấy không nhịn được, và chúng mình cãi nhau. Nhưng cãi xong thì cũng thôi, không ai để trong lòng.

Nhiều người cho rằng 3 năm đầu hôn nhân luôn là thời gian để vợ chồng học cách chung sống. Có người đã phải trả học phí rất đắt đỏ là chính hạnh phúc của mình khi không thể vượt qua. Còn bạn thì sao, học phí của bạn là gì?

- Nếu nói về học phí của khóa học cách chung sống 3 năm đó, mình nghĩ, người phải trả nhiều hơn là ông xã. Người ta cứ nói người phụ nữ là người xây tổ ấm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhưng theo mình, tổ ấm cần phải có hai người mới xây nên được. Cá nhân mình nhìn nhận, có rất nhiều phụ nữ chọn cách nhẫn nhịn để trong ấm ngoài êm, nhưng quá trình nhẫn nhịn ấy khiến họ tích tụ rất nhiều điều trong lòng mà không sao giải tỏa ra được. Đến lúc nào đó chỉ cần một giọt nước tràn ly là có thế đổ vỡ tất cả. 

Mình lại chọn cách “gây sự vô cớ” với chồng, có lẽ bởi mình lấy chồng khi còn quá trẻ, chưa đủ chín chắn. Mình lên lớp, nhưng bạn ấy là người trả học phí. Bạn ấy sẽ luôn nghĩ đến những ưu điểm của mình trước khi bạn ấy nghĩ đến những tật xấu của mình. Trong khi mình luôn nhìn nhận sự việc theo hướng tiêu cực thì bạn ấy lại nhìn mọi thứ bằng suy nghĩ tích cực nhất. Và thế là dần dần, mình học những điều đó từ cách "trả thù cao thượng" của bạn ấy. 

vợ chồng trẻ
Tú cho rằng dù cô lên lớp nhưng ông xã lại chính là người trả học phí hôn nhân.

Cảm giác của bạn ra sao khi 3 năm đóng vai một bà vợ "khó chiều": không có việc làm, ở nhà và mang tiếng là một người "ăn bám", luôn tìm cách "hành hạ" chồng bằng những sở thích kỳ quặc...?

- Trong ba năm đầu, mình mới tốt nghiệp, kết hôn được 4 tháng thì bắt đầu mang thai, rồi ở nhà dưỡng thai chứ không đi làm. Lúc đó, mình cảm thấy bản thân hèn kém, cảm giác bị lãng quên. Nhất là thời kỳ đầu mang thai, cảm thấy mình rất vô dụng. Trong khi đó, công việc của chồng lại bận bịu. Mình không hay ghen, nhưng lại hay tủi thân. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản, xã hội đã lãng quên mình, ngay cả người thân cận nhất là ông xã hình như cũng lãng quên mình mất rồi, rồi luôn hờn giận, tức tối mỗi khi chồng về muộn, có khi chỉ vì thèm ăn món gì đó mà bạn ấy không kịp mua, mình cũng tức. Những khi tâm trạng bình tĩnh trở lại, mình luôn hối hận, bởi vì mình vốn là một gánh nặng, em bé trong bụng cũng là một gánh nặng của bạn ấy, nhưng mình lại chỉ biết ở nhà gây sự, không thể san sẻ với chồng bất cứ việc gì. 

Có đôi khi mình vô cùng khâm phục sức chịu đựng của chồng. Buổi tối cho dù buồn ngủ đến mấy cũng cố căng mắt cùng vợ xem những bộ phim mà mình thích, mặc dù nếu bạn ấy ngủ gật, mình vẫn cứ giận bạn ấy. Mình mang thai, mất ngủ, bạn ấy đi làm cả ngày, bạn ấy cần ngủ. Và thế là mình tủi thân, mình giận. Nhưng bạn ấy không nghĩ tiêu cực như mình, bạn ấy bảo mình mang thai rất vất vả, mà cái đó bạn ấy không làm thay vợ được. Và cuộc cãi vã của hai vợ chồng ngày càng giảm dần khi con trai mình ra đời. Có lẽ một phần vì bận bịu với con, nên mình quên mất việc phải gây sự vô cớ với chồng nữa. (Cười).

Trong 3 năm khủng hoảng đó, có khi nào bạn cảm thấy sức chịu đựng của mình lên tới đỉnh điểm và thậm chí là nghĩ tới việc xấu nhất có thể xảy ra?

- Trong 3 năm đầu, dù hay gây sự vô cớ nhưng mình chưa từng hối hận khi kết hôn với chồng. Duy chỉ có một lần, mình muốn chia tay, phần vì tâm trạng chán nản khi cãi nhau, phần vì nghĩ rằng bạn ấy quá khổ sở khi phải chịu đựng một người như mình. Đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy những “đường tơ máu” trong con mắt chồng. Nghĩ tới việc bọn mình đã yêu nhau như thế nào, nghĩ tới trong bụng lúc này là kết tinh tuyệt vời nhất của tình yêu ấy, mình biết rằng, mình không thể nào rời xa bạn ấy được.

Bước sang năm thứ 4 hôn nhân, điều gì đã làm cho mối quan hệ của vợ chồng bạn thay đổi?

- Bước sang năm thứ 4, cuộc sống vợ chồng mình bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất chính là việc mình đã xin được việc làm, lại đúng là công việc mình yêu thích. Con người mình trở nên tích cực hơn, tự tin hơn. Nhưng vẫn phải thú thực một điều, sau ba năm, từ một cô gái trở thành một người vợ, rồi một người mẹ, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Mình như nhìn thấy chính sự vô lý của mình qua hình ảnh ngây thơ của con trai. Khi con khóc, khi con quấy, mình nghĩ, những năm đầu hôn nhân, bản thân thật chẳng khác gì thằng bé. Và lòng bao dung của người mẹ khiến mình càng thêm trân trọng sự bao dung mà ông xã đã dành cho mình.

vợ chồng trẻ
Đám cưới với Tú là một buổi khai trường huyên náo!

Bạn gọi đám cưới là một ngày khai trường huyên náo. Có điều gì tương đồng giữa hai sự kiện này ư?

- Khi ông xã nói, chúng mình sẽ kết hôn, đây giống như một lời thông báo, thay vì một câu cầu hôn. Lúc ấy, trong đầu mình, giống như những cô gái mộng mơ khác, chỉ nghĩ về đám cưới, nghĩ về hình ảnh cô dâu xinh đẹp của mình. Mình của khi ấy đã ngây ngô đến mức lãng quên quãng đường dài của nửa đời còn lại, chỉ nghĩ đơn thuần, kết hôn là đám cưới mà thôi. Nhưng sau ngày ấy, mình mới nhận ra, đó giống như một ngày khai trường. 

Khi các bậc trưởng bối phát biểu, mỗi khi nghĩ lại, mình đều cảm thấy giống diễn văn khai trường của cô hiệu trưởng và tiếng trống khai trường của những ngày đi học. Cha mẹ, ông bà, cô bác, họ đều đã bước qua một phần nào đó của hôn nhân, họ là người đi trước, họ nói ra những khó khăn, những điều cần chú ý, còn chúng mình, là những học sinh thơ dại chưa hề nhận ra được những lời họ nói trân quý và thực tế đến nhường nào.

Giờ đây khi đã vượt qua được tất cả mọi chuyện, bạn nghĩ rằng đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng?

- Trong cuộc sống vợ chồng có rất nhiều điều quan trọng. Mình nghĩ, vợ chồng có thể cãi vã, có thể giận dỗi, có đôi khi sẽ thất vọng hoặc hối hận về quyết định của mình, nhưng tất cả những điều đó chỉ là trong khoảnh khắc mà thôi. Điều đáng sợ nhất là một cuộc sống vợ chồng ảm đạm, và hai bên đều cảm thấy mệt mỏi với mối quan hệ này.

Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang sắp sửa bước vào hôn nhân giống như mình 5 năm về trước không?

- Thú thực mình không dám đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai bởi vì chính mình cũng cảm thấy mình chưa hề hoàn thành tốt vai trò của một người vợ. Nhưng mình nghĩ, người đàn ông lý tưởng dành cho các cô gái, không phải cứ nhất định phải đẹp trai, giàu có, thu nhập ổn định, gia cảnh lý tưởng hay gì đó, mà phải là một người thật sự yêu thương và có thể bao dung, thông cảm cho cô ấy. Không ai có thể bao dung bạn mãi, chịu đựng bạn mãi nếu như người ta không thực sự yêu thương bạn. Nhưng đừng lợi dụng sự yêu thương ấy một cách quá đáng, bởi vì như vậy sẽ khiến người đàn ông của bạn mệt mỏi. Và nếu anh ấy mệt mỏi, đó chính là điều đáng sợ nhất…

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Chia sẻ