Tự Long bật mí về cậu con trai 3 tuổi nhút nhát

,
Chia sẻ

Mới hơn 3 tuổi nhưng Tự Long cho biết con trai anh khá nhút nhát và không giống bố lúc nào cũng lớn tiếng, cười đùa...

Tự Long bảo, cu cậu cái gì cũng sợ, từ con lợn, con gà đến con chó nên việc anh muốn làm nhất vào lúc rảnh rỗi là đưa con về quê, cho con làm bạn với các con vật để nuôi dưỡng tình yêu với chúng.

- Ở trên sân khấu anh toàn vào các vai tướng cướp, đại vương, tôi rất tò mò con trai anh ra sao khi xem bố diễn?

- Trước đây một năm, tức là khi con trai tôi khoảng 1-2 tuổi, khi xem bố diễn cháu đều khóc lúc bố xuất hiện. Nhưng năm nay thì cháu đã chủ động đề nghị bố cho đi xem tập, cho đi xem diễn. Có lần tôi hỏi con: “Con muốn đi xem bố tập cho vui hay đi xem bố diễn” và cu cậu đã nói một câu như thế này, rất tự nhiên nhưng khiến tôi cảm động: “Bố cho con đi xem bố “diến” nhé, con sẽ không khóc nữa”.


Luôn vào các vai "ác" trong những tiết mục hài dành cho trẻ nhỏ nên có lần đi xem bố diễn, con trai Tự Long đã khóc thét và chạy ra ngoài.

- Luôn mang tiếng cười đến cho các em nhỏ, vậy ở ngoài đời, ông bố Tự Long có cách giáo dục con như thế nào?

- Tôi không có nhiều thời gian dành cho con hoặc ít có một thời gian biểu cho cháu nhưng điều tôi rất hạnh phúc là con rất yêu bố. Những lúc không phải đi diễn tôi thường cho cháu đi chơi, đi công viên. Tôi cũng hay cho cháu đến xem những buổi tập kịch của  bố. Nhưng con trai tôi thì nhát, cu cậu cái gì cũng sợ. Nhìn thấy con gà, con lợn, chó, mèo là cứ dúm cả tứ chi lại. Tôi thì nghĩ đó là điều không tốt nên khi có thời gian tôi thường cho cháu về quê để cháu làm quen với các con vật, được tận mắt chứng kiến những hành động đáng yêu của chúng và yêu chúng.

Có một điều may mắn là, dù cu cậu sợ các con vật nhưng lại rất thích về với ông bà. Bây giờ về nhiều nên cháu bớt sợ hơn. Mỗi lần về, nhà bố mẹ chỉ có mèo, chó nên tôi cũng hay đưa cháu về tận nhà cụ ở dưới quê để cháu làm quen với những con vật to lớn hơn như trâu, bò lợn.

- Anh thấy con trai thích giống bố ở điểm nào?

- Con tôi rất hay học bố vứt tất bừa bãi, phi giày vì tôi có thú vui là khi về đến nhà là phi dép vào khu vực để giày dép và lạ là tôi có năng khiếu phi rất đúng chỗ. Con trai thấy hay cũng học theo bố, nhưng cháu còn nhỏ quá nên phi là nó cứ chạy lung tung, có khi còn ngã nữa. Thế là tôi bị bà và mẹ cháu nhắc nhở và đành phải bỏ một thói quen xả stress khá hữu hiệu.

Cu cậu cũng còn nhỏ lắm nhưng có việc duy nhất cháu biết làm là khi xem tivi thấy kênh này có bố diễn thì không ai có thể chuyển sang kênh khác với cháu được. Rồi khi đi xem chương trình của bố thì bao giờ cũng thích đứng gần sân khấu để khi bố xuất hiện là chỉ cho người xung quanh biết: bố đấy, bố đấy.


Theo danh hài này, vai ác thì phải ác thật nếu không sự chiến đấu của các dũng sĩ chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, việc xử lý vai diễn sao cho thuyết phục được các em thiếu nhi phải xuất phát từ việc hiểu và định hướng được các giá trị thẩm mỹ cho trẻ nhỏ.

- Dành nhiều tình cảm cho các em thiếu nhi, cũng là một ông bố trẻ. Theo anh, trẻ em bây giờ thiếu gì nhất?

- Trẻ con ở thành phố có nhiều điều kiện sống tốt: muốn xem hoạt hình thì có thể bật, chuyển vài kênh, muốn đi xem diễn cũng có, muốn đi công viên được đi… nhưng các em lại không có điều kiện gần gũi với thiên nhiên và thiếu không gian sống. Đặc biệt những không gian sống cổ xưa của người Việt như cây đa, giếng nước thì chẳng riêng trẻ em mà người trẻ nói chung cũng chỉ biết trên sách vở.
 
Tôi thì nghĩ, có điều kiện sống tốt, biết được nhiều thứ rất quý nhưng cũng nên hướng cho các em biết được những giá trị truyền thống. Tôi biết nhiều đứa trẻ đã lớn cũng không biết quê bố, quê mẹ ở đâu, nhìn thấy con vật nào cũng sợ. Nhìn những thứ đó tưởng đơn giản nhưng không phải, tất cả những thứ như nguồn cội, thiên nhiên nếu không được định hướng hay xây đắp tình cảm từ ban đầu thì cuối cùng không thể có được.

Trẻ em thành phố còn bị bao bọc, bảo trợ quá nhiều nhưng tôi vẫn nghĩ các em mới chỉ đầy đủ hơn về vật chất  nhưng lại thiếu thốn tình trạng thích nghi và đặc biệt các em đang phải lớn lên trong một môi trường khắc nghiệt. Nếu không hướng cho các em nhận biết được sự hòa hợp với cộng đồng thì lỗi thuộc về người lớn.

- Diễn hài cho trẻ thì các anh toàn niềm vui, đến bây giờ hai cái tên Xuân Bắc - Tự Long đã trở thành thương hiệu đối với các em thiếu nhi. Xin hỏi, có kỷ niệm nào buồn xảy ra với các anh trong công việc diễn hài cho các em chưa?
 
- Chưa có và cũng thật hạnh phúc là kỷ niệm của các show diễn chỉ toàn sự xúc động và niềm vui thôi. Xuân Bắc - Tự Long có quy định là: các con đến xem được cười thoải mái. Còn cười thế nào thì thuộc về trách nhiệm của chú Xuân Bắc - Tự Long.



Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ