Tự kỷ: Bệnh của con nhà giàu?

,
Chia sẻ

Trẻ em thành phố mắc bệnh tự kỷ cao gấp đôi so với trẻ em nông thôn, phần lớn trẻ tự kỷ đều sinh ra trong những gia đình khá giả, giàu có.

Đừng bọc con trong nhung lụa

Theo các Chuyên gia, tự kỷ là hiện tượng rối loạn về tương tác xã hội và giao tiếp, có khiếm khuyết ngôn ngữ và có những hành vi bất thường. 70% trẻ tự kỷ có kèm chậm phát triển trí tuệ, mặc dù bề ngoài một số trẻ thể hiện những kỹ năng, năng khiếu đặc biệt.
 
Bác sĩ Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi TƯ, cho biết: Nguyên nhân trẻ tự kỷ là do có tổn thương bất thường ở não, hoặc do di truyền. Ngoài ra, ngạt khi sinh, sang chấn do can thiệp sản khoa, sinh non, vàng da, khuyết tật tâm thần, động kinh, người mẹ khi mang thai nhiễm virus, nhiễm độc... cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này.
 
Như vậy, bệnh tự kỷ không phân biệt trẻ em nhà giàu hay nghèo. Tuy nhiên, các Bác sĩ (BS) ghi nhận, phần lớn trẻ tự kỷ là con các gia đình giàu có, cha mẹ thành đạt, nổi tiếng hoặc luôn bận rộn với công việc, ít có thời gian dành cho con. Nhiều bà mẹ cai sữa cho con quá sớm, thậm chí không cho con bú sữa mẹ, trẻ mới được vài tháng đã khoán cho Bảo mẫu hoặc người giúp việc để lao vào kinh doanh, biểu diễn, hoặc đi công tác, học tập dài hạn ở nước ngoài...  

Các BS khẳng định: Về mặt phân tâm học, tách trẻ ra khỏi hơi ấm của mẹ quá sớm sẽ khiến trẻ hụt hẫng, mất phương hướng, trẻ dần dần tự cô lập, nếu có sẵn những yếu tố tự kỷ thì bệnh sẽ mau nặng lên. Trẻ được bao bọc quá kỹ lưỡng trong điều kiện vật chất dư thừa, nhưng không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, không được hoạt động, tương tác với trẻ khác, cũng khiến hội chứng tự kỷ thêm trầm trọng.
 
Có thể lý giải hiện tượng trẻ em nông thôn ít bị tự kỷ hơn là bởi trẻ nông thôn có điều kiện giao tiếp với cộng đồng thuận lợi hơn, được vận động, vui chơi với những trẻ em khác thoải mái hơn, từ đó sẽ phát triển bình thường, hoặc bị tự kỷ nhẹ thì bệnh có thể hoàn toàn tự khỏi.

Can thiệp sớm là tăng cơ hội cho trẻ

Theo BS Quách Thúy Minh, trung bình mỗi ngày có 8 - 10 trẻ em (phần lớn từ 2 - 4 tuổi) có dấu hiệu tự kỷ được đưa đến khám và điều trị tại khoa Tâm bệnh. Trước đây cũng có nhiều trẻ bị tự kỷ nhưng do gia đình và xã hội chưa hiểu biết về căn bệnh này nên thường bỏ qua, hoặc đưa trẻ đến khám quá muộn. Những năm gần đây, nhờ y học phát triển, các bậc cha mẹ lại có kiến thức, có điều kiện tiếp cận với thông tin nhiều hơn nên bệnh tự kỷ được phát hiện và điều trị sớm hơn.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như chậm nói, hoặc biết nói rồi ngừng hẳn; chỉ thích chơi một mình; không cười, không tiếp xúc bằng mắt với bố mẹ hay người đối diện; quá say mê một thứ đồ vật nào đó; có những hành vi lặp đi lặp lại; rất thích sắp xếp đồ vật theo thứ tự, ngăn nắp một cách kỳ lạ và có biểu hiện hung hăng khi thứ tự đó bị xáo trộn v.v... thì phần lớn các bậc cha mẹ đã nghĩ đến khả năng con bị tự kỷ. Nhưng rất tiếc, vẫn còn nhiều người do mặc cảm, xấu hổ nên giấu bệnh của con, bất hợp tác với BS, hoặc khi biết con bị tự kỷ thì rơi vào trạng thái buồn nản, suy sụp, hoặc đem con đi chữa trị lung tung khiến bệnh của trẻ ngày càng nặng.
 
Cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ thường kéo dài và rất gian nan, việc phát hiện sớm là rất quan trọng, vì phát hiện càng sớm thì việc can thiệp, khắc phục sẽ có kết quả cao hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Còn ngược lại, trẻ có thể phải lệ thuộc suốt đời vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi trẻ dễ bị tâm thần.
 
BS Minh đưa ra lời khuyên: Để tránh nguy cơ trẻ mắc bệnh tự kỷ, khi mang thai, các bà mẹ cần giữ gìn sức khỏe, kiêng rượu, thuốc lá để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, đẻ non, đặc biệt tránh dùng nhiều mỹ phẩm (vì nhiều loại chứa chất thủy ngân - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tự kỷ)... Sau khi trẻ ra đời, không nên tách trẻ khỏi mẹ quá sớm; Cha mẹ nên dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện, chơi đùa với trẻ để giúp trẻ phát triển năng lực, tránh để trẻ bị chấn động về não, hoặc sang chấn tâm lý.
 
Theo TGPN
Chia sẻ