Từ câu gắt của sếp "Đừng hỏi tôi những gì mà các bạn có thể tự tra Google được!" cho đến bài học không được quăng khỉ lên vai người lãnh đạo

Quiry,
Chia sẻ

Là một nhân viên mẫu mực, chị em chúng ta nên cố gắng xử lý vấn đề một cách độc lập!

Sếp sinh ra để làm gì? Đây hẳn là câu hỏi được nhiều chị em công sở thắc mắc bấy lâu nay. À thì họ là người tạo ra công ăn việc làm cho ta, họ dẫn dắt ta để tạo ra giá trị thặng dư cho công ty. Họ còn là người sẽ hướng dẫn ta từng ngày để các chị em trở nên trưởng thành hơn trên con đường sự nghiệp.

Thế nhưng, có một sự thật ngầm hiểu mà nhiều dân công sở không hề biết: Sếp không phải là người mà bạn có thể ỷ lại, dựa dẫm một cách quá đáng! Càng sẽ không phải là người đứng ra giải quyết hết vấn đề cho bạn.

"Đừng hỏi tôi những gì mà các bạn có thể tự tra Google được!"

Trường Dương, một nhân viên làm về phân tích thị trường khách hàng của công ty A đã có bài học nhớ đời cho cái thói hay hỏi của mình. Chả là lúc mới vào, Trường Dương ít nói nên anh sếp của cậu đã nhắc nhở nhẹ: "Anh hi vọng em có thể trao đổi với anh nhiều vấn đề hơn về công việc. Nếu có bất cứ khúc mắc nào thì hãy hỏi anh nhé, anh sẽ giải đáp và hướng dẫn cho em!"

Nghe vậy, Trường Dương như mở cờ trong bụng, cậu nghĩ rằng từ giờ cứ có gì chẳng biết, chẳng hiểu thì hỏi sếp. Ngay ngày hôm sau, số câu hỏi mà Trường Dương hỏi sếp đếm không kể hết. Ôi mà toàn những câu hỏi dễ tra trên Google. Nào là "Mô hình 4P là gì? Chân dung khách hàng là gì? Các hình thức chạy quảng cáo Facebook, đối tượng mục tiêu là gì?..."

Từ câu gắt của sếp "Đừng hỏi tôi những gì mà các bạn có thể tự tra Google được!" cho đến bài học không được quăng khỉ lên vai người lãnh đạo - Ảnh 1.

Một vài lần thì chẳng sao, nhưng khi đã hỏi quá nhiều, cộng thêm những vấn đề nhạy cảm như lương thưởng, nội bộ... thì sếp của Trường Dương cáu vô cùng! Anh ấy bật chế độ viết hoa và nhắn thẳng vào Telegram của Trường Dương:

"ĐỪNG HỎI TÔI NHỮNG GÌ MÀ BẠN CÓ THỂ TỰ TRA GOOGLE!"

Kèm theo đó là một hình mặt cười "đểu". Khi nhận được tin nhắn, Trường Dương như chết lặng trước màn hình. Cậu ngồi thẫn thờ, tự hỏi vì sao trước anh sếp bảo có gì không biết cứ hỏi anh, mà giờ cậu làm thế liền bị chửi?

Từ câu gắt của sếp "Đừng hỏi tôi những gì mà các bạn có thể tự tra Google được!" cho đến bài học không được quăng khỉ lên vai người lãnh đạo - Ảnh 2.

Người trẻ đi làm giờ đây quá thụ động và đặc biệt hay quăng khỉ lên vai sếp!

Trong câu chuyện trên, chẳng qua là Trường Dương lười tra Google mà muốn hỏi luôn sếp cho nhanh. Cậu thực sự là mẫu nhân viên đại diện cho một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay: Lười tìm kiếm, lười tiếp thu, lười động não, lười chủ động!

Các bạn phải biết rằng, các sếp rất bận, không phải lúc nào cũng trả lời được hết các vấn đề cho nhân viên cấp dưới. Tại sao thời gian rảnh thì có mà lại lười tra cứu trên mạng vậy? Bây giờ đang là thời đại công nghệ 4.0, ai cũng có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng, vậy cớ gì bạn không có khả năng?

Thêm nữa, một điểm rất xấu của các bạn trẻ trong môi trường công sở ngày nay là việc các bạn thường quăng khỉ lên vai sếp.

Từ câu gắt của sếp "Đừng hỏi tôi những gì mà các bạn có thể tự tra Google được!" cho đến bài học không được quăng khỉ lên vai người lãnh đạo - Ảnh 3.

Khi bạn được giao nhiệm vụ, tức là cấp trên đã rất tin tưởng rằng bạn có thể hoàn thành hoặc đơn giản là nêu ra được phương án xử lý phù hợp. Nhưng chúng ta thường rơi vào lối mòn suy nghĩ rằng sếp giỏi hơn, sếp có quyền quyết định nên thôi cứ để họ làm thay ta. Điều này chỉ chứng tỏ bạn kém cỏi và hay dựa dẫm, thiếu quyết đoán.

Tốt nhất, nếu sếp yêu cầu bạn đưa ra ý tưởng cho một công việc nào đó, hãy nghĩ khoảng 3 phương án rồi trình bày lựa chọn tốt nhất lên sếp. Cấp trên chắc chắn sẽ đánh giá cao bạn không chỉ bởi bạn biết đương đầu với công việc mà còn là vì bạn không cần dựa dẫm vào ai hết!

Trở thành một nhân viên độc lập và quyết đoán chính là nền tảng của sự thăng tiến.

Ngay từ ngày hôm nay, hãy chủ động tìm kiếm và tự mình học hỏi nhé các bạn!

Chia sẻ