Truyền thống lạ đời của trẻ em Đức: 3 ngày xa nhà, sống ở nông trại khi mới 3 tuổi

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Cây bút chuyên về ẩm thực người Mỹ Luisa Weiss chia sẻ về một phong tục thú vị của trẻ em Đức, nơi cô cùng chồng và con trai chuyển tới sinh sống được vài năm: khi trẻ lên 3, chúng sẽ có chuyến xa nhà đầu tiên suốt 3 ngày liền.

Mùa xuân năm nay, lớp mẫu giáo của con tôi, bé Hugo, đã đi nghỉ 3 ngày tại một nhà nghỉ chuyển đổi thành nông trại, cách Berlien vài giờ chạy xe. Chuyến đi qua đêm này là một phong tục của người Đức và mọi trẻ em từ 3 tuổi rưỡi trở lên đều có thể tham gia. Mục đích là củng cố tinh thần tự lực và tinh thần nhóm, đây cũng là cách để trao cho phụ huynh quãng thời gian nghỉ ngơi nho nhỏ. Trong 15 năm thực hiện chuyến đi này, những thầy cô giáo ở trường mầm non cho chúng tôi biết, mới chỉ có một bé cần được bố mẹ đón về. Còn lại bọn trẻ đều thực sự thích thú với chuyến đi.

Trước chuyến đi 1 tháng, để kiểm tra mức độ sẵn sàng, trẻ em Đức sẽ được tham gia một buổi ngủ qua đêm thử ở nhà trẻ. Hugo nhà tôi vô cùng hào hứng với việc này! Bố mẹ vẫn đón con vào buổi chiều như thường lệ rồi đưa con tới sân chơi. Nhưng sau đó, bọn trẻ được đưa trở lại trường vào lúc 6 giờ với đầy đủ vật dụng để qua đêm ở đây. Sau khi chào tạm biệt, bọn trẻ ăn một bữa tối đặc biệt với các cô giáo.

Truyền thống lạ đời của trẻ em Đức: 3 ngày xa nhà, sống ở nông trại khi mới 3 tuổi - Ảnh 1.

Luisa Weiss và con trai Hugo.

Kết thúc bữa ăn, bọn trẻ mặc quần áo ngủ, đánh răng, nghe kể chuyện đêm khuya trên chính tấm nệm mà chúng đã ngủ giấc trưa ở trường. Buổi sáng hôm sau, bọn trẻ lại cùng ăn sáng và trải qua một ngày như bao ngày khác ở trường mầm non trước khi được bố mẹ đón về nhà vào buổi chiều. Mọi đứa trẻ đủ tiêu chuẩn cho chuyến đi đều đã vượt qua bài kiểm tra này với tâm trạng rạo rực, bay bổng. Những người chăm trẻ anh hùng của chúng tôi; những đứa trẻ anh hùng của chúng tôi!

Cuối cùng thì 1 tháng cũng qua đi. Tôi cùng ông xã xếp đồ cho Hugo vào một vali với rất nhiều quần áo sạch, bàn chải, kem đánh răng, một cuốn sách yêu thích và lá thư tình cảm do chúng tôi tự tay viết. Tôi cảm thấy rất khoái chí về chuyến đi cho tới buổi sáng ngày khởi hành, khi tôi chợt đổ mồ hôi lòng bàn tay và dạ dày thì quặn thắt lên vì lo lắng. Tôi đã cố gắng hết sức để che giấu sự căng thẳng của mình. Còn Hugo thì vô cùng thoải mái. Con thậm chí còn tự xếp đồ cho mình và cho vào balo những thứ cần thiết.

Truyền thống lạ đời của trẻ em Đức: 3 ngày xa nhà, sống ở nông trại khi mới 3 tuổi - Ảnh 2.

Trẻ em Đức rất háo hức với chuyến đi xa đầu đời này (Ảnh minh họa).

Chúng tôi đi bộ tới nhà trẻ, nơi Hugo hôn tôi một cái rõ kêu và một cái ôm thật chặt rồi nói tạm biệt tôi mà chẳng khóc tẹo gì. Bố mẹ được khuyến cáo nên rút lui càng nhanh càng tốt, không được để diễn ra cảnh chia tay lâm li bi đát. Và một khi chúng tôi đã khuất tầm nhìn, 3 cô trông trẻ tập hợp 15 con người tí xíu lại, nhanh chóng đưa bọn trẻ lên một chuyến tàu điện ngầm nhanh để tới nhà ga gần nhất, nơi cả lớp lên một chuyến tàu khác tới nông trại.

Một trong số các giáo viên rất ngọt ngào của chúng tôi đã vô cùng tốt bụng khi chụp nhanh một tấm ảnh Hugo cùng các bạn đang ngồi cạnh nhau trên tàu và gửi cho tôi trong vòng chưa đầy 1 giờ sau khi chúng tôi chào tạm biệt. Bọn trẻ đang cầm đồ ăn vặt của mình và toét miệng ra cười - nụ cười khủng nhất mà tôi từng thấy trên gương mặt chúng. Vào khoảnh khắc đó, mọi lo lắng, căng thẳng của tôi đều tan biến và tôi đã có thể thoải mái trở lại.

Khi dừng lại ga địa phương, bọn trẻ và các cô đi tới nông trại, nơi niềm vui thực sự bắt đầu. Trong 3 ngày, bọn trẻ chơi các trò chơi và chạy nhảy khắp xung quanh nơi nghỉ. Tối đi ngủ thì 2 bạn nằm chung một giường. Rồi bọn trẻ còn được cưỡi ngựa, khám phá nông trại, lái một chiếc máy kéo, ăn trưa trên những chiếc bàn kiểu dã ngoại, chơi ở sân chơi nông trại... Buổi tối trước khi đi ngủ, cô giáo đọc to các cuốn sách và những lá thư tình yêu của bố mẹ mà bọn trẻ mang theo.

Truyền thống lạ đời của trẻ em Đức: 3 ngày xa nhà, sống ở nông trại khi mới 3 tuổi - Ảnh 3.

Bọn trẻ còn được cưỡi ngựa, khám phá nông trại, lái một chiếc máy kéo, ăn trưa trên những chiếc bàn kiểu dã ngoại, chơi ở sân chơi nông trại (Ảnh minh họa).

Cuối mỗi ngày, một trong các cô giáo sẽ gửi báo cáo nhanh qua tin nhắn, đôi khi kèm theo một bức ảnh cho một mẹ đại diện ban phụ huynh cả lớp và người mẹ ấy sẽ chuyển tiếp tin nhắn cho những người còn lại. Nhờ thế, chúng tôi liên tục cập nhật tin tức về con mình mỗi ngày.

Ngày về, một tin nhắn điện thoại thông báo cho chúng tôi rằng, bọn trẻ đều thức giấc trong tâm trạng mong ngóng được gặp lại cha mẹ nhưng tinh thần vẫn rất cao. Một số em ca hát líu lo, trong khi một số khác chơi trò chơi.

Phụ huynh đều có mặt ở sân ga với hoa cầm trên tay để tặng các cô giáo như lời cảm ơn về công sức của các cô đã chăm lo cho con trong suốt chuyến đi. Thật kỳ diệu, chuyến tàu chở bọn trẻ dừng đúng chỗ mà chúng tôi tập trung và tôi có thể thấy khuôn mặt nhỏ ngọt ngào của Hugo đang áp chặt vào cửa sổ tìm kiếm tôi. Cánh cửa bật mở và bọn trẻ ùa vào vòng tay bố mẹ. Cảm giác thực sự quá tuyệt vời khi được đoàn tụ với con.

Luisa Weiss là chủ nhân trang blog The Wednesday Chef và cuốn sách My Berlin Kitchen. Cô chuyển đến Berlin sống cùng chồng là Max và con trai Hugo đã được vài năm. Bà mẹ người Mỹ này đã khám phá ra rất nhiều điều thú vị trong cách nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ người Đức.

Chia sẻ