Trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não mô cầu tại Hà Nội trong năm 2017

Kiều Linh,
Chia sẻ

Người mắc bệnh viêm não mô cầu là một cô gái 18 tuổi, ở Cầu giấy Hà Nội. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não mô cầu được ghi nhận trong năm 2017.

Ngày 19/8, PGS Nguyễn Văn Kính – GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận, bệnh viện vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân 18 tuổi, mắc bệnh viêm não mô cầu.

"Nữ bệnh nhân này được điều trị cách ly tại cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh (Hà Nội), vì nếu điều trị ở cơ sở 1 nguy cơ lây cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là rất cao", ông Kính nói.

Theo ông Kính, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện của bệnh viêm màng não do não mô cầu từ ngày 18/8, với các biểu hiện ban đầu như ho, đau đầu, sốt cao… Đến ngày 19/8, bệnh nhân được bạn đưa vào viện khám và phát hiện bị viêm màng não do não mô cầu.

"Sau gần 1 tuần điều trị, hiện bệnh nhân đã ổn định và xuất viện. Còn ở nơi cư trú, ngành y tế dự phòng đã tiến hành xử lý ổ dịch theo đúng quy định", ông Kính nói.

Được biết, viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh.

Trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não mô cầu tại Hà Nội trong năm 2017 - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Văn Kính – GĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Để phòng bệnh viêm não mô cầu, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
 Ngoài ra, phải thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Ngoài ra, cần chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ. Hiện nay, vaccine chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch.

Chia sẻ