Trốn phố thị về làng nghề để lũ trẻ hưởng vị trung thu ngày xửa ngày xưa. Clip: KingPro.

Vào cái thời ông bà anh khi đồ chơi còn hiếm hoi, chiếc đèn ông sao, đầu lân thực là kho báu cần nâng niu của mọi đứa trẻ. Còn bây giờ, những con phố Trung Thu họp từ đầu tháng 8 âm lịch với trăm ngàn mẫu đồ chơi ngoại nhập có đôi chút khiến các cô nhóc, cậu nhóc khó có thể nhận ra cái riêng của Tết Trung Thu. Nhìn lũ trẻ tung tăng với lồng đèn chạy pin phát nhạc, mặt nạ Siêu nhân, người lớn chúng tôi bỗng thấy nhớ Trung Thu thơ ấu chạy khắp xóm với chiếc đèn ông sao, kéo quân, với xâu hạt bưởi đốt tí tách thơm lừng.

Muốn chỉ cho con Trung Thu của bố mẹ đã từng thế nào cũng là để kéo lại chút hoài niệm cho bản thân, chúng tôi quyết định dành một ngày cuối tuần đưa lũ trẻ tới thôn Ông Hảo (Hưng Yên) thay vì đưa con xuống phố, chen trong dòng người đông đúc. Bởi ở nơi chúng tôi đến, lũ trẻ sẽ được tiếp xúc, được khám phá các công đoạn rồi tự tay làm cho mình một món đồ chơi Trung Thu truyền thống. Mà dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cái gì mình bỏ công, bỏ sức, tự tay làm, hiểu về chúng vẫn luôn được trân trọng.

Sau khoảng hơn 1 giờ chạy xe, thôn Ông Hảo hiện ra với những con ngõ nhỏ xíu, những nếp nhà nhuộm màu thời gian. Khung cảnh nơi đây an nhiên đến mức người lớn chúng tôi lập tức có cảm giác được trở về tuổi thơ, còn lũ trẻ, hết sức thích thú với con đường làng yên ả.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 2.

Ông Hảo từng là thôn chuyên làm trống và đồ chơi Trung Thu, nhưng đến nay, chỉ còn lại 5, 6 hộ gia đình theo nghề. Tuy vậy, tìm đến những gia đình này không hề khó bởi dân làng luôn sẵn lòng chỉ đường cho bạn. Nơi chúng tôi ghé đến đầu tiên là nhà chú Vũ Huy Đông, hộ gia đình đã có đến 4 đời làm đồ chơi truyền thống. Chỉ vừa bước vào cửa, vị Trung Thu đã ùa về rõ rệt qua màu sắc của hàng ngàn chiếc trống, mặt nạ đang xếp la liệt khắp nơi.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 3.

Chú Đông kể khoảng chục năm trước, đồ chơi truyền thống bị chững lại, không cạnh tranh nổi với đồ chơi nhập khẩu, nhưng vài năm nay dường như đồ chơi truyền thống đang hồi sinh mạnh mẽ. Từ đầu tháng 8 âm, ngày nào nhà chú cũng có đoàn lớn đoàn nhỏ đến thăm thú, nhiều trường mẫu giáo còn cho trẻ đến tìm hiểu về mặt nạ giấy bồi. Thành thử ngoài làm hàng, ngày nào chú cũng tiếp đoàn, nói nhiều đến đau cả họng. Bù lại là niềm vui của người nghệ nhân trước sự hồi sinh của đồ chơi truyền thống.

Gia đình chú Đông nhanh chóng sắp xếp cho lũ trẻ đang hào hứng mắt tròn mắt dẹt nhìn các bà làm khuôn, bồi giấy một chỗ ngồi. Khỏi phải nói lũ trẻ hào hứng thế nào khi được ngồi dưới tán khế có nắng vàng, mơn man gió mát và tất nhiên, chủ yếu là có đến cả vài chục chiếc mặt nạ, đầu lân vây quanh để làm mẫu.

Sơn màu được mang ra, các con mắt tròn xoe nuốt từng lời, nhìn chăm chú không rời tay ông Đông đang múa màu trên những chiếc mặt nạ giấy bồi. Trên đôi tay của người nghệ nhân, từng khung giấy bồi thô, những ông địa, chú mèo, chú thỏ hiện ra trong chớp mắt.

Vì chẳng có kinh nghiệm nên chúng tôi không biết phải chuẩn bị trước màu nước cho lũ trẻ. Nhưng thôi, đã quyết định tới đây để cho các con được trải nghiệm thì trải nghiệm cho tới đi, và thế là bọn trẻ được thả tự do vùng vẫy trong đủ sắc sơn màu như một nghệ nhân thực thụ.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 4.

Xin không bình luận về tác phẩm từ những nét vẽ nguệch ngoạc của lũ trẻ đứa mới mẫu giáo, đứa chập chững vào lớp một này. Chỉ biết rằng nhìn những đôi tay bé xíu lấm lem, những gương mặt căng thẳng nhưng đầy hào hứng nhúng bút vào sơn, nghệch ngoạc những nét vẽ để tạo nên chiếc mặt nạ của riêng mình, chúng tôi biết mình đã có quyết định đúng khi đưa các con về với nguồn cuội.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 5.

Thôn Ông Hảo vốn có nghề làm trống nên chúng tôi cũng không bỏ qua cơ hội đưa lũ nhỏ đến thăm một cơ sở sản xuất trống trong thôn. Cũng như mặt nạ, những người làm trống ở thôn theo nghề quanh năm. Rảnh rang là người dân Ông Hảo lại làm chờ dần cho mùa vụ, những nhà theo nghề đổ về cho những hộ có người nhàn rỗi, vừa có thêm thu nhập, vừa vui cửa vui nhà.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 6.

Những tưởng thế giới trống không sắc màu, cũng không dễ dàng để trải nghiệm như mặt nạ thì lũ trẻ sẽ chẳng hào hứng đâu, nhưng không phải. Trẻ con quan sát thế giới theo cách riêng của chúng, từng khâu làm tang, phơi, bọc da vào tang trống, căng da đều khiến các con há hốc mồm kinh ngạc. 

Dù đôi lúc phải bịt tai vì âm thanh quá đỗi ồn ào ở công đoạn căng da trống nhưng chẳng đứa nào chịu rời mắt khỏi chiếc trống còn đang dang dở. Chúng tròn mắt ngắm nhìn người nghệ nhân dùng gót chân nện xuống mặt trống, dẻo như múa để căng da, tạo độ rền, tiếng vang cho chiếc trống nhỏ mà mình vẫn thường được bố mẹ mua tặng rồi gõ ầm ĩ khi mùa trăng về.

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 7.

Một buổi sáng đến thôn Ông Hảo, chúng tôi ra về với tận mười mấy chiếc mặt nạ, đầu lân, trống - thành quả sáng tác của cả lũ trẻ và nghệ nhân. Thực ra với những bà mẹ trẻ như chúng tôi, hỏi rằng để đưa con đi chơi xa, đưa con về ngoại ô cho chúng tận tay tận mắt quan sát, khám phá có ngại không? Câu trả lời dĩ nhiên là có khi những thứ ấy thế nào mà chẳng theo xe vào phố. Thậm chí mua trong phố còn đủ đầy hơn nhiều so với chừng chục mẫu mặt nạ, vài kích cỡ trống trong thôn.

Nhưng nhìn cái cách các con nâng niu chiếc mặt tự tay mình vẽ, phơi rồi hò nhau chạy trên đường làng, chúng tôi biết mình đã đúng khi mang lũ trẻ về làng nghề để tận hưởng một Trung Thu rất khác. Này các bạn nhỏ, hẹn những mùa Trung Thu sau, chúng ta sẽ lại cùng nắm tay rong ruổi thăm những ngôi làng làm đèn ông sao, đèn lồng, làng cốm... Mẹ con mình sẽ cùng nhau trải nghiệm thật nhiều để biết và yêu thêm ngày Tết thiếu nhi, con nhé!

Mùa trăng này, cùng trốn phố thị về làng nghề cho lũ trẻ hưởng vị Trung Thu ngày xửa ngày xưa - Ảnh 8.

Hà Trần
Quý Nguyễn
Kingpro
Mộng Mộng
Tất Sỹ
Theo Trí Thức Trẻ