Trời nóng, coi chừng trẻ đổ máu cam

,
Chia sẻ

Những ngày hè, nhiều khi bé Tuấn Anh không chạy nhảy gì mà vẫn chảy máu cam. Có hôm mẹ bé phát hoảng khi thấy bé đang ngồi ăn sáng thì máu nhỏ giọt từ mũi xuống bát phở.

Bé, Tuấn Anh, con trai chị Hạnh (phường Khương Thượng, Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay 8 tuổi. So với các bạn cùng lớp, bé cũng phát triển thể chất tương đương. Chỉ có một điều khiến chị Hạnh không khỏi lo lắng là Tuấn Anh rất hay bị chảy máu cam, đặc biệt vào mùa nóng.

Không vận động mạnh cũng chảy máu

Trong những ngày hè, Tuấn Anh không cần phải hoạt động mạnh hay chạy nhảy gì cũng tự nhiên thấy máu chảy ra từ mũi. Có hôm đang ngồi ăn sáng, khi con cúi xuống bát phở, chị Hạnh đã thấy máu nhỏ giọt từ mũi con xuống bát. Hạnh cho biết trong gia đình chị, cả bố và các chú của Tuấn Anh cũng đều bị chảy máu cam như thế lúc còn bé, khi lớn lên vẫn bị nhưng tần suất ít hơn.

Tương tự, bé Mi (5 tuổi) nhà anh chị Tấn - Hiền (khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thường xuyên bị chảy máu cam vào mùa nóng, ngay cả vào ban đêm, lúc đang nằm ngủ. Có đêm đang ngủ, thấy con giãy giụa, có vẻ khó thở, chị Hiền bật điện lên và hoảng hốt khi thấy máu từ mũi con đang chảy ra rất nhiều, tràn xuống đầy cả miệng khiến bé như bị sặc. Nhìn cảnh tượng đó, hai vợ chồng sợ hãi, vội ôm con đi khám cấp cứu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, chức năng của mũi là làm ấm, ẩm và sát trùng không khí trước khi đưa tiếp vào phổi trong quá trình hô hấp của cơ thể, nên mũi là một bộ phận rất nhạy cảm. Để đảm bảo chức năng này, ở mũi luôn tập trung một mạng lưới mao mạch rất phong phú, nối với nhau thành búi mạch (hay còn gọi là điểm mạch). Các mạch máu này lại ở vị trí rất nông, dễ bị tác động gây đứt, vỡ và chảy máu. Hiện tượng này vào mùa nóng càng dễ xảy ra.

Với hiện tượng chảy máu ở mũi (chảy máu cam), có thể chia thành ba dạng phổ biến nhất: chảy máu ở điểm mạch, chảy máu do vỡ mao mạch và chảy máu do vỡ các động mạch lớn ở mũi.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh khám bệnh về tai mũi họng cho trẻ.


Xử lý theo từng trường hợp cụ thể

Dạng chảy máu do vỡ động mạch thường do chấn thương hay do chứng cao huyết áp. Trường hợp này lượng máu chảy ra rất nhiều, liên tục và khó cầm, vì thế cần phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để các bác sĩ khám và đưa ra hướng xử lý. 

Đặc biệt đáng lưu ý là dạng chảy máu mao mạch, có thể là do bị mắc bệnh Hemophilia, đây là một chứng bệnh khiến cơ thể dễ chảy máu. Bệnh có yếu tố di truyền, thường gặp ở nam giới. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu.
 
Thường gặp nhất và cũng dễ xử trí nhất là chảy máu ở điểm mạch. Nguyên nhân có thể là trẻ bị viêm mũi, các chất nhờn được tích tụ và đóng thành vảy bên trong mũi gây cảm giác ngứa ngáy khiến trẻ cho tay vào ngoáy, gãi hay dụi, làm tổn thương niêm mạc, gây chảy máu. Cũng có thể trẻ chơi nghịch, nhét dị vật vào trong lỗ mũi. Thời tiết nóng bức hay việc trẻ bị sốt cao cũng khiến các mạch máu giãn ra, dễ vỡ, gây chảy máu cam.

Tiến sĩ Dinh cho biết, với những trường hợp chảy máu cam dạng điểm mạch, cha mẹ không cần quá lo lắng. Nên nhẹ nhàng cho trẻ nằm xuống, dùng hai ngón tay bóp vào hai cánh mũi của trẻ, giữ nguyên như vậy trong 3 - 5   phút, đồng thời hướng dẫn bé thở bằng miệng. Biện pháp này nhằm ép điểm mạch lại, không cho máu chảy ra từ đây nữa. Sau đó, nên để trẻ ngồi hoặc nằm và tránh vận động nặng, tuyệt đối không để trẻ cho tay vào ngoáy mũi.

Một số gia đình, đặc biệt là ở các vùng quê, thường trị chảy máu cam bằng cách lấy nước ép cây nhọ nồi nhỏ vào mũi, hay lấy thuốc lào nhét vào để cầm máu. Theo tiến sĩ Ngọc Dinh, đây là những kinh nghiệm dân gian và cũng có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, cần chú ý rửa thật sạch lá trước khi nhỏ vào mũi, nếu không sẽ gây viêm nhiễm.
 
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi cho con bằng nước muối biển để tránh viêm nhiễm, ăn uống đủ dưỡng chất, đặc biệt là Vitamin C, tránh thức ăn cay nóng, quá nhiều đường. 

Tuy nhiên "nếu trẻ hay bị chảy máu, cha mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ để biết chính xác mức độ, tình trạng bệnh trước khi tự ý điều trị", tiến sĩ Dinh khuyên.
 
Theo Baodatviet
Chia sẻ