Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng

Chí Toàn - Trang Anh,
Chia sẻ

Có những lúc phải quản lý và giảng dạy hơn 400 học sinh nhưng mỗi khi bị cuốn vào công việc, lòng đam mê dường như đã khiến chị quên hết sự mệt mỏi.

Profile
  • Cô giáo Nguyễn Hải Yến
  • Sinh năm 1984
  • Tốt nghiệp khoa Accord guitar Nhạc viện Hà Nội
  • Giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay Học sinh – Sinh viên” trường Nhạc viện Hà Nội năm 1999
  • Tham gia nhiều chương trình biểu diễn của Đài truyền hình VTV3, VTV1
  • Hiện đang là giáo viên âm nhạc kiêm tổ trưởng tổ nhạc  tại trường Phổ thông liên cấp Olympia

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 1
Cô giáo Nguyễn Hải Yến - Tổ trưởng tổ nhạc trường Phổ thông Liên cấp Olympia

Bén duyên ngành sư phạm

Được biết, chị từng học tại Nhạc viện Hà Nội và đạt giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay Học sinh – Sinh viên” trường Nhạc viện Hà Nội năm 1999. Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với nghề giáo viên, mà không phải là nghệ sĩ?

Trước đây mình học ở Nhạc viện Hà Nội, đó là trường đào tạo nghệ sĩ chứ không phải là đào tạo giáo viên nhạc. Trong lúc học năm thứ 3, thứ 4 đại học, khi bắt đầu định hình sẽ làm nghề gì trong tương lai thì mình rất thích đi biểu diễn. Mình cũng đi dạy thêm từ khi còn học trung cấp, đạp xe đi dạy khắp Hà Nội. Thử qua cả hai nghề thì mình nghĩ rằng công việc giảng dạy sẽ gắn bó lâu dài với mình hơn, cảm thấy yêu nghề sư phạm hơn là đi diễn.

Thực ra nghề giáo viên được trân trọng, vả lại dạy nghệ thuật nó không hề gò bó, cứng nhắc, vẫn có chút chất nghệ sĩ trong con người mình. Khi dạy một bạn không phải chuyên nghiệp về âm nhạc, học chỉ để biết thôi, để chơi được đàn và nhạc cụ, biểu diễn được trên sân khấu, mình cảm thấy rất vui.

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 2

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 3
Dù đã học tập 13 năm trời để trở thành nghệ sĩ biểu diễn, chị Yến vẫn quyết định rẽ sang nghề sư phạm

Chị có đi biểu diễn ngoài hay không hay chỉ hoàn toàn tập trung vào công việc dạy nhạc?

Trước đây thì có, mình từng tham gia một ban nhạc và đi biểu diễn khắp nơi, có những trải nghiệm, giúp mình có những kinh nghiệm quý giá để sau này tham gia giảng dạy về nghệ thuật. Nhưng giờ mình chỉ tập trung vào giảng dạy. Không được diễn mình cũng nhớ nghề tuy nhiên, công việc sư phạm giúp mình có nhiều thời gian để chăm sóc con cái hơn. Đi biểu diễn thì rất là vất vả, phải đi khắp nơi. 

Dạy ở đây các em thường không theo con đường nghệ thuật mà chỉ học vì sở thích thôi. Không đào tạo được những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chị có buồn không?

Thực ra mình không buồn đâu, vì mình đã xác định con đường của mình. Mình có những niềm vui riêng khi dạy ở đây. Chỉ cần được nhìn các con biểu diễn trên sân khấu như một nghệ sĩ chuyên nghiệp là mình hạnh phúc rồi.

Kỷ niệm đáng nhớ của chị trong quá trình dạy học cho các em?

Có một kỷ niệm rất vui. Hồi đấy mình dạy lớp 1, cô dạy nốt đồ, rê, mi – 3 nốt nhạc thôi mà dạy đi dạy lại để các con nhớ. Trong lớp có một bạn nam rất nghịch, không tập trung. Mình gọi bạn đó đứng lên để hỏi “Nốt gì đây?”  Bạn ấy rất hoảng sợ vì không biết đấy là nốt gì. Bạn ấy quay sang nhìn mặt cô, rồi lại nhìn lên bảng, mãi không nói được là nốt gì. Cuối cùng, bạn ấy nhìn mặt cô và nói “Nốt ruồi”. Trên mặt cô thì lại có một nốt ruồi lớn. Cả lớp nghe vậy, cười ầm ĩ cả lên khiến mình rất xấu hổ. Đó là kỷ niệm mà mình nhớ mãi. 

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 4

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 5
Chị Yến hướng dẫn học sinh trong tiết piano

Thu nhập khá nhờ nghề dạy nhạc

Theo chị những tố chất nào là quan trọng để có thể làm được nghề này?

Mình nghĩ là làm việc gì cũng phải có đam mê. Bất kể một nghề gì cũng phải yêu thích và đam mê thì mới có nhiệt huyết, hết mình được với công việc. Nếu không yêu thích, không đam mê, chỉ làm cho có công việc thôi thì khó mà làm tốt.

Riêng nghề giáo viên thì phải rất kiên trì và yêu trẻ con. Ở nhà chăm một đứa con đã thấy mệt rồi, đừng nói là chăm nhiều trẻ như ở đây. Có những lúc mình phải dựng những hợp xướng có tới 400 – 500 học sinh. Việc làm thế nào để cho 400 học sinh ấy đứng yên, không chạy nghịch, trật tự nghe mình nói là cả một vấn đề. Phải thật sự kiên trì mới có thể làm được những việc như thế. 

Giáo viên dạy nhạc thì có gì đặc biệt hơn không chị?

Giáo viên dạy nhạc phải có thêm tố chất năng khiếu, phải đa-dzi-năng hơn. Đặc biệt là ở trường của mình, dạy nhạc không chỉ là dạy hát. Ở đây các con được học nhạc rất văn minh và chia thành các môn theo sở thích, theo khả năng, như guitar, trống, nhạc jazz, piano, thanh nhạc, hợp xướng,... Các cô cũng phải đa năng, phải dựng múa, dựng hát, chơi được nhiều nhạc cụ.

Các bạn trẻ bây giờ rất văn minh. Các con được tiếp xúc với Internet, với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, gu âm nhạc và sở thích của các con rất khá. Bởi thế, giáo viên bọn mình cũng phải trau dồi nhiều cái mới để đáp ứng nhu cầu học tập của các con.

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 6
Chị Yến đệm đàn cho học sinh xướng âm trong tiết thanh nhạc.

Theo đánh giá của chị, vị trí của nghề giáo viên nhạc trong xã hội hiện nay như thế nào, có hot không? Thu nhập có cao không?

Mình thấy nghề giáo viên dạy nhạc rất ổn đấy. Bây giờ đời sống mọi người được nâng cao, những nhu cầu văn hóa tinh thần như âm nhạc càng nhiều. Gia đình có điều kiện rất thích cho con cái họ học cách chơi nhạc cụ. Đó là môi trường mà những người làm nghề của mình có thể làm việc, đi dạy thêm ngoài giờ làm việc chính. Bản thân mình cũng mở lớp dạy thêm tại nhà vào cuối tuần. Ở trường mình, các thầy cô giáo dạy nhạc có những chuyên ngành riêng và đôi khi đi biểu diễn, tham gia các buổi hòa tấu, thu nhập cũng ổn.

Chị có thể chia sẻ rõ hơn về mức thu nhập của mình hay không?

Cái này mình không thể nói rõ được vì hợp đồng làm việc đã quy định phải giữ bí mật. Mình chỉ có thể nói nghề này cho mình một cuộc sống khá ổn mức lương của mình một tháng cũng khá.

Trò chuyện cùng cô giáo dạy nhạc xinh đẹp, tài năng 7
Chị Yến (thứ hai từ phải sang) cùng các giáo viên trong tổ nhạc của trường Olympia.

Công việc của chị cũng khá bận bịu, lại còn dạy thêm cuối tuần. Bí quyết để cân bằng được giữa công việc và gia đình của chị là gì?

Đó cũng là điều mà mình đang phải học đấy (cười), bởi vì mình là tuýp người đã làm việc là say mê, bị cuốn vào công việc, quên hết mọi thứ. Ngoài việc giảng dạy, mình phải họp hành, tổ chức sự kiện nhiều, rất bận rộn. Mình cũng đang cố gắng để cải thiện điều đó.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ. Chúc chị luôn được thuận lợi trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.

Chia sẻ