Trẻ từ 2 tuổi cứ hễ bị cảm là lại ho khò khè và đây có thể là biểu hiện của một căn bệnh mãn tính

Hà Chu,
Chia sẻ

Một căn bệnh suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.

1. Giải mã hiện tượng thở khò khè ở trẻ nhỏ mỗi khi ốm

Trẻ trong khoảng từ 2 tới 10 tuổi cứ mỗi lần ốm là lại phát ra tiếng thở lạ. Những tiếng ro ro bất thường từ phổi trong độ tuổi này đến từ những nguyên do sau đây:

- Viêm phế quản do sức đề kháng suy giảm khi thời tiết đột ngột chuyển lạnh, môi trường ô nhiễm khiến vi khuẩn H.influenzae hoạt động mạnh mẽ. Đây là bệnh không quá nguy hiểm và trẻ sẽ nhanh khỏi nếu được chăm sóc tốt.

- Tăng tiết dịch mũi do trẻ chưa biết cách thở bằng miệng, chỉ hô hấp qua mũi.

- Nằm gối cao, nằm sấp, mặc quần áo quá nóng.

- Hen suyễn.

Trong 4 trường hợp trên thì bệnh hen suyễn ở trẻ là đáng lo ngại nhất. Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ cũng vì vậy mà phức tạp hơn đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, liên tục của gia đình.

Trẻ từ 2 tuổi cứ hễ bị cảm là lại ho khò khè và đây có thể là biểu hiện của một căn bệnh mãn tính - Ảnh 1.

2. Bệnh hen suyễn ở trẻ em là gì và làm sao để phát hiện ra?

Hen suyễn ở trẻ em là một loại bệnh viêm nhiễm mãn tính thường bắt đầu từ 2-10 tuổi và kéo dài đến khi trưởng thành. Khi thời tiết chuyển mùa hoặc trời trở lạnh, đường hô hấp bị sưng tấy kéo theo khó khăn khi hít thở.

Ngoài triệu chứng thở khò khè như "đàn kéo nhị", biểu hiện bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ còn thể hiện ở những nhịp thở không đều, hơi ngắt quãng, thở rít, mệt nhọc nặng nề do cơ thể không được cấp đủ khí oxy. Những cơn ho dai dẳng như ho gà và ngày càng nặng hơn vào ban đêm hoặc khi bắt đầu rạng sáng. Nếu nghe kỹ, mẹ còn phát hiện những tiếng rít lẫn lộn giữa cơn ho.

Trẻ nhỏ mắc căn bệnh này thường có thể chất dễ bị nổi mề đay, dị ứng thực phẩm và mẩn ngứa. Chỉ cần tiếp xúc với những yếu tố sinh học, vật lý, hóa học, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng tức ngực, thở khó nhọc, ho vào ban đêm hoặc rạng sáng.

3. Ba nguyên nhân hình thành bệnh hen suyễn ở trẻ

Yếu tố di truyền. Theo nhiều nghiên cứu, nếu bố mẹ mắc bệnh hen suyễn thì con sinh ra cũng có cơ địa dễ bị dị ứng và tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn người khác tới 33%.

Yếu tố môi trường như dị nguyên trong nhà (bụi bẩn, lông thú, nấm mốc), dị nguyên ngoài nhà (phấn hoa, hóa chất, khói bụi).

Yếu tố khác như béo phì, sinh non, suy dinh dưỡng.

Trẻ từ 2 tuổi cứ hễ bị cảm là lại ho khò khè và đây có thể là biểu hiện của một căn bệnh mãn tính - Ảnh 2.

4. Bốn cấp độ bệnh hen suyễn ở trẻ

Cấp độ 1: Trẻ hoạt động bình thường nhưng có cơn hen ngắt quãng nhẹ vào ban ngày dưới 1 lần/tuần.

Cấp độ 2. Triệu chứng hen dai dẳng nhẹ xuất hiện vào ban ngày dưới 1 lần/tuần.

Cấp độ 3. Trẻ khó thở hàng ngày. Các hoạt động vui chơi ngày thường bị ảnh hưởng.

Cấp độ 4. Triệu chứng biểu hiện kéo dài, ngày càng nặng và thường xuyên xảy ra nhất là vào ban đêm.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Emma Nurhema, bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Hữu nghị Jakarta cho hay: "80% biểu hiện triệu chứng bệnh hen suyễn ở trẻ sẽ giảm dần ở tuổi thiếu niên và dừng lại hoàn toàn. Nhưng bệnh vẫn có thể tái phát nếu trẻ gặp các yếu tố môi trường gây kích thích". Chính vì thế mà cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ ban đầu cũng không thể khỏi hẳn được mà sẽ tái phát tùy vào thể trạng sức khỏe.

5. Biến chứng bệnh hen suyễn ở trẻ mẹ cần chú ý

Suy hô hấp kéo dài khiến não bị tổn thương vì thiếu oxy. Trẻ có thể ngạt thở đột ngột, hôn mê và tử vong.

Xẹp phổi. Đây là hiện tượng thể tích phổi bị mất đi do xẹp phế nang khu trú làm mất sự giãn nở tự nhiên của nhu mô phổi. Điều này dẫn tới lượng không khí lưu thông qua vùng phổi xẹp sẽ bị giảm đi đáng kể.

Khí phế thũng. Trong phổi, vách các phế nang mất tính co giãn, trở nên yếu ớt, dễ vỡ và làm tắc nghẹn đường dẫn khí khiến trẻ môi chi tím tái, ho khác nhiều đờm, hít nhiều thở ít.

Tâm phế mãn tính. Trẻ tím tái mặt, gan lộ, đau sườn phải, thở gắng sức có nghĩa là bệnh hen đã tiến triển thành thể nặng. Lúc này, tâm thất bị giãn, phì đại do động mạch phổi bị tăng áp lực quá lâu.

Tràn khi màng phổi. Phế nang giãn rộng, mạch máu thưa thớt, áp lực tăng mạnh khiến trẻ ho như "nổ cổ". Phế nang có thể bị bục vỡ khiến tràn khí màng phổi dẫn tới nguy cơ tử vong.

Viêm phế quản thường xảy ra khi thời tiết giao mùa nóng-lạnh, độ ẩm tăng, nhiệt độ đột ngột thay đổi khiến vi khuẩn gây bệnh bùng phát. Trẻ nhiễm cảm cúm, viêm đường hô hấp, tai mũi họng, tay chân miệng khiến bệnh tình hen suyễn biến chứng cũng nặng hơn.

6. Cách cắt cơn hen suyễn ở trẻ nhỏ

Để xử trí khi trẻ lên cơn hen suyễn nhẹ (cấp 1, 2), mẹ dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như bình xịt, siro hoặc thuốc dạng viên. Liều lượng tùy thuộc vào cân nặng, độ tuổi và cơ địa. Đồng thời, trẻ cần được đưa ra chỗ có không khí trong lành thoáng mát, cho uống nhiều nước, hít hơi nước nóng để đờm loãng ra.

Nếu cơn hen chuyển biến nặng (cấp 3, 4) thì mẹ đưa ngay tới cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời.

7. Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ

Liệu trình điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ bao gồm 2 hướng: giảm các triệu chứng co thắt phế quản, khống chế hen suyễn bằng thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng viêm đường thở. Nếu trẻ không khó khăn khi thở thì không cần uống thuốc.

Nếu chứng thở khò khè tái diễn thì có thể dùng salbutamol (siro, bình hít, viên uống) theo chỉ định bác sĩ.

Nếu trẻ tím tái, không uống được nước thì cần được nhập viện, điều trị thở oxy 1-2 lít/phút, uống thuốc giãn phế có tác dụng nhanh theo chỉ định của bác sĩ như salbultamol, epinephrine, steroids, aminophylline và đánh giá lại bệnh tình mỗi 3-6 tiếng.

Trẻ từ 2 tuổi cứ hễ bị cảm là lại ho khò khè và đây có thể là biểu hiện của một căn bệnh mãn tính - Ảnh 3.

8. Cách chăm sóc trẻ bị hen suyễn

Mẹ lưu ý KHÔNG dùng thực phẩm nhiều gia vị (đặc biệt là muối), nước uống có ga, thực phẩm đóng hộp, thức ăn lên men, trái cây khô, đồ hải sản, đậu nành, đậu phộng, trứng sữa.

Trẻ cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, acid béo, omega 3, magnesium, đặc biệt là đạm để bù lại phần đạm đã mất đi do dùng thuốc, vitamin D, sắt chống suy dinh dưỡng.

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ cần bú đủ 150ml sữa mẹ/kg cân nặng/ngày. Người mẹ cũng cần phải kiêng những thức ăn gây dị ứng.

Trong giai đoạn ăn dặm, mẹ thử từng loại thức ăn để biết bé thích ứng hay dị ứng với những loại nào.

Cách ly trẻ với những tác nhân gây dị ứng đến từ yếu tố môi trường.

Ăn từng ít một để đề phòng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Ăn vừa phải chất béo, uống nhiều nước để làm lỏng đờm.

9. Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ

Cách ly trẻ khỏi những dị nguyên gây bệnh.

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường sức đề kháng phòng tránh bệnh tật theo mùa.

Cuối cùng, để bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ không còn là mỗi lo lâu dài, mẹ cần khuyến khích con kiên trì rèn luyện những môn thể theo có lợi cho phổi như chạy, bơi lội, đá bóng…

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ