Trẻ sống 1 mình, già chết không ai nhận: Thực tế đau lòng tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới

Đan Vy,
Chia sẻ

Dân số ngày một già đi trong khi ngày càng nhiều người trẻ lại không chịu kết hôn, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với thực trạng vô cùng đau lòng khi hàng trăm lọ xương cốt của người quá cố cứ chất chồng lên mà không có ai tới nhận.

Mùi ẩm mốc bao trùm dưới tầng hầm nơi chứa đựng khoảng 600 lọ tro cốt xếp chật các ngăn kệ thuộc một nghĩa trang của thành phố Saitama, Nhật Bản. Chỉ vào ngăn kệ duy nhất còn trống, ông Satoru Shimizu, cán bộ địa phương cho biết chẳng bao lâu nữa nơi này sẽ chẳng còn chỗ chứa bởi số lượng những lo tro cốt không người nhận ngày càng tăng trong những năm gần đây. 

"Hiện tại, nghĩa trang vẫn đủ sức chứa nhưng rồi cuối cùng cũng sẽ chật hết thôi. Nghĩ tới những người phải yên nghỉ những phút cuối đời ở nơi lạnh lẽ này, tôi cũng thấy đau lòng", ông Shimizu, cán bộ thuộc bộ phận phúc lợi xã hội của thành phố Saitama cho biết.

Trẻ sống 1 mình, già chết không ai nhận: Thực tế đau lòng tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới - Ảnh 1.

Một cán bộ thành phố Saitama đang kiểm tra số lượng tro cốt được lưu giữ trong một hầm mộ ở địa phương.

Thực trạng đáng buồn tại quốc gia có dân số nằm trong top già nhất thế giới

Saitama là một trong rất nhiều thành phố tại quốc gia có dân số ngày càng già đi nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng tro cốt của người đã khuất không có người tới nhận. Điều này trước đây chỉ xảy ra với những trường hợp thi thể không xác định được danh tính.

Cán bộ thành phố cho biết ngày nay hầu hết các lọ tro cốt không có người nhận này đều được xác định danh tính rõ ràng. Rất nhiều người tử vong vẫn còn người thân nhưng họ từ chối làm tang hay mang tro cốt về để lo hậu sự chỉ vì không có mối quan hệ đủ thân thiết, gắn bó với người quá cố.

Đây là một trong những thực tế nghiệt ngã của xã hội già như Nhật Bản. Theo các nhà quan sát, ngày càng nhiều người chọn sống một mình cho tới già nhờ vào khoản thu nhập nhỏ nhoi hoặc quỹ phúc lợi xã hội.

Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh Xã hội Quốc gia (NIPSSR) ước tính tới năm 2035, số người tử vong sẽ tăng lên 1,65 triệu người so với 1,29 triệu người trong năm 2015. Trong khi đó, theo dữ liệu chính phủ, chỉ tính riêng trong năm 2015, tại Nhật Bản, có 13,3% nam giới và 21,1% nữ giới ở độ tuổi từ 65 trở lên đang sống một mình, tăng mạnh so với con số 4,3% và 11,2% hồi năm 1980.

Trẻ sống 1 mình, già chết không ai nhận: Thực tế đau lòng tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới - Ảnh 2.

Số lượng người cao tuổi hiện đang sống 1 mình ở Nhật ngày một tăng. (Ảnh: Ko Sasaki/The New York Times)

Khi có người tử vong mà không ai tới nhận, chính quyền thành phố có trách nhiệm phải an táng họ. Chi phí phát sinh cho mỗi trường hợp như vậy dao động từ 200.000 tới 250.000 Yên. Ngoài vấn đề chi phí, chính quyền còn gặp khó khăn trong việc tìm chỗ để lưu trữ những lọ tro cốt mỗi ngày một nhiều. Thông thường, thành phố sẽ lưu giữ những lọ tro cốt này trong vài năm đề phòng trường hợp có người thân tới nhận.

Mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức về số lượng tro cốt không người nhận trên khắp cả nước nhưng thành phố Saitama cho biết trong năm 2003, chỉ có 33 lọ tro được "nhập kho" vậy mà năm 2016, số lượng tro cốt vô thừa nhận tại địa phương đã lên tới 133. Tính tới năm 2017, thành phố đang lưu trữ tổng cộng hơn 1.600 lọ tro cốt. Do số lượng dự tính sẽ tăng lên không ngừng nên chính quyền thành phố Saitama dự tính sẽ thiết lập khu chức năng để chôn cất những lọ tro cốt bị người thân chối bỏ vào năm 2020.

"Chôn họ cùng nhau sau khi đã lưu giữ vài năm. Tôi cho rằng đó là cách duy nhất hiện tại chúng tôi có có thể nghĩ tới", ông Shimizu cho biết.

Theo truyền thống, lo hậu sự cho người thân đã khuất được coi là trách nhiệm của hậu duệ. Nhưng với sự phát triển của những gia đình hạt nhân, quan niệm này ngày càng trở nên mờ nhạt vì người ta ngày sống ngày càng khép mình hơn, dựa vào bản thân là chính.

Midori Kotani, nghiên cứu viên giàu kinh nghiệm tại Viên Nghiên cứu Dai-ichi Life cho rằng sợi dây kết nối gia đình lớn ngày một lỏng lẻo là một trong những lý do dẫn tới tình trạng trẻ sống một mình, già chết không ai nhận ngày một gia tăng. Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra tuổi thọ tăng cũng là một nhân tố đằng sau thực trạng này.

Theo số liệu của Bộ phúc lợi xã hội, 50,4% công dân nam và 73% công dân nữ tử vong năm 2015 đều trên 80 tuổi. Con số này chỉ đạt 33% trong năm 2000.

Trẻ sống 1 mình, già chết không ai nhận: Thực tế đau lòng tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới - Ảnh 3.

Tuổi thọ trung bình của người Nhật tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. (Ảnh: Ảnh: Ko Sasaki/The New York Times)

"Điều này đồng nghĩa với việc con cái của những người đã khuất cũng đều là người lớn tuổi nên khó có điều kiện để nhận người thân về an táng. Quan niệm dựa dẫm vào người thân để lo việc hậu sự, bao gồm cả chăm sóc mộ phần, không còn hữu hiệu nữa", Kotani cho biết.

Trước sự thay đổi về các chuẩn mực xã hội cũng như nhân khẩu học này, nhà nghiên cứu Kotani cho biết người Nhật cần chuẩn bị cho ngày ra đi của mình một cách chủ động chứ không nên dựa dẫm vào người thân, ví dụ như tự sắp xếp mộ phần cho mình. Bà Kotani cũng gợi ý lập các ngôi mộ tập thể miễn phí cho những người không may qua đời mà không có người thân nhận về.

Giải pháp cho tình trạng "sống một mình, chết già không người an táng"

Để giảm thiểu số lượng tro cốt bị "bỏ rơi" dồn ứ trong các hầm mộ, thành phố Yokosuka, thuộc tỉnh Kanagawa đã triển khai một chương trình hỗ trợ những người già neo đơn không nơi nương tự chuẩn bị cho sự ra đi của mình vào năm 2015.

Chương trình được áp dụng đối với những người dân có thu nhập mỗi tháng dưới 180.000 Yên, có khoản tiết kiệm từ 2,25 triệu Yên trở xuống và những người có tài sản dưới hoặc bằng 5 triệu Yên. Theo đó, những người đủ điều kiện sẽ được chi trả một khoản khoảng 250.000 Yên, bằng số tiền mà thành phố sẽ phải bỏ ra để hỏa táng và lưu trữ những lọ tro cốt không người nhận. 

Người tham gia chương trình có thể chọn nơi hỏa táng hoặc lưu trữ tro cốt. Chính quyền thành phố sẽ thông báo cho dịch vụ tang lễ khi những công dân này qua đời và đảm bảo mọi việc diễn ra như đã cam kết trước đó.

Trẻ sống 1 mình, già chết không ai nhận: Thực tế đau lòng tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới - Ảnh 4.

Ngày càng nhiều người Nhật lựa chọn sống một mình cho tới già dựa vào thu nhập ít ỏi hoặc trợ cấp xã hội. (Ảnh: Ko Sasaki/The New York Times)

Từ khi mới triển khai, đã có 23 người đăng ký tham gia chương trình. Trong số đó, 3 người đã về với cát bụi và được đưa vào đền an hưởng cõi vĩnh hằng.

Giống như thành phố Saitama, số tro cốt không người nhận ở Yokosuka tăng từ 16 trong năm 2003 lên tới 60 trong năm 2014. Không thể lưu trữ hết số tro trong hầm mộ địa phương, thành phố đã phải chôn 600 lọ tro cốt chung một nơi trong suốt hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện chương trình này, số tro cốt vô thừa nhận đã giảm xuống còn 36 trường hợp tính tới năm 2016. Sự sụt giảm này một phần cũng nhờ cán bộ thành phố đã nỗ lực thuyết phục người thân nhận tro cốt về.

Theo Japan Times

Chia sẻ