TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục

Bài và ảnh: Lê Bảo,
Chia sẻ

Trẻ nhỏ sống ở chung cư vẫn có thể là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục và làm thế nào để bảo vệ trẻ, là nội dung được các bậc cha mẹ quan tâm, trao đổi tại buổi tọa đàm tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục với sự tham gia của diễn giả, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà.

Ở chung cư nhưng vẫn không tránh được việc bị XHTD

Chiều ngày 25/3, tại chung cư The Pride (La Khê – Hà Đông – Hà Nội), đã diễn ra buổi tọa đàm tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục với sự tham gia của diễn giả, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cùng hàng trăm cư dân chung cư The Pride và các cư dân đang sinh sống trên địa bàn quận Hà Đông.

TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm nhận được sự đón nhận theo dõi của hàng trăm cư dân chung cư trên địa bàn quận Hà Đông.

Mở màn buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho biết: "Thời gian gần đây vấn nạn xâm hại tình dục đang diễn biến xấu khiến dư luận xã hội lo lắng. Đặc biệt, việc xâm hại tình dục xảy ra với ngay cả những người thân quen trong gia đình, những người được trẻ tin tưởng, như: hàng xóm, người họ hàng xa hay bạn bè của cha mẹ… và kẻ xâm hại tình dục bao giờ cũng tiếp xúc với trẻ em bằng cách rất thân thiện với trẻ nhỏ. Chính vì vậy việc xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào".

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cũng đưa ra những câu hỏi cụ thể, phỏng vấn những trẻ nhỏ đang sinh sống tại chung cư. Bé C.A. – sống tại CT1 được hỏi cho biết: "Cháu được dạy phải bảo vệ chỗ kín".

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà: "Chúng ta hay dùng chữ "chỗ hiểm" nhưng thực sự chưa chuẩn, phải gọi là "chỗ kín". Đó là phần nhạy cảm khi chúng ta đi tắm biển có vải che lại".

TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục - Ảnh 2.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà chủ trì buổi tọa đàm tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục.

Hiện các chung cư, các khu đô thị trẻ đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Hà Nội. Đây cũng là nơi cư dân sinh sống đông đúc, đồng nghĩa với điều này, trẻ nhỏ có thể bị xâm hại tình dục tại nhiều nơi như: Thang máy, khu vui chơi, các khu vắng vẻ, công viên hoặc thậm chí là ở cầu thang bộ. Chính vì vậy,. việc cha mẹ cần hiểu rõ để phòng tránh cho con em mình là điều cần thiết, đồng thời hướng dẫn trẻ nhỏ có những biện pháp để phòng tránh bị xâm hại tình dục.

TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục - Ảnh 3.

Rất nhiều bậc cha mẹ và trẻ nhỏ chăm chú theo dõi.

Lấy ví dụ về những điều này, tiến sĩ Mạnh Hà nói: "Trong trường hợp trẻ nhỏ đang chuẩn bị đi thang máy, có 1 người đàn ông chưa quen chưa biết thì trẻ nhỏ nên để người đàn ông đó đi trước.  Nếu ở trong thang máy 1 mình nhưng có  người đàn ông bước vào và người đàn ông cứ nhìn chằm chằm vào phần kín thì trẻ nhỏ phải nói thẳng: "Cháu không thích chú nhìn như vậy", đồng thời trẻ nhỏ cần bấm ngay nút mở ở tầng kế tiếp để đi ra ngoài hoặc nếu thấy tình hình xấu hơn thì có thể nhấn nút màu vàng (tức nút cứu hộ) để cảnh báo cho kẻ xấu biết rằng xung quanh tòa nhà có rất nhiều bảo vệ sẵn sàng cứu giúp".

5 cảnh báo cho trẻ để an toàn cho trẻ trước vấn nạn XHTD

Để đảm bảo an toàn cho trẻ nói chung và trẻ ở chung cư, các KĐT nói riêng thì tiến sĩ Mạnh Hà cũng đưa ra 5 cảnh báo để chống lại kẻ xâm hại tình dục như sau:

Cảnh báo nhìn: Là khi con chơi với 1 người lớn hơn con, có thể là người thân hoặc người lạ mặt nói với con rằng, hãy cho họ nhìn phần kín của con hoặc nói con nhìn vào phần kín của họ. Hãy dạy con, việc đó là xấu.

TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục - Ảnh 4.

Môt bé gái chăm chú lắng nghe về những nguy cơ bị XHTD tại khu chung cư để biết cách phòng tránh.

Cảnh báo nói:  Là người lớn, người quen nói chuyện liên quan đến bộ phận sinh dục, câu chuyện liên quan đến ôm ấp, vuốt ve, âu yếm…  Nói chung, phụ huynh cần nhắc nhở con không nghe những câu chuyện liên quan đến chuyện tình dục.

Cảnh báo động chạm: Là cảnh báo một người lớn hay một người nào đó chạm vào phần kín của các con hoặc bảo các con chạm vào phần kín của họ. Ví dụ, 1 người lớn ôm lấy các con, dùng tay chạm vào phần kín của các con. Lúc đó các con sẽ phải sử dụng các biện pháp chống lại cảnh báo động chạm.

Đặc biệt, bố mẹ, ông bà tuyệt đối không được đụng chạm vào bộ phận sinh dục của con. Ở Việt Nam các bậc bố mẹ, ông bà thích khoe, thích đụng chạm vào bộ phận sinh dục của con để khoe nhưng điều đó đã hại con một cách âm thầm tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.

TS. Phạm Mạnh Hà: Sống ở chung cư, phải lường trước nguy cơ con bị xâm hại tình dục - Ảnh 5.

Cha mẹ, ông bà, người giúp việc là những người cần nói cho trẻ nhỏ hiểu những mối nguy hại có thể gặp phải tại chung cư.

Chúng ta chỉ sờ mó, đụng chạm trong các tình huống: Khi bị thương, khi còn nhỏ - khi trẻ lớn lên không đụng chạm sẽ tạo thành thói quen với trẻ khi người lạ đụng chạm.

Cảnh báo một mình: Khi chơi ở trong khu chung cư, các con không được chơi một mình, bởi vì khi chơi một mình, các con rất dễ trở thành nạn nhân cho những kẻ biến thái. Bởi kẻ biến thái có sự chuẩn bị từ trước và bột phát, nếu cha mẹ để con chơi 1 mình, kẻ xấu sẽ rủ con đi vào một góc nào đó chơi tiếp và sẽ diễn ra sự việc xấu.

Cảnh báo ôm: Các gia đình nên lập danh sách những người thân trong gia đình có thể ôm trẻ nhỏ, còn tuyệt đối với người xa lạ không cho ôm.

5 cảnh báo này, theo Tiến sĩ Mạnh Hà, sẽ giúp trẻ nhỏ bảo vệ được bản thân trước những kẻ biến thái. Nếu cha mẹ phát hiện trẻ sợ hãi, khóc lóc, không tiếp xúc với người thân, quần lót có máu… thì khả năng trẻ đã bị xâm hại tình dục. Nếu trẻ sợ hãi, giật mình, thu mình vào và tự trách oán bản thân mình vì nếu trẻ bị xâm hại trẻ sẽ tự giằn vặt mình thậm chí nghĩ đến việc tự tử..., cha mẹ cần tỉnh táo và để mắt đến con trẻ nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho con em mình.

Chia sẻ