Trẻ hay bám dính bố mẹ, ăn vạ, ốm vặt là do thường xuyên đi ngủ muộn

Hải An,
Chia sẻ

Chỉ vì thường xuyên cho con đi ngủ muộn mà bố mẹ Việt đang âm thầm gieo rắc cho con một loạt những nguy cơ về tâm lý và sức khỏe trong đó những biểu hiện đầu tiên bố mẹ có thể nhận ra là con hay cáu kỉnh, ăn vạ và ốm vặt.

Theo thói quen sống và sinh hoạt của nhiều gia đình, hiện nay, phần lớn trẻ em ở Việt Nam đều đang đi ngủ muộn hơn khá nhiều so với thời gian tiêu chuẩn, điều này dẫn tới một loạt những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý cho các con.

Mới đây, tại một hội thảo về hậu quả báo động của vấn đề thiếu ngủ đang diễn ra rất phổ biến với trẻ em Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bác sĩ Johnathan Halevy, Trưởng Khoa Nhi một phòng khám quốc tế với 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa và 12 năm làm việc tại Việt Nam đã chia sẻ số liệu có đến một nửa trẻ mầm non và 40% trẻ vị thành niên ở Việt Nam ngủ ít hơn thời lượng cần thiết. 

Nguyên nhân phát sinh chủ yếu đến từ thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày dày đặc của các em. Tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến hàng loạt hệ quả nghiêm trọng như tình trạng giảm sút khả năng nhận thức, gây ra các vấn đề về trí nhớ, chức năng vận động, trầm cảm, hành vi và các rối loạn về tâm lý cũng như sự an toàn của trẻ.

Khoa học đã chứng minh rằng thời gian ngủ đêm vô cùng quan trọng, không kém gì ăn uống đủ chất và hoạt động thể lực để duy trì sức khoẻ phát triển trẻ em. Việc ngủ đủ giúp trẻ tỉnh táo, minh mẫn, không phụ thuộc vào đường và các chất kích thích để tạo sự hưng phấn đưa mình qua cơn buồn ngủ và mệt mỏi. Ngủ rất quan trọng. Ngủ đủ là tiền đề cho sự bình tĩnh, khả năng xử lý kỹ năng vật lý và kỹ năng cảm xúc của con người, đặc biệt là ở trẻ em bởi hệ thần kinh đang phát triển và ít khả năng chịu đựng sức ép tâm lý hơn.

Cơ quan phát ngôn của cơ quan Y tế Anh (NHS – National Health Service) có trình bày rất kỹ lưỡng về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khoẻ học đường của trẻ nhỏ cho đến tuổi thanh thiếu niên. Theo cơ quan này thì thời gian ngủ tương ứng của các lứa tuổi xấp xỉ như sau:

Giờ đi ngủ 2

Theo đó, giờ đi ngủ của trẻ vào lớp 1 nên là từ 7-7h30 là tốt nhất, và nhìn chung ở các nước phương Tây, trẻ đều đi ngủ vào khoảng thời gian từ 7 đến 8h tối mỗi ngày, và giờ đi ngủ khuyến cáo còn có mối quan hệ chặt chẽ với giờ mà trẻ thức dậy mỗi ngày.

Giờ đi ngủ 1
Bảng giờ đi ngủ tốt cho sức khỏe của trẻ được trường trường tiểu học Wilson Elementary ở Mỹ gửi cho phụ huynh trước khi năm học mới bắt đầu nhằm đảm bảo các học sinh được ngủ đủ để có tinh thần học tập sảng khoái nhất.

Những trẻ nhỏ bị thiếu ngủ trường kỳ có thể hay cáu gắt, khóc vô cớ, khóc lâu không dỗ được, ở các trẻ lớn hơn thì mất ngủ có thể gây giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, thường xuyên tìm kiếm sự kích thích về thể chất và tâm lý để vượt qua cơn mệt mỏi thần kinh. Ở các nước phương tây, các triệu chứng kích động tâm lý do thiếu ngủ có thể bị hiểu nhầm thành trẻ mắc hội chứng ADHD (Hội chứng tăng động, giảm chú ý).

BS Collin, một bác sĩ Nhi khoa với nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam cũng có lời khuyên rằng: “Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe của mọi đứa trẻ vì nó giúp trẻ xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Muốn biết một đứa trẻ có giấc ngủ chất lượng hay không, có ngủ ngon hay không thì hãy quan sát trẻ lúc thức dậy. Nếu trẻ cáu kỉnh, không vui vẻ thì có nghĩa là trẻ ngủ chưa đủ và không ngon giấc, ngược lại trẻ ngủ đủ giấc sẽ nhanh chóng trở nên hoạt bát, vui vẻ sau khi thức dậy để tham gia vào các hoạt động của ngày mới”.

Đi ngủ sớm 3
Đối với trẻ từ sơ sinh, giấc ngủ chất lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để trẻ phát triển hoàn chỉnh cả về thể chất và tinh thần. 

Tuy nhiên, hãy thử nhìn lại xung quanh, bạn sẽ thấy những em nhỏ, từ mầm non tới tiểu học ngủ gục đằng sau xe máy bố mẹ trên đường đi học, bạn sẽ thấy những đứa trẻ vừa ăn sáng vừa ngủ gật trong tiếng giục giã, cáu kỉnh của bố mẹ, bạn sẽ thấy trẻ nhỏ chạy nhảy, nô đùa ầm ĩ ở các sân chơi khu tập thể, chung cư lúc 9, 10h tối, bạn sẽ thấy em bé phải ngồi tới khuya để làm cho xong bài tập về nhà mới được đi ngủ, hay những đứa trẻ cả buổi tối ôm tivi, iPad, điện thoại thông minh trong khi bố mẹ đang mải mê với công việc của mình…

Hãy thử làm một phép tính đơn giản này để thấy mức độ nguy hiểm của việc thiếu ngủ kéo dài: Thiếu ngủ tồn đọng nhiều ngày dù mỗi ngày chỉ 1h có thể tích tụ thành một đêm trắng thiếu ngủ chỉ sau 1 tuần và cứ như vậy, bạn hãy nhân lên xem, sự nguy hại khủng khiếp mà bạn mang lại cho con như thế nào nếu bé bị thiếu ngủ ngay từ khi còn nhỏ?

Và là bố mẹ, bạn có quyền lựa chọn, luyện cho con đi ngủ sớm hay để con tùy con thích chơi khuya đến lúc nào mệt thì ngủ đồng nghĩa với việc bạn giúp con xây dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ ngon, ngủ đủ hay để mặc con rơi vào tình trạng thiếu ngủ triền miên kéo theo nhiều nguy cơ về sức khỏe, hành vi sau này, đó hoàn toàn là sự lựa chọn của bạn.

Chia sẻ