Trẻ dậy thì muộn dễ bị lùn vĩnh viễn

,
Chia sẻ

Học hết cấp ba nhưng Hùng vẫn thấp bé như trẻ 13 tuổi. Các bác sĩ cho biết do không điều trị kịp thời chứng dậy thì muộn, cậu sẽ mãi mãi mang vóc dáng thiếu nhi.

Mải làm ăn buôn bán, vợ chồng chị Nguyễn Thu Thủy ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ít có thời gian chăm sóc, gần gũi với các con, mọi việc ăn uống của con, chị giao hết cho giúp việc. Thế nên, chị không để ý đến việc cậu con trai tên Hùng tuy đã học lớp 12 nhưng vẫn nhỏ bé như đứa trẻ 13 - 14 tuổi, giọng nói chưa vỡ, vẫn the thé như con gái. Cho đến khi kết thúc năm học, thấy Hùng về thông báo nhà trường yêu cầu đích thân cha hoặc mẹ phải đến họp phụ huynh chứ không được nhờ họ hàng hay ôshin, chị đành gác công việc lại đi họp cho con.

Trong khi đợi đến giờ họp, ngồi quan sát bạn học của con, chị Thuỷ mới giật mình khi thấy chúng to lớn, vạm vỡ, giọng nói ồm ồm, ra dáng là một người đàn ông thực sự, khác hẳn Hùng. Lúc này, chị mới thấy lo lắng nên vội đưa con đi khám, và bất ngờ biết được con mình bị dậy thì muộn. Dù hai vợ chồng bỏ hết việc làm ăn để đưa con đi điều trị nhưng cũng chỉ có thể "cứu" được chức năng sinh sản cho cậu bé. Còn về mặt hình thể, Hùng sẽ mang vóc dáng trẻ con vĩnh viễn vì các bác sĩ không thể giúp cậu trở nên cao lớn, vạm vỡ như bạn đồng trang lứa. Giờ đây, chị Thủy luôn hối hận trước sự vô tâm của mình.

Chị Hải Yến ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng không nhận ra sự phát triển của con mình có gì bất thường nếu không tham gia buổi hội ngộ ở Sầm Sơn với bạn bè lớp cũ. Cũng như nhiều bạn bè trong lớp, chị mang chồng và con theo. Đang hàn huyên thì một thiếu nữ phổng phao chạy đến chào. Người bạn tên Hương giới thiệu đó là con gái chị, mới 17 tuổi nhưng đã có nhiều chàng tán tỉnh. Các bà mẹ xoay sang chuyện con cái, thi nhau kể chuyện lần đầu tiên con gái bị “đèn đỏ”, rồi các cậu bạn đến cưa cẩm ra sao.

Chị Yến ngạc nhiên rồi ngồi ngẩn người. Chị nhận ra rằng cô con gái tên là Hà Anh của chị năm nay cũng 17 tuổi mà vẫn “trước sau như một”, chưa thấy tháng bao giờ, hình thể nhỏ bé như mới 12. Cô bé cũng chẳng biết làm duyên như bao bạn gái cùng lứa. Tối về phòng, chị tâm sự với chồng về điều bất thường của con và ngay sau chuyến đi, họ đưa Hà Anh đến bệnh viện. Cô bé cũng được chẩn đoán dậy thì muộn.

Cha mẹ nên gần gũi để theo sát sự phát triển của con. Ảnh: Goctretho.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, khoa Nội tiết, chuyển hoá, di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trung bình cứ 10.000 đứa trẻ sẽ có một em bị dậy thì muộn. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng bệnh này, như do chậm phát triển sinh lý có yếu tố gia đình (bố, mẹ cũng dậy thì muộn), do trẻ có các bệnh mạn tính về máu, ung thư, bệnh hệ thống hay do những bất thường về nhiễm sắc thể. Trẻ mắc bệnh này sẽ kém phát triển thể chất, người thấp nhỏ, không cân đối, đặc điểm giới tính không phát triển kéo theo nguy cơ vô sinh.

Tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân dậy thì muộn được đưa đi khám và điều trị khi đã muộn, chủ yếu vì các ông bố, bà mẹ không để ý đến sự phát triển bất thường của con. Họ vẫn quen nghĩ con còn nhỏ dại, và chỉ khi trẻ đã qua tuổi dậy thì mà vẫn không khác gì đứa trẻ thì cha mẹ mới lo lắng và đưa đi gặp bác sĩ.

Thời điểm tốt nhất để điều trị chứng dậy thì muộn là khoảng 12 tuổi. Để trẻ phát triển bình thường theo đúng độ tuổi, các bác sĩ sẽ bổ sung hormone sinh dục testosterone cho trẻ trai để giúp cơ quan sinh dục trở nên trưởng thành, trẻ vỡ giọng và phát triển cơ bắp. Trẻ gái được bổ sung hormone nữ ostrogen, progesterone để phát triển buồng trứng, tạo chu kỳ kinh nguyệt, phát triển tuyến vú...

Theo bác sĩ Ngọc Khánh, những trẻ dậy thì muộn nếu để đến tận năm 18 - 20 tuổi mới bắt đầu điều trị, bác sĩ chỉ có thể giúp "cứu" được chức năng sinh sản, chứ không thể giúp trẻ có vóc dáng của người trưởng thành, bởi đã quá muộn để kích thích phát triển chiều cao.

Vì thế, cha mẹ cần theo dõi sát sao sự phát triển của con, nhất là ở giai đoạn dậy thì. Hãy nghĩ đến dậy thì muộn nếu con gái 13 tuổi mà chưa phát triển tuyến vú, lông mu, con trai trên 14 tuổi giọng chưa vỡ, dương vật và tinh hoàn bé...
 
Theo Gia Anh
Đất Việt
Chia sẻ