Trẻ có thể hiểu bố mẹ đang làm gì từ khi mới 7 tháng tuổi

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Đây là phát hiện mang tính đột phá được nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago công bố mới đây.

Não của trẻ phát triển hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể hình dung. Các nhà nghiên cứu khẳng định, một em bé 7 tháng tuổi đã có những kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản và các bé thực sự có thể hiểu được bố mẹ đang làm gì.

Đây là lần đầu tiên, trẻ được chứng minh là không chỉ quan sát mà còn hiểu được những giao tiếp xã hội xảy ra quanh mình.

Theo nghiên cứu trên, các nhà khoa học cho 36 trẻ em 7 tháng tuổi đội một chiếc mũ sử dụng điện não đồ hay còn gọi là EEG để đo các hoạt động của não. Trong suốt thí nghiệm, mỗi bé sơ sinh được quan sát một diễn viên chọn cho mình một trong hai món đồ chơi. Ngay sau đó, bé được phép làm tương tự. Quá trình này được lặp đi lặp lại 12 lần.

Khi trẻ sơ sinh kích hoạt hệ vận động trong lúc quan sát người diễn viên cầm lấy một món đồ chơi, trẻ sẽ bắt chước anh ta. Nếu trẻ không bắt chước, sẽ không có sự tham gia của hệ vận động trong các hoạt động của não được ghi lại khi bé quan sát diễn viên. Rõ ràng, hoạt động não trẻ dự đoán được cách trẻ sẽ phản ứng thế nào với hành vi của người khác.

Bé 7 tháng tuổi
Một em bé 7 tháng tuổi đã có những kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản và các bé thực sự có thể hiểu được bố mẹ đang làm gì.

“Đây là một thông tin trọng đại, rằng trẻ có thể hiểu những thứ chúng quan sát thấy và rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa quan sát người khác và hiểu người khác đang làm gì, đồng thời học cách hành động”, đồng tác giả nhóm nghiên cứu trên, Amanda Woodward, cho biết.

Courtney Filippi, trưởng nhóm nghiên cứu, hiện đang học để lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học phát triển tại Đại học Chicago, chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy, sự kích hoạt hệ vận động có liên hệ tương ứng với hành vi tương tác xã hội ở trẻ sơ sinh. Cũng là bằng chứng đầu tiên cho thấy, giải mã hệ vận động trong lúc hành động giúp dự đoán hành vi tương tác xã hội sau đó của trẻ”.

Helen Tager-Flusberg, giáo sư khoa học não bộ và tâm lý tại Đại học Boston, bày tỏ: “Nghiên cứu này cho chúng ta biết, vào khoảng giữa năm đầu tiên trong đời, trẻ đã bắt đầu có thể hiểu rằng, mọi người hành động đều có chủ đích, việc chọn một món đồ chơi này chứ không phải món kia là do ý muốn như vậy”.

Trẻ 7 tháng tuổi
Vào khoảng giữa năm đầu tiên trong đời, trẻ đã bắt đầu có thể hiểu rằng mọi người hành động đều có chủ đích.

Mặc dù nghiên cứu này sẽ không trực tiếp được ứng dụng vào các liệu pháp hay cách điều trị y tế mới, nó vẫn đóng góp lớn cho các tiến bộ y khoa thông qua việc minh họa cách thức bộ não người vận hành và phát triển. Nhà khoa học Amanda Woodward trong nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Một lý do để tham gia nghiên cứu khoa học cơ bản là để hiểu rõ hơn quá trình phát triển của não bộ và trí tuệ. Ở đây, chúng tôi xem xét sự phát triển của nhận thức xã hội, hành vi xã hội và hệ vận động – tất cả đều rất quan trọng cho sự phát triển con người và thường bị các khuyết tật trong quá trình phát triển làm cho gián đoạn, bao gồm cả chứng tự kỷ”.

(Nguồn: DM)
Chia sẻ