Trầm cảm vì vắng mẹ

,
Chia sẻ

Em V, 12 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM, nhiều lần phải nhập viện Nhi Đồng 1 vì nôn mửa, chán ăn, suy kiệt cơ thể.

Trước đó, V có tâm lý chỉ thích chơi một mình với chăn mềm chứ không chơi với em gái song sinh hay đồ chơi. Từ 2 tuổi, em bắt đầu nôn ói sau khi cha mẹ ly dị...

Chán ăn do thiếu tình thương

Thiếu vắng mẹ gây ra những triệu chứng về thể chất và tâm lý cho trẻ

Theo BS. Phạm Ngọc Thanh, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng nhi khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1, trường hợp em V (12 tuổi, nhưng chỉ cao 1,25m và nặng 15kg) là điển hình của căn bệnh suy kiệt cơ thể do thiếu vắng tình thương. Mẹ của V đi làm ở TP HCM nên em được gửi nhờ lúc thì ông bà nội ở Vũng Tàu, lúc thì ông bà ngoại ở Đồng Nai nuôi. Từ khi 2 tuổi đến nay, V phải nằm viện khoảng 6 tháng mỗi năm với các triệu chứng nôn ói, chán ăn dẫn đến suy kiệt cơ thể.

Lần nhập viện này, V được giới thiệu đến đơn vị tâm lý sau khi các bác sĩ đã kiểm tra sức khỏe toàn diện mà không tìm ra nguyên nhân gây ói mửa và chán ăn. Vào đây, V vẫn tỏ vẻ thờ ơ, không thích giao tiếp, khó ngủ, chỉ muốn ăn khi được đặt ống thông mũi dạ dày. Sau một thời gian điều trị, V bắt đầu trả lời các câu hỏi của bác sĩ tâm lý với một giọng rất nhỏ.  

Bác sĩ Thanh cho biết, trong các thực phẩm, V chỉ thích ăn cơm gà, bánh mì và cá hộp. V chỉ thích ở trong bệnh viện chứ không muốn về nhà vì cảm thấy không được an toàn do thiếu vắng tình thương của mẹ. Ở bệnh viện, em được các chuyên gia tâm lý nâng đỡ tinh thần, lắng nghe hoàn cảnh thiếu tình thương của mình nên thấy thích thú hơn.

Trầm cảm vì vắng mẹ

Theo BS Phạm Ngọc Thanh, đây là một rối loạn tâm thần được bác sĩ René Spitz (Đại học New York, Mỹ) mô tả lần đầu tiên năm 1946 với tên gọi “Trầm cảm vắng mẹ” (anaclitic depression), xảy ra ở trẻ nhỏ khi vắng mẹ quá 3 tháng trong thời gian từ 6 đến 12 tháng tuổi. Sự vắng mẹ này gây những triệu chứng thể chất và tâm lý cho trẻ như: Tự cô lập, tránh tiếp xúc với xã hội, sụt cân, khó ngủ, từ chối ăn, chậm phát triển tâm vận động, dễ bị nhiễm khuẩn, tự kích thích bằng những hành vi rập khuôn, có ánh nhìn xa xăm.

Trẻ luôn cần tình yêu thương của mẹ

Sau BS René Spitz, nhà phân tâm John Bowlby tiếp tục nghiên cứu và đề cập đến rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ bị tách rời khỏi mẹ quá sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý cảm xúc của trẻ và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Theo bác sĩ Thanh, trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang có nhiều thay đổi (gia đình ly dị, cha mẹ đi làm việc xa, gửi con cho ông bà nuôi), nhiều trẻ em đang bị thiệt thòi vì thiếu sự âu yếm, vuốt ve, nâng đỡ của cha mẹ. Để trẻ phát triển lành mạnh, trong mọi hoàn cảnh, trẻ cần được sự chăm sóc, vỗ về của gia đình nhưng không ai có thể thay thế được cha mẹ trong việc bày tỏ tình thương đối với trẻ.

Bác sĩ Thanh cho biết thêm, trong trường hợp bệnh nhân được nêu trên, điều lạ là trẻ thích ở bệnh viện hơn ở nhà, vì môi trường bệnh viện mang lại sự an toàn cho trẻ. Hơn nữa, khi trẻ nằm viện, các thành viên trong gia đình đến thăm trẻ, làm cho mối quan hệ giữa hai bên nội ngoại đỡ căng thẳng hơn.

“Mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trong những năm đầu đời có yếu tố quyết định trong cả cuộc đời của trẻ. Ngoài thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, “thực phẩm tâm lý” cũng là “món ăn” mà trẻ luôn cần và khao khát. Tình thương của cha mẹ được thể hiện qua ánh mắt, giọng nói, cử chỉ vỗ về, âu yếm, ân cần chăm sóc. Nhất là trong những lúc trẻ phải trải qua cơn bệnh gây đau đớn, thì tình thương yêu sẽ giúp trẻ vượt qua được nỗi đau cả thể xác lẫm tâm hồn”- bác sĩ Thanh cho biết.
 
Theo Huyền Trang
Gia đình
Chia sẻ