TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Đang ở trong tiệm hớt tóc của mình, người đàn ông bất ngờ bị ba thanh niên xông vào đâm tới tấp và tiếp tục bị truy sát trong lúc được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 23-8, bệnh viện (BV) quận 2 (TP.HCM) cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị đâm trọng thương. Đáng chú ý khi bệnh nhân được đưa đến BV cấp cứu, xuất hiện một nhóm thanh niên đến tìm cách tiếp tục hành hung bệnh nhân.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 1.

BV quận 2 nơi diễn ra cuộc xô xát ngày 21-8 giữa hai nhóm người..

Người đàn ông kể lại giây phút bị đâm trong tiệm hớt tóc.

Bị đâm vì hiểu lầm?

BS Phạm Gia Thế, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Q.2 kể lại, khoảng 15 giờ chiều ngày 21-8, một người đàn ông tên Châu Anh Vũ (47 tuổi) được hai người khác dìu đến BV trong tình trạng người đầy máu, được các y BS đẩy vào phòng tiểu phẫu xử lý sơ cứu. 

Tại đây sau khi kiểm tra, bệnh nhân được phát hiện mang 6 vết thương trên người: 3 ở ngực phải, 1 vết thương ở ngực trái và 2 vết thương ở mông. Các vết thương dài từ 1.5 đến 5cm. Bệnh nhân dù tỉnh táo nhưng bị tím tái vì mất máu nhiều, huyết áp thấp, sinh hiệu yếu.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 3.

Bệnh nhân Châu Anh Vũ.

Đáng chú ý, khi bệnh nhân chuẩn bị được đưa vào cấp cứu, có 1 nhóm thanh niên khác cố đi theo vào khu vực tiếp nhận.

Theo BS Thế, nhóm thanh niên có tổng cộng 3 người, một người bị thương ở mí mắt. Sau đó, các y BS nghe tiếng la hét đụng độ và phát hiện nhóm này xô xát với hai người đưa bệnh nhân Vũ vào khiến một người trong hai nhóm bị chảy máu mũi. Trước tình huống nguy hiểm này, ekip trực cấp cứu đã ngay lập tức điều động lực lượng bảo vệ đến can thiệp, đồng thời báo sự việc cho lãnh đạo BV và cơ quan công an.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 4.

Nạn nhân Vũ bị đâm tổng cộng 6 nhát.

"Khi được đưa vào sơ cứu vết thương, ban đầu thanh niên bị chảy máu mũi không hợp tác, còn doạ đánh BS. Sau đó về được chúng tôi khuyên giải cũng như có sự xuất hiện của công an nên bệnh nhân đã chịu khâu vết thương và xin về ngay sau đó".

Về phần của ông Vũ, sau khi đưa vào cấp cứu, bệnh nhân được xử lý ban đầu là truyền bù dịch, giảm đau, băng vết thương. Các kết quả chụp cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi phải. Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định, dự kiến trong ngày hôm nay sẽ được chụp CT kiểm tra, nếu không có gì thay đổi thì cho xuất viện.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 5.

Khi đến bệnh viện, huyết áp nạn nhân tụt, tím tái vì mất máu nhiều.

  
TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 6.

Hiện ông Vũ đang được vợ chăm sóc trong bệnh viện.

Tại BV, ông Vũ cho biết khi mình đang ngồi trong tiệm hớt tóc thì nhóm thanh niên bất ngờ kéo đến, hỏi người đàn ông có "hăm đánh anh tao không" rồi rút vật nghi là dao nhọn đâm vào người ông. Theo bệnh nhân, ông không có thù oán gì với những người này trước đó. "Tôi nói là họ lầm người rồi nhưng họ vẫn đâm. Tôi không biết là do hiểu lầm hay do thù oán kinh doanh" – ông Vũ nói.

Hiện anh Vũ đang được vợ là chị Huỳnh Thị Kim Nga chăm sóc. Hai vợ chồng cho biết đã có một đứa con 7 tuổi và có phần lo sợ sẽ tiếp tục bị hành hung sau khi ra viện.

Báo động tình trạng an ninh trong bệnh viện

BS Thế cho biết, sự việc xảy ra ngày 21-8 chỉ là một trong rất nhiều lần xảy ra gây gổ, đánh nhau tại bệnh viện. Không ít những trường hợp, bác sĩ bị bệnh nhân động tay chân, đập phá BV.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 7.

Tại các phòng cấp cứu của BV thường xuyên xảy ra tình trạng người nhà gây mất an ninh trật tự.

"Mới cách đây 1 tháng, BS bị bệnh nhân say xỉn vác hung khí vô rượt đánh chỉ vì yêu cầu bệnh nhân nằm khâu vết thương nhưng lúc đó, bệnh nhân chỉ muốn... ngồi. Hậu quả là BS bị thương nhẹ ở má, để lại vết sẹo. Hay như trường hợp khác vào tận bệnh viện đánh ghen. Hai người phụ nữ đội nón bảo hiểm, trùm kín mặt xông vào phòng cấp cứu, khiến nữ bệnh nhân đang truyền dịch phải cầm ống bỏ chạy, còn các BS thì vô cùng hoảng hốt" – BS Thế kể.

BS Trần Văn Khanh, GĐ BV quận 2 cho biết, trước tình hình bất an này, BV đã thường xuyên tập huấn cho đội bảo vệ về cách xử lý khi sự cố bất ngờ xảy ra.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 8.

BS Trần Văn Khanh chia sẻ nỗi lo về an toàn của đội ngũ y BS.

"Người dân thường có nhiều bức xúc với nhau trước khi vào BV, dẫn đến nhiều trường hợp gây rối loạn trật tự trong BV. Chúng tôi cũng trang bị đầy đủ những công cụ bảo vệ an ninh cho lực lượng giữ an ninh để khống chế những trường hợp quá khích, trên tinh thần chuyên nghiệp và tôn trọng pháp luật. BV cũng phối hợp với cơ quan chức năng để bảo đảm an ninh nhưng vì sự việc diễn ra chớp nhoáng, khi lực lượng chức năng địa phương đến nơi thì việc đã rồi. Là một BV tuyến địa phương nên chúng tôi không thể làm được công tác cách ly giữa người bệnh và người nhà. Khi người nhà không hợp tác, lập tức BV sẽ gặp khó khăn" – BS Khanh nói.

Về phía BV, BS Khanh cũng thừa nhận một phần do nhân viên y tế không biết cách xử lý vấn đề, giải thích chưa cặn kẽ cho bệnh nhân trong những thời điểm có nhiều ca bệnh vào cùng lúc. Điều này khiến người nhà cảm thấy nhân viên y tế chưa tận tình, dẫn đến hiểu lầm và gây ra những sự cố đáng tiếc.

TP.HCM: Người đàn ông vào phòng cấp cứu vẫn bị nhóm thanh niên truy sát - Ảnh 9.

Vấn đề bảo đảm mối quan hệ giữa bệnh nhân với bệnh viện cần được quan tâm.

"Bệnh nhân mất bình tĩnh, chửi bới đội ngũ y bác sĩ diễn ra rất thường xuyên. Người nhân viên y tế phải biết cách kiềm chế, giải thích cặn kẽ mọi vấn đề cho bệnh nhân. Nếu không điều tiết cảm xúc được thì phải đỏi người khác vào làm việc ngay. Trong cấp cứu bệnh nhân, BS cũng không được phép làm việc riêng để người nhà không có cảm giác khó chịu. BV cũng phân loại bệnh kỹ càng, ca nào cần xử lý ngay và ca nào tạm trì hoãn để ưu tiên cứu người nặng hơn nhằm tránh sự quá tải trong phòng cấp cứu" – BS Khanh đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề bảo đảm mối quan hệ giữa bệnh nhân với bệnh viện.

Chia sẻ