TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào?

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Thống kê cho thấy trong năm 2018, TP.HCM có 1.552 trường hợp mắc bệnh sởi. Riêng tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, những ngày qua lượng người phải nhập viện điều trị bệnh này đã gấp 50 lần cùng kỳ.

Thông tin này được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến "Tổng kết ngành Y tế TP.HCM năm 2018", diễn ra tại Sở Y tế TP.HCM trong thời diểm dịp Tết Nguyên Đán 2019 đang đến gần.

Bệnh sởi tăng mức báo động

Cụ thể theo Sở Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay tổng số ca bệnh sởi được báo cáo là 1.552 trường hợp. Bệnh xuất hiện ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến "Tổng kết Ngành Y tế TP.HCM năm 2018" báo cáo về tình hình dịch bệnh.

Tính đến tuần thứ 52, ghi nhận 10 chùm ca bệnh sởi, hiện có 4 chùm đang trong thời gian theo dõi là xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), phường Tân Thới Nhất, phường Hiệp Thành (quận 12) và phường Tân Thuận Đông (quận 7).

Còn tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chỉ trong ít ngày đầu tháng 1/2019, lượng bệnh nhân nhập viện tại đây đã tăng gấp 50 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, có nhiều trường hợp là bà bầu và trẻ nhỏ.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2.

Bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới cho biết tính đến nửa đầu tháng 1, BV đã tiếp nhận điều trị cho 65 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 38 ca trẻ em và 7 thai phụ.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 3.

Trẻ nhỏ là đối tượng bệnh sởi chiếm đa số.

Lượng bệnh thởi điểm này gấp đôi tháng 12/2018 và gấp hơn 50 lần cùng kỳ năm 2018.

"Khoảng 2 tháng trở lại đây số ca bệnh sởi tăng lên đột ngột. Tháng 10 có khoảng 76 ca, tháng 11 có 120 ca, tháng 12 lên 269 ca.

Đến những ngày đầu tháng 1 năm 2019 BV gần như quá tải giường bệnh điều trị, nhiều trường hợp gia đình có người mắc bệnh lây cho nhau. Ngoài ra, nhiều trẻ cũng không chích ngừa hoặc chích không đúng lịch" - Bác sĩ thống kê.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 4.

Bà bầu bệnh sởi.

Riêng về bệnh nhân mắc sởi là thai phụ, bác sĩ cho biết trung bình nơi này tiếp nhập 3-5 trường hợp mỗi đợt. Tuổi thai của các bà bầu dao động từ 8 đến 30 tuần.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 5.

Bệnh nhân đa số quên chích ngừa, chích không đúng lịch.

Cũng lâm vào cảnh tăng đột biến lượng bệnh nhân mắc sởi là ở BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM).

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm của BV cho biết, hiện nơi đây đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở oxy.

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tại đây chỉ 3-4 tháng tuổi và nhiều trường hợp bị tim mạch, động kinh... kèm theo.

Lo ngại tình trạng bệnh sởi lây lan trong cộng đồng có thể phát triển thành dịch, từ đầu năm 2018 Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm Y tế quận huyện đã mạnh hoạt động tiêm vắc xin cho trẻ.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 6.

Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 hiện cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi mắc sởi.

Bộ Y tế cũng ra chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trong tháng 12.

Tỉ lệ trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong tiêm chủng thường xuyên tại TP.HCM đã đạt 85% sau chiến dịch này vào tháng 12/2018.

Căn bệnh có thể gây sinh non, thai chết lưu

Bộ Y tế cho biết, sởi là bệnh cấp tính do virus sởi gây nên, thường gặp ở trẻ em. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây dịch và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban, Sau khi sốt cao, trẻ sẽ xuất hiện các ban dạng sần ở sau tai, sau đó lan ra mặt, ngực bụng và toàn thân.

Sau 7-10 ngày, ban biến mất và để lại những vết thâm.

Ngoài ra, có một số biểu hiện kèm theo như ho, đỏ mắt, chảy nước mũi, tiêu chảy... Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải tiết dịch mũi họng bắn ra. Có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc khuếch tán trong không khí.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 7.

Sởi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo các bác sĩ, không phải tất cả bệnh nhân sởi đều cần nhập viện vì 3-4 ngày đầu có thể điều trị ngoại trú, điều trị tại các BV tuyến dưới hoặc theo dõi cách ly tại nhà.

Sởi lây qua đường hô hấp, nếu cách ly được trong khoảng 4-5 ngày sau phát ban thì chuyện lây lan không còn đáng lo ngại. Dù vậy nếu để lây lan ra cộng đồng tạo thành dịch thì rất đáng sợ.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 8.

Tiêm vắc xin là biện pháp ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất.

Riêng với thai phụ, dù sởi không gây dị tật nhiều cho em bé, tuy nhiên bệnh có thể khiến sinh non, thai chết lưu.

Do đó, bà bầu mắc bệnh nên theo dõi dấu hiệu của thai để đến các cơ sở y tế can thiệp kịp thời. Đồng thời, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên chích ngừa mũi sởi - quai bị - rubella để có miễn dịch an toàn.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 9.

Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa bệnh để có miễn dịch an toàn.

"Bệnh nhân mắc sởi cần bổ sung vitamin A theo toa bác sĩ, khi ở nhà mang khẩu trang y tế để tránh lây lan cho người nhà. Còn người chăm sóc vệ sinh tay chân và cũng bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng.

Trong tuần đầu sau phát ban, bệnh nhân hạn chế đến nơi đông người, tránh lây lan tạo dịch ra ngoài. Chỉ khi có biến chứng thì mới nên nhập viện" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.

Phòng bệnh thế nào?

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh sởi, cha mẹ cần cách ly với các trẻ lành, cho trẻ tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết (nhất là vitamin A) và uống nhiều nước, đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

Ngoài ra, trẻ phải được vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể. Không nên kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Để phòng bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất. Muốn hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.

TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh sởi năm 2018, hàng loạt thai phụ, trẻ em nhập viện đầu năm mới: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 10.

Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc sởi.

Mũi 1, tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi. Sau đó tiêm tiếp mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc sởi.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.

Chia sẻ