TP.HCM: Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 dùng kỹ thuật “chưa thực hiện trong đời bao giờ” cứu lá lách bé trai 3 tuổi

Tin - Ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Mạch máu nuôi lá lách bị hẹp khiến máu bị ùn ứ, các mạch máu ở dạ dày, thực quản cũng bị giãn ra. Nếu không kịp thời xử lý, khả năng đứa bé sẽ vỡ lách, nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 16/4, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa xử lý thành công một trường hợp bệnh nhi bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa bằng một kỹ thuật mới. Theo bác sĩ Hiếu, từ xưa đến nay, ông chưa thực hiện điều này trong đời bao giờ.

Bệnh nhi tên T.T.G.B (3 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), nhập viện trong tình trạng ăn vào là ói ra hết. Theo lời người mẹ khi 3 tháng tuổi, bé có triệu chứng ói liên tục, đi siêu âm bao tử thì được cho biết bị trào ngược dạ dày. Dù đã điều trị nhưng tình trạng này vẫn không dứt hẳn.

TP.HCM: Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 dùng kỹ thuật “chưa thực hiện trong đời bao giờ” cứu lá lách bé trai 3 tuổi - Ảnh 1.

Hai mẹ con bé B.

Tại BV Nhi Đồng 1, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện bé B. có một đoạn mạch máu nuôi lá lạch bị hẹp khiến máu không có đường lưu thông. Vì máu thoát ra các ngả khác khiến các mạch máu ở dạ dày, thực quản.. của đứa bé cũng bị giãn ra. Nếu không kịp thời phẫu thuật, chỉ vài tháng nữa khi những mạch máu bị giãn vỡ ra, B. sẽ bị đại tiện ra máu. Nguy hiểm hơn là chỉ cần một va chạm nhẹ, lá lách sưng to dễ bị vỡ ra, đe dọa tính mạng cháu bé.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình trạng hẹp mạch máu nuôi lá lách của B. gọi là tăng áp lực tĩnh mạch cửa khu trú do hẹp tắc tĩnh mạch lách. Cách xử lý thường sẽ là cắt bỏ đoạn mạch máu bị hẹp và thay vào đó bằng một đoạn mạch máu khác. Nhưng cái khó là máu từ lá lách không được qua gan để lọc chất độc.

TP.HCM: Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 dùng kỹ thuật “chưa thực hiện trong đời bao giờ” cứu lá lách bé trai 3 tuổi - Ảnh 2.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu (trái) kể lại quá trình phẫu thuật.

Trước tình thế này, các bác sĩ nảy ra suy nghĩ thử làm một "cây cầu vượt" bắc qua vị trí đoạn mạch máu bị hẹp để vừa thông máu mà vẫn giúp máu qua gan, điều chưa từng làm trước đó. Nghĩ vậy, bác sĩ Chí trao đổi điều này cho bác sĩ Đào Trung Hiếu. Sau khi hội chẩn và thấy đây là một giải pháp hay, ekip bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật.

"Cây cầu vượt mạch máu được lấy từ một đoạn tĩnh mạch cổ dài khoảng 10 cm. Khi cắt ghép mạch máu, tôi thực hiện bằng mắt thường, vì lúc đó mạch máu đã sưng gần bằng 2/3 ngón tay" – Bác sĩ Đào Trung Hiếu kể lại.

TP.HCM: Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 dùng kỹ thuật “chưa thực hiện trong đời bao giờ” cứu lá lách bé trai 3 tuổi - Ảnh 3.

Sau khi xuất viện, lá lách bé B. đã xẹp khoảng 50cm.

48 giờ sau ca phẫu thuật, lá lách B. dần xẹp xuống. Từ kích thước 140 mm ban đầu, đến ngày xuất viện chỉ còn còn 90 mm. Nhờ vậy lượng máu được dẫn lưu qua "cầu vượt" mạch máu rất tốt. Lá lách của bé B. an toàn.

Các bác sĩ hi vọng kỹ thuật mới này sẽ mở ra một hướng điều trị mới, cứu kịp thời các trẻ bị hẹp mạch máu ở tĩnh mạch cửa.

Chia sẻ