Tốt số lấy được… chồng “ngon”

Thanh Mai,
Chia sẻ

Liệu có phải cứ tốt số mới lấy được chồng "ngon" hay số phận một phần là do chính con người tạo nên?

Yến, 28 tuổi (Khâm Thiên, Hà Nội) qua lời nhận xét của bạn bè và những người xung quanh chỉ là mẫu phụ nữ: “Nhan sắc thuộc dạng trung bình, độ khéo léo cũng 'tàng tàng' như nhiều cô gái khác. Công danh, học hành chỉ đủ để không thua chị kém em”.

Thế nhưng, có một điều may mắn trong cuộc sống của Yến khiến ai cũng phải có chút “ấm ức” ganh tỵ đó là: “Tốt số nên lấy được 'chồng ngon' ”; “Chồng cưng như công chúa nhỏ”; “Chồng phục tùng như một bà hoàng”…

Sau 5 năm có lẻ lấy chồng nhưng hàng xóm, làng giềng chưa một ngày nào thấy Yến không được chồng đưa đón. “Vợ chồng cứ xoắn xuýt, chiều chuộng như những cặp mới yêu nhau. Chẳng như lão xã nhà mình, hết tuần trăng mật, lão phán một câu xanh rờn ‘em tập tự dắt xuống đi’ khi mình nhờ lão dắt xe máy xuống khỏi cái thềm, việc nhà đùn hết cho vợ còn bản thân thì ghếch chân xem tivi. Đúng là cũng phận đàn bà nhưng người ta tốt số” - chị Thảo,  người phụ nữ sát vách nhà Yến cho biết.

Và nhiều khi chính những hành động chiều chuộng, cưng nựng vợ của anh Thái - chồng Yến, cũng khiến chị phải đỏ mặt hoặc lúng túng: “Cả nhà đang ngồi anh ấy hồn nhiên hôn vợ chùn chụt. Lần nào vợ mới có triệu chứng hắt hơi là anh ấy cuống cuồng như mình sắp chết, lo thuốc thang, bón cho vợ từng thìa cháo. Có hôm khu mình mưa to, ngập lụt, trong khi tất cả các chị khác lội bì bõm tự tìm cách mà đi lại thì anh nhất mực đòi cõng vợ qua, làm mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn 2 vợ chồng”.

Tốt số lấy được… chồng “ngon” 1
Ánh mắt chị lúc nào cũng rạng ngời khi nhắc đến chồng (Ảnh minh họa).

Là một phụ nữ gần như cả ngày phải quay cuồng với công việc ở cơ quan, ít có thời gian chăm lo việc nhà, chị Trang, 32 tuổi (Linh Đàm, Hà Nội) thấy hạnh phúc và may mắn khi có được người chồng “tốt đúng như trong mơ”.

Anh Hải - chồng chị, cũng bận trăm công, nghìn việc ở công ty riêng nhưng ở nhà anh vẫn được xếp hạng “đảm đang số 1”. Không chỉ san sẻ cùng vợ việc nhà mà anh Hải còn chu đáo với gia đình nhà vợ không khác gì gia đình nhà mình.

Theo lời chị Trang kể thì thời con gái, thấy các bà, các chị lấy chồng suốt ngày đầu tắt mặt tối với việc gia đình, chăm sóc con cái, rồi chứng kiến nhiều cảnh tượng người vợ bị chồng đánh đập mắng mỏ…, chị thấy sợ khi nghĩ đến lượt mình phải cưới chồng.

Yêu anh Hải 4 năm nhưng chị vẫn sợ sau khi cưới anh trở mặt, lộ rõ bản chất là một người đàn ông xấu. Rồi cảnh tượng mình trở thành bà vợ đen đúa, nhếch nhác, khổ cực, quẩn quanh với bếp núc và con cái cứ khiến chị rờn rợn không dám cưới, trong khi anh năn nỉ ỉ ôi.

Mặc dù cũng tin anh ấy nhưng nhiều việc tận mắt chứng kiến ở những người xung quanh cũng khiến mình hoài nghi. Theo như mình đã quan sát thì đa số đàn ông lúc yêu khác hoàn toàn với lúc đã làm chồng. Và mình sợ chồng mình không được như những gì mình mơ ước. Sợ nhất là bị đánh…” - chị Trang cười, nói.

Thế nhưng, những lo sợ của chị Trang chưa bao giờ có cơ hội hiển hiện trở lại trong ý nghĩ sau khi chị bước chân về nhà chồng. Với chị Trang, tuy anh không phải là người đàn ông lãng mạn, chiều vợ như chiều bà hoàng nhưng chưa bao giờ anh khiến vợ buồn.

Ngay trong ngày cưới, anh ấy thề độc với tôi rằng cả đời sẽ không để tôi phải khóc. Anh còn đưa cho tôi một tờ giấy ghi dằng dặc những việc anh ấy sẽ làm mỗi ngày để giúp tôi. Và chưa bao giờ anh ấy không nghiêm túc thực hiện những điều đó. Tôi biết ơn và cảm phục anh rất nhiều vì tình yêu và hạnh phúc giản dị anh mang lại cho tôi” - chị Trang xúc động cho biết. 

Không những thế, công việc nhà ngoại lúc nào anh cũng hăng hái như con trai trong nhà chứ không phải ở vị thế của một chàng rể. Nói về chàng rể của mình, bố mẹ chị Trang hãnh diện: “Việc gì cũng đến tay anh ấy. Từ việc nhỏ nhặt như cái bảng điện trong nhà đến việc chăm sóc chúng tôi lúc ốm đau, anh ấy đều đứng ra sắp xếp, lo lắng. Họ hàng và những người xung quanh vẫn luôn nói nhà tôi có phúc. Đúng là có phúc lắm chứ…”.

Cũng là một trong những phụ nữ tự hào vì mình may mắn lấy được người chồng thương vợ thương con, lo lắng cho gia đình hết mực, chị Thảo (Kim Mã, Hà Nội) ánh mắt lúc nào cũng rạng ngời khi nhắc đến chồng.

Đang trong thời gian nghỉ sinh đứa con thứ 2, chị Thảo hài hước nói trong lúc anh đang lúng túng cho bé con bú bình: “Ngoài việc cho con ti là anh ấy không làm được, còn lại việc gì cũng không cho vợ nhúng tay vào. Sinh cháu thứ 2 rồi nhưng việc anh không thể giỏi nổi chính là việc cho con ti bình”.

Khi mọi người cắt lời chị và cố tình dập tắt hi vọng “người chồng mẫu mực” trong chị bằng nhiều dẫn chứng người thật việc thật thì chị vẫn một mực: “Ai thì mình không biết nhưng chừng ấy năm sống với chồng, có với nhau 2 mặt con chưa bao giờ hai vợ chồng mình to tiếng, anh cũng chưa bao giờ để vợ con ăn cơm một mình bữa nào”.

Chị cũng cho biết không phải chị không có tính hoài nghi, nhưng bản thân những việc làm của chồng: hết thời gian làm việc là lao về đón con, phụ vợ việc bếp núc, chưa bao giờ quên ngày sinh nhật của vợ con cũng như ngày kỉ niệm của hai vợ chồng… không để cho chị có cớ mà nghi ngại.

“Có nhiều người nói rằng tôi tốt số nên mới lấy được chồng 'ngon'. Nhưng tôi quan niệm cơ hội là 50/50, 50% cho may mắn và 50% còn lại do chính bản thân người phụ nữ. Mình chọn đúng thì sẽ là đúng, chọn sai thì sẽ là sai. Đừng chỉ đổ lỗi lấy được chồng xấu do số phận mà cũng hãy tự trách bản thân. Vì người vợ có thay đổi, trở nên kém hấp dẫn thì chồng cũng sẽ có những xa cách” - chị Thảo nhắn nhủ.



Cho đến giờ phút này, chị biết mình đã lấy được một người chồng tốt.
Tốt số lấy được… chồng “ngon” 2
Chia sẻ