BÀI GỐC Tôi và con gái 17 tháng tuổi bị chồng và nhà chồng gián tiếp đuổi ra khỏi nhà

Tôi và con gái 17 tháng tuổi bị chồng và nhà chồng gián tiếp đuổi ra khỏi nhà

Bị chồng và nhà chồng ghê gớm đột ngột thay toàn bộ khóa cửa không cho vào nhà, tối ấy, tôi đã phải ôm con rời khỏi nhà chỉ với 200 ngàn đồng trong túi và bắt đầu sống cuộc sống đơn thân đầy cơ cực, tủi hờn.

10 Chia sẻ

Tôi là người phụ nữ cả đời bất hạnh và 2 lần tự tử không thành

Lê Thị Túy Linh,
Chia sẻ

Hơn 30 năm qua, tôi đã phải trải qua cuộc sống bất hạnh với những ngày tháng cơ cực, khổ tận cam lai vì bị hết bệnh này đến bệnh khác gõ cửa khiến nhan sắc và tuổi xuân bị hủy hoại. Đến nỗi tôi rất ít soi gương và 2 lần tự tử vì quá bế tắc.

Khi đọc bài: "Tôi và con gái 17 tháng tuổi bị chồng và nhà chồng gián tiếp đuổi ra khỏi nhà" của bạn T.H mà tôi thương 2 mẹ con bạn quá. Bạn có hoàn cảnh thật éo le và số khổ giống tôi. Tôi và bạn đều hết nơi nương tựa từ gia đình. Tuy nhiên, bạn còn có sức khỏe, có con gái nhỏ. 

Còn tôi, suốt từ bé đến nay, tôi đã phải trải qua những ngày tháng cơ cực, khổ tận cam lai vì đói, vì bị hết bệnh này đến bệnh khác ngõ cửa khiến nhan sắc và tuổi xuân của tôi bị hủy hoại. Đến nỗi tôi chẳng dám và rất ít soi gương vì cầm chiếc gương lên, lòng tôi lại đau đớn. Thậm chí, vì quá bế tắc, tôi cũng 2 lần tự vẫn.

Tuổi thơ nghèo khó, khổ cực và biến cố đau đớn tuổi lên 10

Sinh ra trong gia đình nghèo khó có 8 chị em tại một huyện nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, tuổi thơ của tôi là những tháng ngày khổ cực và đói khát. 5 tuổi tôi bị viêm tai giữa. Nhưng vì khi đó quê tôi lạc hậu nên hàng xóm khuyên ba mẹ không nên đưa tôi đi bệnh viện mà cứ để ở nhà tự khỏi. 

Nghe lời hàng xóm, ba mẹ cũng để mặc con gái như vậy, mặc cho tôi nhiều lúc đau đớn phải la khóc vì măng tai chảy mủ. Đến năm 10 tuổi, bệnh viêm tai giữa ngày càng nặng và suýt ảnh hưởng đến tính mạng, mẹ mới đưa tôi đến viện.

Tôi là người phụ nữ cả đời bất hạnh và 2 lần tự tử không thành
Tôi là một phụ nữ vừa câm điếc, vừa mù vừa bị méo miệng vừa bị bệnh tim 

Ở viện 2 ngày, các bác sĩ quyết định trả tôi về vì bệnh quá nặng. Mẹ tôi đã phải khóc van xin. Cuối cùng các bác sĩ buộc gia đình phải ký cam kết mổ tai cho tôi. Ngày đưa tôi vào phòng mổ cũng là ngày định mệnh làm thay đổi cuộc sống của tôi từ đây.

Khi họ đưa tôi vào phòng mổ, tôi dần ngủ mê không biết gì. Đến khi mẹ đánh thức dậy, tôi không biết gì và chỉ nghe mẹ kể vừa mổ tai xong. Lúc đó đỡ đau nhưng miệng đã méo, giọng nói không rõ, 2 tai điếc nặng 100%. Nhưng lúc ấy còn quá bé, tôi không quan tâm, chỉ mong sao hết đau tai thôi.

Khi hết đau rồi, tôi cũng không biết mình bị méo miệng. Cho đến ngày chị gái tôi lên thăm em trong viện. Chị đưa gương cho tôi soi. Vừa nhìn thấy mặt mình, tôi sợ hãi vì không biết đây là khuôn mặt ai mà xấu xí thế. Thế nên tôi vứt luôn gương xuống. Lúc ấy, tôi vẫn không khóc.

Đến khi xuất viện về nhà, lúc hết đau đớn tôi mới bắt đầu cầm đến gương soi. Lần đầu tiên soi gương, nhận ra khuôn mặt mình đã bị biến dạng và xấu xí tột độ, tôi sợ hãi kinh khủng soi đi soi lại. Tôi thấy sợ chính mình và cứ tưởng mình là ma. Bởi mặt đã xấu xí, lại thêm cuộc sống khó khăn vất vả đói khổ, nấu cơm bằng bếp củi nên hàng ngày mặt tôi thường rất nhôm nhem.

Không chỉ đau đớn nhận ra miệng mình đã méo, tôi còn tự nhận biết được bản thân không thể nói rõ. Khi nói chuyện với mọi người, dường như không ai nghe được nên tôi thường phải cố gắng nói to họ mới nghe được (nói to trở thành quen đến hôm nay của tôi). Tôi chợt hiểu ra mình đã bắt đầu sống đời sống khuyết tật. Chính vì thế, tôi sốc và khó chịu nên ở lì trong nhà khóc 4 tháng ròng rã mà không chịu giao tiếp với ai.

Những ngày tháng sau đó, một cô bé vừa gần như câm vừa điếc, vừa méo miệng như tôi không được đi học mà phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, nhổ cỏ vườn, xuống sông bắt ốc, cuốc đất trồng cây… Khát khao được đi học, tôi lầm lũi tự học một mình mặc dù điếc nặng và rất khó khăn khi nghe nói. 

Không có vở viết, tôi lén lút xé trộm giấy trong vở của chị gái. Học chữ gì không hiểu, tôi hỏi ké em trai. Cứ thế, cô bé tật nguyền cứ miệt mài tự học và ghi nhớ từng chữ. Và cuối cùng, khi lên 13 tuổi, tôi cũng đã hoàn toàn đọc thông, viết thạo.

Nhưng bất hạnh của cuộc đời tôi không dừng tại đó. 14 tuổi bị đau mắt nên đã nói với ba mẹ. Nhưng ba mẹ vừa khó khăn vừa lạc hậu nên bảo tôi giả bộ bệnh. Bởi thế, mắt tôi cứ bị đau suốt 2 năm liền. Năm 16 tuổi, vì đau mắt quá nặng nên ba mẹ phải đưa tôi đi khám. Nhưng tất cả đã muộn, tôi đã bị liệt và mù vĩnh viễn mắt phải. Sau ngày đó, tôi lại càng đau khổ với cuộc sống tật nguyền của mình.

Những năm sau đó, cô gái vừa câm điếc, vừa mù vừa bị méo miệng là tôi chỉ biết lầm lũi ở nhà làm bún bán đỡ đần bố mẹ. Nhưng làm được đồng nào, tôi đưa hết cho mẹ. Song mẹ tôi lại không tâm lý với con. Tôi nhớ lần đầu tiên có kinh nguyệt, tôi xin 5 ngàn mua băng vệ sinh, mẹ cũng không cho. Khi bị đau cảm, tôi xin 5 ngàn mua thuốc uống mẹ cũng lầm bầm. Những khi thời tiết trái nắng trở trời, tôi bị ốm nên xin ba mẹ vào Sài Gòn học nghề nhưng họ không cho, bắt ở nhà làm để kiếm tiền. 

Bố mẹ hà khắc, không tâm lý với tôi đã đành, vì là người câm điếc, mù lòa nên ở nhà tôi bị cô lập và bị các anh chị em lợi dụng đủ thứ. Ai vô tình làm vỡ bình thủy tinh, chén đĩa là họ đổ tội cho tôi ngay trước mặt. Song vì tai điếc nên tôi chẳng nghe được gì để mà tự bệnh vực mình. Còn ba mẹ khi nghe ai đổ tội oan hay nói xấu con gái, thay vì xét hỏi thì họ đánh con. Những lúc bị oan ức như vậy, tôi uất hận lắm vì không biết tôi phạm tội gì mà bị ba mẹ đánh...

18 tuổi mới dám soi gương và 2 lần tự tử không thành

Nhiều năm sau ngày xảy ra biến cố viêm tai giữa dẫn đến méo miệng, rồi bị mù 1 mắt, tôi mới dám soi gương trở lại. Khi ấy tôi 18 tuổi. Cũng như những thiếu nữ đang độ tuổi xuân thì khác, vào tuổi dậy thì, da mặt tôi hồng hào xinh đẹp hơn. Vì thế, tôi mới dám bắt đầu soi gương ngắm nhìn bản thân mặc dù vẫn bị méo miệng. Khi ấy, do đã lớn và ý thức được hình thức, mỗi lúc nhìn mình trong gương là mỗi lần tôi lại trào lên niềm tiếc nuối bản thân mình.

Như nhiều cô gái khác, tôi cũng được một vài thanh niên khác xã trong huyện để ý. Thậm chí họ còn nhờ người đến mai mối. Song vì quá mặc cảm với sự xấu xí trên khuôn mặt, vì quá tự ái nên tôi đỏ mặt từ chối. Ba mẹ cũng biết tính tôi nên họ đã nói với người ta tôi còn nhỏ, để lớn hơn rồi quyết định. 

Cứ thế 27 năm tôi sống lầm lũi như một cái bóng trong gia đình mình. Dù cả nhà nhiều khi đối xử tệ, hắt hủi nhưng tôi chưa một lần trách cứ mọi người. Song sống mãi trong cảnh như vậy, đến ngày không chịu nổi, tôi xin tiền đi Sài Gòn học nghề nhưng bố mẹ không cho. Tôi phải dọa sẽ đi ăn trộm để kiếm tiền nộp học may và ăn học thì bố mẹ mới chịu cho tôi 5 triệu (Năm 2001, giá vàng 500 ngàn đồng/chỉ).

Chuyện người phụ nữ cả đời bất hạnh và 30 năm ít dám soi gương

Năm nay sức khỏe của tôi khá hơn nên đã túc tắc may đồ cho khách tại phòng trọ

Học nghề xong, biết rõ sức khỏe của mình, tôi xin bố mẹ chút vốn mở tiệm nhỏ cắt may phù hợp với sức khỏe để sống. Song ba mẹ không đầu tư cho tôi mà lấy tiền đó mua xe máy cho em trai. Vì thế, tôi đành phải xin làm công nhân may. Những ngày đầu xin việc, ai cũng từ chối vì sơn tôi là người khuyết tật không kham nổi việc. Tôi phải năn nỉ họ mới đồng ý nhưng phải làm tăng ca nhiều nên sức khỏe yếu, tôi sinh ra đủ thứ bệnh.

Tôi từng muốn tự đi vay mượn nhiều nơi nhưng không ai cho tôi vay. Họ nói tôi câm điếc vay rồi lấy gì trả. Tôi đành chịu và làm công nhân. Thu nhập bao nhiêu, tôi cố gắng sống tiết kiệm, ăn uống kham khổ. Số tiền còn lại, tôi gửi về phụ giúp ba mẹ. 

Cũng thời điểm này, khi vào làm công nhân may cho công ty có nhiều người khuyết tật ở nội trú, tôi đón nhận mối tình đầu. Lúc đó tôi 29 tuổi và có 1 anh khuyết tật treo chân, đi bằng cách chống nạn. Anh theo đuổi tôi mãi nhưng tôi từ chối vì sợ. Nhưng chính vì anh kiên trì theo đuổi tôi 6 tháng nên tôi đã đón nhận và tìm hiểu. Tìm hiểu được thêm 6 tháng sau, anh viết cho tôi một bức thư chia tay. Lý do chia tay với tôi vì, giao tiếp với tôi rất chậm, nghe chưa rõ viết ra giấy thấy mệt. Anh cũng chê tôi bị câm điếc quá nặng.

Ngày hôm đó, tôi bị sốc nặng phải đưa đi cấp cứu thở oxy. Từ mối tình đầu này, tôi đã nhận ra mình chỉ làm gánh nặng cho người khác. Bởi thế, tôi không dám dốc lòng đón nhận thêm tình cảm của bất cứ ai nữa.

Chuyện người phụ nữ cả đời bất hạnh và 30 năm ít dám soi gương

Phiếu siêu âm bệnh tim của tôi

Đi làm thuê từ đó đến năm 2011, tôi thấy sức khỏe của mình ngày càng tàn tạ và kiệt sức. Đầu năm 2011, đang làm tôi cảm thấy tim đập loạn hàng ngày. Đi khám thì tôi lại được bác sĩ kết luận tin sét đánh: tôi bị bệnh tim nặng. Không có tiền chữa bệnh, tôi báo cho gia đình biết nhưng gia đình khó khăn nên cũng không giúp tôi được gì. 

Cuối năm 2012, thở không nổi nên tôi phải bỏ làm ở Sài Gòn và về quê sống. Mẹ đưa tôi đi khám tái, bác sĩ đã khuyến cáo phải mổ thay van tim liền. Nhưng do không có tiền nên tôi chỉ uống thuốc cầm chừng. Suốt 2 năm chiến đấu với bệnh tim nặng, tôi bị đột quỵ 4 lần suýt chết. Vì quá bi quan với bệnh tật, ở nhà lại bị hắt hủi, nặng lời, vừa đau đớn, thất vọng nên tôi đã uống thuốc an thần tự tử lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2014.

Nhưng tôi đã được phát hiện ra và cứu sống. 1 thời gian sau đó, tôi vào lại Sài Gòn sống. Nhưng sau vài tháng ở Sài Gòn, cuộc sống của tôi khó khăn, không còn gì để bám trụ nên tôi lại một lần nữa tìm cái chết lần thứ 2.

Lần này, tôi có ý định nhảy cầu Sài Gòn. Song tôi bị những người đi đường kịp thời ngăn lại. Sau đó, tôi được đưa vào viện cấp cứu. Và chính ở mảnh đất sài Gòn này tôi đã gặp những người vô cùng tốt bụng giúp đỡ tôi cho đến tận hôm nay.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại bệnh tật chồng chất và biết tôi đã ở bước đường cùng, tôi được mọi người giúp đỡ tận tình. Nhờ tiền hỗ trợ này, tôi đã được uống thuốc điều trị bệnh hàng tháng dù chưa có tiền thay van tim. Đến nay, bệnh của tôi thuyên giảm rõ rệt. Hiện tôi cũng đã túc tắc nhận may đồ khách tại phòng trọ.

Chuyện người phụ nữ cả đời bất hạnh và 30 năm ít dám soi gương

Ước mơ được làm mẹ của tôi vẫn còn quá xa vời vì trước mắt còn rất nhiều khó khăn

Suốt những năm tôi ở Sài Gòn, có nhiều người khen tôi dáng đẹp (tôi cao 1,60 m). Nhìn bề ngoài, nhiều người không biết tôi bị điếc câm nên họ đến làm quen. Song do mặc cảm với bản thân, tôi né tránh tất cả, không dám cho mình và cho người khác bất cứ một cơ hội nào nữa.

Hàng ngày tôi vẫn đang cố gắng làm may để trả tiền nhà trọ và túc tắc sống qua ngày, bám trụ một mình giữa Sài Gòn này. Hiện tôi chỉ ước tôi có một số vốn nhỏ mở tiệm may phù hợp sức khỏe để sống và mong có khoản tiền để mổ tim, 

Là phụ nữ, ở cái tuổi hơn 40 này, tôi còn khát khao muốn xin một bé làm con nuôi để được làm mẹ, để về già có con nương tựa. Song tôi có nên nuôi khát khao vô vọng ấy không khi hàng ngày vẫn phải đối mặt với đủ thứ bệnh tật nên sức khỏe tôi khá yếu? Khi hàng ngày tôi vẫn phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất, làm công nhân may bữa đói bữa no vì chỉ làm được bập bõm?

Chia sẻ