"Tôi đến Việt Nam là đi cho biết, và sẽ không quay lại đất nước của bạn một lần nữa đâu..."

,
Chia sẻ

John McCarthy, người bạn, đồng nghiệp của tôi vừa kết thúc chuyến du hành đến Việt Nam tháng 6 cho hay chỉ đi cho biết và không có ý định quay lại lần hai. Không chỉ John, rất nhiều bạn bè của tôi cũng từng nói vậy.

"Ác mộng" chặt chém

Một khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và một đi không trở lại.

Nguyên nhân đầu tiên mà khách du lịch cảm thấy sợ khi đến Việt Nam là bị “chặt chém”. Những gánh hàng rong hay quán xá vỉa hè, cả kể nhà hàng sang trọng cũng luôn buộc họ vào nghi ngờ, cảnh giác. Bởi họ sợ bị lừa, mua phải giá cao cắt cổ. Mà kỳ thực là cũng nhiều trường hợp bị lừa thật. Tôi nghĩ đến John McCarthy và chiếc quần đùi 500.000 đồng.

John, 30 tuổi, người Mỹ kinh nghiệm 8 năm trong ngành du lịch. Tôi quen John ở một cuộc hội thảo du lịch quốc tế năm 2009, chúng tôi thường xuyên trao đổi về công việc qua mail, điện thoại, facebook… Giữa năm 2016, John ngỏ ý sang thăm Việt Nam. Tất nhiên, tôi là hướng dẫn viên du lịch "bất đắc dĩ" cho cậu ấy.

Bôn ba khắp nơi nhưng đây là lần đầu tiên John đến Việt Nam. Tuy nhiên, ấn tượng lần đầu dở tệ. Tại Hà Nội, khi gặp trời mưa, tôi chở John tạt vào vỉa hè mua một chiếc quần ngố, còn mình tranh thủ chạy đi đổ xăng.

500.000 đồng là cái giá John phải trả cho chiếc quần đùi mà tôi vẫn mua chỉ với chưa đầy 100.000 đồng. Tôi mặc cả cô bán hàng nhưng rất tiếc “sự đã rồi”.

Tôi dặn John: “Ở đất nước tớ, muốn mua gì cậu cũng phải mặc cả trước. Nhớ chưa?”.

Tưởng thế là xong. Đến ngày thứ hai, anh bạn tôi tự bắt xe đi thăm Hạ Long, John vào một nhà hàng hải sản có niêm yết giá trên menu, nghĩ là chắc ăn, không lo bị “móc túi”. Đến lúc thanh toán, chủ nhà hàng hét 2.000.000 đồng. John thắc mắc, họ trả lời: “Khách Tây nên bán giá khác khách ta” ???!.

Những ngày còn lại, chúng tôi cùng nhau đi Đà Nẵng - Phú Yên - Nha Trang - Sài Gòn - Cần Thơ. John tỏ ra thích thú, chụp, ghi hình lại tất cả các khoảnh khắc đã trôi qua trước mắt. Cả kể khi bị chèo kéo, ép mua hàng và thậm chí là bị dọa đánh, đập máy ảnh, John vẫn cố gắng chụp lại. Cậu ta bảo “đó là trải nghiệm trong đời”.

Kết thúc 10 ngày du hành Việt Nam, tiễn John ra sân bay và trở về Mỹ, John luôn miệng cảm ơn tôi bởi những ngày làm hướng dẫn viên du lịch và không ngớt lời ca ngợi thiên nhiên, phong cảnh Việt Nam tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, cậu ta lại nói rằng: “Tôi đến Việt Nam là đi cho biết và sẽ không bao giờ quay lại đất nước của bạn một lần nữa đâu”.

John cũng cho biết thêm, sau khi trở về từ Việt Nam, sẽ đến Thái Lan, tiếp là Malaysia. Mặc dù đã từng đi các nước này nhưng John vẫn muốn quay lại vì “khi đến các nước này, tôi được du lịch một cách đúng nghĩa. Tôi vui chơi thâu đêm suốt sáng, đi nơi này nơi khác, chi tiêu đủ thứ mà không lo sợ móc túi, chặt chém hay cướp giật. Phong cảnh tuy không được đẹp nhiều như Việt Nam nhưng được thoải mái…”, John viết.

Ở Việt Nam, gi gỉ gì gi cái gì cũng đắt

Chặt chém chỉ là một trong những vấn đề khiến du khách sợ Việt Nam. Mà chuyện dịch vụ đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bất ngờ. Ở Việt Nam, cái gì cũng đắt.

Bạn tôi - Philippe Brenot - một phụ nữ người Pháp ưa du lịch mạo hiểm - đến Việt Nam cuối năm 2014. Lần ở Hà Nội, Philippe Brenot đưa ra một ví dụ khá thú vị rằng du lịch Thái Lan ở khách sạn 4 sao ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi cả mấy thành phố mà chưa hết 300 đô la. Trong khi ở Việt Nam, bay máy bay 2 chiều thôi đã hết ngót nghét 200 đô la.

Vậy, lần sau du lịch Thái Lan, Cambodia hay Việt Nam đây? Philippe Brenot đặt dấu hỏi nhưng cũng trả lời luôn: “Tôi thích đất nước bạn nhưng lại thích Thái Lan và Cambodia hơn”.

Khiếp sợ giao thông

Đối với du khách nước ngoài mỗi khi phải sang đường ở Việt Nam giữa dòng xe cộ lạng lách đan xen như mắc cửi là một điều rất khó khăn và đáng sợ.

Đến Hà Nội được vài ngày nhưng Larry, một du khách đến từ Anh phải thốt lên rằng, không có ở đâu giao thông lại hỗn loạn như ở đây.

"Trước khi sang Việt Nam, tôi cũng từng tìm hiểu sách báo, trên mạng và người thân về tình hình giao thông ở đây. Mọi người đều cảnh báo nếu sang đường ở Việt Nam tôi không được vừa tiến vừa lùi mà cố đi một mạch, khi đó mọi người sẽ tránh mình ra.

Hiện tại, tôi vẫn cảm thấy ổn tuy nhiên tôi đã từng chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng ngay trước mặt khi ngồi uống cà phê trên đường. Thực sự lúc đó tôi rất sợ. Đó là lí do vì sao tôi không bao giờ dắt trẻ đi bộ sang đường. Mọi thứ quá nguy hiểm", Larry nói.

John, Larry hay Philippe chỉ là một trong số rất nhiều du khách đến Việt Nam một lần sau đó không muốn quay lại. Trước đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi họ cũng từng nói chưa có ý định và chưa biết bao giờ mới quay lại Việt Nam. Trong khi, lại nói rằng, họ muốn đi Thái Lan, Myanmar, Cambodia…

Rõ ràng, với việc sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú, các danh lam thắng cảnh đều được thế giới công nhận thì tiềm năng du lịch Việt Nam hơn hẳn Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Vậy tại sao du lịch Việt Nam vẫn chưa thể phát triển như du lịch Thái Lan, Singapore hay Malaysia? Và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần? Trong khi có đến 40% du khách quay lại Singapore, 45% khách du lịch đến Thái Lan lần thứ hai, còn tại Việt Nam, có đến hơn 80% du khách không quay trở lại.

Mỗi khi đặt bút viết về du lịch, tôi luôn trăn trở rằng: “Việt Nam sẽ phải làm gì để níu chân du khách? Làm gì để ngành công nghiệp tỷ đô thực sự mang lại tiền đô cho đất nước và con người Việt Nam? …”

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), có đến 40% du khách quay lại Singapore, 45% khách du lịch đến Thái Lan lần thứ hai. Còn tại Việt Nam, có 90% đến Việt Nam lần đầu tiên, lượng khách quay lại chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, có 39% đến thăm các điểm du lịch lần đầu, 24% đến lần thứ hai và chỉ có 13% đến lần thứ ba.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê VN, khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2015 ước đạt 7,943 triệu lượt, giảm 0,2% so với năm 2014.

Trong số khách du lịch châu Á thì khách đến từ Campuchia giảm 43,8%, Lào giảm 16,6%, Thái Lan giảm 13,1%, Indonesia giảm 9,3%, Trung Quốc giảm 8,5%, Philippines giảm 3,5%.

Khách đến từ châu Âu có khách Nga giảm 7,1%, Thụy Điển giảm 1,4%, Pháp giảm 1%. Khách từ Úc cũng giảm đến 5,4% so với năm 2014.

Đến tháng 4/2016, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 789,5 nghìn lượt người, giảm 3,8% so với tháng 3/2016.

Tháng 5/2016, khách quốc tế ước tính đạt 757,2 nghìn lượt người, giảm 4,1% so với tháng 4/2015. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 4005,9 nghìn lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tăng so với cùng kỳ năm trước, song theo Tổng Cục Du lịch, du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore. Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi Việt Nam thực sự quan tâm đến ngành du lịch.

Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ

Chia sẻ