Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này?

MINH HIỀN,
Chia sẻ

Những sợi tóc bạc và mái tóc khô xơ khiến bạn trở nên già nua và mệt mỏi dù đang trong độ tuổi thanh xuân. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này.

Phát hiện ra một sợi tóc bạc có thể là lời cảnh báo đáng sợ cho những người đang ở độ tuổi đôi mươi, bởi đây là dấu hiệu rõ ràng của sự lão hóa. Thông thường, tóc bạc xuất hiện phổ biến ở những người trong độ tuổi 40, và nhiều trường hợp còn muộn hơn thế. Tuy vậy, ngày nay có không ít bạn trẻ đã có những điểm bạc trên mái tóc từ khi còn ở tuổi dậy thì. Nhiều người thường hy vọng có một biện pháp để khiến tóc mọc đen trở lại, song tin buồn là đến nay vẫn chưa có phương pháp nào được chứng minh là mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này? - Ảnh 1.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn sự xuất hiện của những sợi tóc bạc xấu xí này? Dưới đây là những điều bạn cần biết về hiện tượng tóc bạc sớm.

Hiểu về sự hình thành của tóc bạc

Màu của tóc được quy định bởi sắc tố tiết ra từ các tế bào ở nang tóc, chúng được gọi là melanin. Hàm lượng melanin càng cao thì màu của tóc càng sẫm. Khi bạn già đi, cơ thể sản sinh melanin ngày càng ít, dẫn đến tình trạng tóc bạc màu. Do đó, tình trạng tóc bạc sớm ở người trẻ tuổi có liên quan trực tiếp đến sự sụt giảm hàm lượng melanin.

Một yếu tố khác cũng có khả năng gây tóc bạc sớm là sự tích lũy của hydrogen peroxide - một chất có khả năng oxy hóa mạnh và có thể tẩy màu của tóc. Khi cơ thể ở trạng thái bình thường, hydrogen peroxide luôn được kiểm soát nhờ enzyme catalase. Khi cơ thể già đi hoặc vì một rối loạn chức năng sinh lý nào đó, lượng enzyme catalase không còn được sản xuất đủ để phân hủy hydrogen peroxide, dẫn đến sự tích tụ chất này và gây bạc màu tóc.

Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này? - Ảnh 2.

Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm?

Yếu tố di truyền

Cho đến nay, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm thường đến từ yếu tố di truyền. Do đó, nếu gia đình bạn có nhiều người bị bạc tóc sớm thì bạn cũng sẽ có khả năng cao gặp tình trạng tương tự. Ngoài ra, bạn còn có thể được di truyền các đặc điểm khác về tình trạng bạc tóc như tốc độ bị bạc màu, mức độ bạc hay độ đậm nhạt trong màu tóc.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quá trình bạc tóc của bạn là chủng tộc và giới tính. Theo thống kê của các nhà khoa học, người châu Á thường bị bạc tóc vào giai đoạn sau 30 tuổi. Với nữ giới, độ tuổi bạc tóc chậm hơn so với nam giới, vào khoảng sau 35 tuổi.

Sự thiếu hụt vitamin B12

Vitamin B12 là một dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trong việc tạo tế bào máu, tế bào thần kinh và nhiều chức năng quan trọng khác. Khi cơ thể không được cung cấp đủ vitamin B12, những tình trạng như mỏi mệt, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, thiếu máu rất dễ xảy ra, đồng thời khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn.

Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này? - Ảnh 3.

Một tình trạng bệnh lý ở tuyến giáp hoặc hệ miễn dịch

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng có vai trò sản xuất hormone. Những hormone này giúp điều hòa các hoạt động sống thiết yếu của cơ thể như quá trình trao đổi chất, sự hoạt động của tim hay chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Trong một số ít trường hợp khi tuyến giáp không hoạt động bình thường, nó có thể gây ra hậu quả bạc tóc sớm. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hormone tuyến giáp có thể trực tiếp thay đổi những tế bào nang tóc, bao gồm cả vùng tế bào sản xuất ra sắc tố cho tóc.

Một bệnh lý khác cũng liên quan tới việc tóc sớm bạc là bệnh bạch biến, gây ra bởi một rối loạn trong hệ miễn dịch. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tấn công lại chính cơ thể chúng ta, phá hủy các tế bào sinh sắc tố, gây ra những mảng trắng loang lổ trên da và bạc tóc.

Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này? - Ảnh 4.

Thói quen sống không lành mạnh

Việc hút thuốc là thói quen sống có liên quan chặt chẽ tới việc tóc bị bạc sớm. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, những người thường xuyên hút thuốc có khả năng bị bạc tóc sớm nhiều gấp 2,5 lần so với người bình thường. Ngoài gây bạc tóc, các hóa chất trong thuốc là còn phá hủy những tế bào mọc tóc, gây hư tổn và có thể dẫn đến hói đầu.

Stress cũng là một nhân tố tiêu cực thường được cho là có liên quan đến tình trạng bạc tóc. Song đến nay chưa có chứng cứ rõ ràng nào cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của stress. Theo các nhà khoa học, giả thuyết mang tính thuyết phục nhất có lẽ là do stress có thể làm cơ thể sản sinh ra các hormone có tác động tiêu cực đến tế bào sinh sắc tố melanin, thúc đẩy quá trình làm bạc tóc.

Tóc bạc sớm: Làm sao để ngăn chặn dấu hiệu lão hóa sớm xấu xí này? - Ảnh 5.

Nên làm gì để ngăn chặn sự bạc tóc trước tuổi?

Một khi đã hiểu rõ được những nhân tố có thể gây ra hiện tượng tóc bạc sớm, bạn có thể tập hình thành những thói quen lành mạnh giúp giảm nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Sau đây là những việc bạn có thể làm để ngăn chặn sự xuất hiện của những sợi tóc bạc sớm:

- Giảm stress: Căng thẳng luôn để lại trên khuôn mặt và cơ thể bạn những dấu vết lão hóa không thể xóa nhòa. Do đó, bạn cần cố gắng giảm thiểu stress trong cuộc sống bằng việc xây dựng một thời gian biểu sống và làm việc hợp lý, luôn thư giãn tinh thần bằng việc tập luyện và nghỉ ngơi.

- Xây dựng chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng: Ngoài vitamin B12, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, sắt và canxi vì chúng có lợi cho sự phát triển của nang tóc, da đầu. Khi có biểu hiện bạc tóc, bạn cần đi kiểm tra để chắc chắn rằng mình đang không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc mắc phải một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nào đó.

- Chăm sóc và giữ độ ẩm cho tóc bằng cách gội đầu thường xuyên với các loại dầu gội dịu nhẹ. Bạn có thể giữ tóc luôn bóng khỏe bằng việc sử dụng thêm các loại tinh dầu dưỡng để bổ sung độ ẩm cho tóc.

Nguồn: Stylecraze, Huffingtonpost

Chia sẻ