Toát mồ hôi hột với những câu hỏi "tại sao" của con

Duy Linh,
Chia sẻ

(aFamily-vn) - Những câu hỏi "tại sao" của con đôi lúc rất đáng yêu nhưng đôi khi cũng khiến cha mẹ phải toát mồ hôi hột để tìm cách trả lời.

Dở khóc dở cười với những câu hỏi "tại sao" của con

Từ khi bé Cún biết nói, chị Hương – anh Toàn (Ngũ Xã, Hà Nội) không được một ngày nào... yên ổn, anh chị lúc nào cũng trong tình trạng "toát mồ hôi" với những câu hỏi "tại sao" của con. 

Chị tâm sự: “Ngày nào cả nhà cũng bị Cún 'tra tấn' bằng một màn hỏi gắt gao. Mà trả lời là phải có logic, thực tế, chứ quáng quàng, cho xong thì không xong với nàng đâu nhé!”

Chỉ vì câu hỏi: “Tại sao ngoài con trai và con gái không còn có con gì khác?” mà chị trả lời từ hôm trước tới hôm sau, bé vẫn chưa bằng lòng. 

Chị đã giải thích rằng: “Ờ thì chỉ có hai giới tính như mặt trời với mặt trăng ấy con ạ. Cái gì cũng có mặt đối lập con nhé. Giống như con có 2 tai, 2 chân, 2 tay vậy”. 

Nhưng bé đâu có chịu, bé nhăn nhó hỏi tiếp: “Đâu có ạ, ngoài mặt trời và mặt trăng còn có ngôi sao to nhỏ, hành tinh các thể loại cơ mà mẹ”.

Đó là câu hỏi khá hóc búa mà chị Hương chẳng biết nên trả lời con thế nào cho chuẩn. Ngoài những câu như vậy, bé cứ nhìn thấy gì “hay hay, là lạ” là bé lại hỏi: “Tại sao chim sẻ bay được mà chim cánh cụt lại không bay được?”

Toát mồ hôi hột với những câu hỏi
Những câu hỏi "tại sao" của con đôi lúc cũng rất đáng yêu, thể hiện con thật thông minh 
nhưng đôi khi cũng khiến cha mẹ phải toát mồ hôi hột để trả lời (Ảnh minh họa)

“Tại sao gọi nó là chim cánh cụt trong khi cánh nó cũng dài hơn cánh chim sẻ. Phải là sẻ cụt chứ ạ?”

Hôm trước, bé “quay" anh chị bằng câu: “Tại sao chim sẻ ăn hạt mà lại mớm cho con bằng sâu non hả mẹ?”

Chị giải thích cho con rằng: “Giống như Cún, hồi bé tí con ăn sữa mẹ, lớn hơn ăn cháo rồi bây giờ ăn cơm ấy”.

"Thế tại sao chim non không ăn sữa mẹ lại ăn sâu ạ? Chim non có bị đau bụng không ạ?"

"À, chim non sẽ không đau bụng đâu con, vì mỗi loài đều có một món ăn riêng con ạ"

"Thế tại sao bò con lại ăn sữa mẹ ạ?"

"À, thì…"

“Trả lời những câu hỏi của Cún là đủ hết ngày, nhiều khi đi làm về mệt vô cùng, thế nhưng đối diện với câu hỏi của Cún tuy cũng mệt hơn nhưng khá thú vị. Cứ nghĩ con 4 tuổi chẳng biết gì nhưng thực ra chúng đi học, xem tivi rồi mang những điều đó về đố mình. Cũng có lúc bị con ‘hành’ như đi thi ấy”, chị hóm hỉnh chia sẻ. 

Chị Tứ - anh Minh (Định Công, Hà Nội) cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi con suốt ngày hỏi. Đặc biệt cứ đến cuối tuần ở nhà với con là chị lại tha hồ vắt óc trả lời cục cưng. 

Bé Hải (4 tuổi) rất thích xem tivi, thích được bố mẹ kể cho những câu chuyện về động vật. Anh chị thích thú lắm và mơ ước, sau này con sẽ thông minh học 1 biết 10. 

Đi cùng với việc đó là Hải suốt ngày ngây thơ hỏi bố mẹ: “Bố ơi, tại sao con ruồi bé tí lại bay thành tiếng, trong khi con bướm to đùng lại im thin thít khi bay ạ?”

Thấy bố trả lời: “Con ruồi bị hôi nên nó đi đâu cũng phải ‘ra uy’ cho mọi người tránh con ạ”, bé lập tức phản pháo: “bố sai rồi, tại bướm đập cánh rất chậm, vì thế không phát ra tiếng kêu chứ”.

Rồi bé còn chêm thêm: "Nghe bà kể, hồi trước bố học giỏi lắm cơ mà".

Dùng cách ngây ngô trẻ con để trả lời xem ra không ổn, nhưng anh vẫn phải mếu máo rằng: “Chẳng lẽ lại phân tích cho con hiểu rằng âm thanh truyền đến tai là do tai cảm nhận được các dao động trong không khí với tần số từ 20 đến 20.000 lần mỗi giây”…

Hãy vui mừng với những câu hỏi "tại sao" của con

Từ 3 tuổi trở lên, bé thường đã tự biết cảm nhận thế giới xung quanh mình, những hiện tượng lạ (sấm chớp, mưa gió, lốc xoáy, con vật bay, hoa quả mọc ở đâu…). Chúng có xu hướng khám phá những điều đó thông qua các câu hỏi "tại sao". Điều này vô tình khiến cha mẹ thực sự bối rối không biết phải trả lời làm sao cho hợp lý (hợp với tuổi của con và hợp với logic, thực tế).

Toát mồ hôi hột với những câu hỏi

Những câu hỏi “Tại sao lại thế” xuất hiện trong bé nhiều để thỏa mãn trí tò mò của mình. Từ những câu đơn giản như “Tại sao con mèo sợ nước, con vịt thích nước” đến “Tại sao khi rót nước từ phích lại có tiếng kêu tè tè như vậy”… trẻ không chừa bất cứ câu nào. Vậy nên ứng phó với những câu hỏi "tại sao" của con cho hợp lý là điều mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm. 
 
Chị Nguyệt (Võ Thị Sáu, TP HCM) chia sẻ: “Trước đây đầu óc mình lúc nào cũng ong ong khi phải đối diện với những câu hỏi không đơn giản của con. Và thực sự không phải câu hỏi nào mình cũng có sẵn câu trả lời. Để tránh dồn dập, mình thường nói ‘mẹ sẽ trả lời con sau nhé’. Điều này vừa hạn chế sự tiếp nhận liên hoàn những câu hỏi hóc búa từ con, mình lại có thời gian tìm hiểu, vừa giúp bé luyện tập thói quen suy nghĩ cùng để tìm ra lời giải”.

Với cách làm này, dần dần bé hỏi có trọng tâm hơn, không lan man bằng những câu “vớ vẩn”: “Hôm nay sao nhà mình ăn cá bé mà không ăn cá to”, “Sao mẹ lại thay đổi màu váng sữa của con”. 

Cha mẹ nên vui mừng với những câu hỏi "tại sao" của con, bạn nên khuyến khích con đặt câu hỏi, và cố gắng tìm lời giải một cách phù hợp nhất vì giai đoạn này trí tưởng tượng và não bộ của con đang rất phát triển. 

Tránh trả lời: “Mẹ chịu, con đi hỏi bố nhé”, “Con hỏi toàn thứ vớ vẩn thôi, mẹ không nghe đâu”, điều này sẽ khiến trẻ tự ái, buồn chán, khiến bé nghĩ rằng “bố mẹ đang cố tình giấu không cho bé biết”.



“Sao lại có những người ngủ ngoài đường hả mẹ?”, “Tại sao bố mẹ không ở với nhau?” 
Những câu hỏi vì sao, tại sao của trẻ thơ đôi khi không dễ trả lời.
Toát mồ hôi hột với những câu hỏi
Chia sẻ