Tổ ấm nhỏ cho trẻ mồ côi tại chùa Thịnh Đại

Phạm Hà, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Hơn 20 năm qua, hình ảnh 1 người cha áo nâu cùng đàn con gần 40 người tại ngôi chùa Thịnh Đại đã không còn xa lạ với người dân xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam…

Theo chân một nhóm sinh viên tình nguyện, chẳng gặp mấy khó khăn, chúng tôi tìm được chùa Thịnh Đại, Hà Nam vào một ngày đầu đông se lạnh. Vừa bước vào cổng chùa, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh sư thầy Thích Việt Hòa đang cùng đàn con của mình kẻ lại sân chơi cầu lông. Người cha tu hành nhắc các con kẻ chỗ nọ, vạch chỗ kia khiến chúng tôi không khỏi nghĩ đến hình ảnh gà mẹ đứng giữa bầy con.

Những mảnh đời bất hạnh…

Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh các em đang quẩn quanh bên sư thầy, người kẻ vạch đứa chạy nhảy, sẽ chẳng ai biết được đằng sau những gương mặt lấp lánh nụ cười là mảnh ghép bất hạnh của cuộc đời. Những đứa con của thầy Hòa, mỗi người một số phận, mỗi người một cảnh ngộ nhưng đều có chung một điểm là không có trọn vẹn tình yêu của cha mẹ. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em mất cha hoặc mất mẹ nhưng vì nhà nghèo nên phải gửi lên chùa, cũng có em bị cha mẹ bỏ rơi, có em cha mẹ li dị, không có người nuôi,…

Thầy Hòa tâm sự: “Nhìn hoàn cảnh các em mình thương lắm, đứa nào cũng khổ cả, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là phải kể đến trường hợp bé Hà Anh. Hà Anh bị cha mẹ bỏ rơi ngay sau khi mới chào đời. Họ đặt bé trong thùng mì tôm rồi bỏ ở cổng bệnh viện. Khi ấy Hà Anh nặng có 9 lạng, phải nuôi trong lồng kính mất một tuần mới đưa về chùa được”. 

Cô Trần Thị Đào, người giúp thầy Hòa trông nom các em kể: “Khi sư thầy mang bé Hà Anh về chùa, nó bé như cái kẹo ấy. Chùa nuôi hơn một tháng mà chỉ được hơn 1kg. Đến nay Hà Anh đã được 14 tháng tuổi nhưng vẫn còi lắm”.

Hà Anh chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong toàn cảnh 
bức tranh số phận bất hạnh của các em nhỏ tại chùa Thịnh Đại.
 
Cuộc sống đầy khó khăn...

Cách đây khoảng 20 năm (năm 1991), khi mới chân ướt chân ráo về chùa, thầy Hòa đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho đại gia đình hiện nay. “Lúc đầu mình nhận một, hai em, sau nhiều người biết, họ đưa các em lên đây nhiều hơn. Bây giờ chùa đã nhận nuôi gần 40 em”.

Nuôi một đứa trẻ đã rất vất vả, chăm sóc cả một đàn con lại càng khốn khó hơn, nhất là với một người tu hành như thầy Hòa. Tất cả mọi sinh hoạt cho các em đều trông vào số tiền lương và công đức ít ỏi. Thầy tâm sự: “Lúc đầu, khi mới nhận nuôi các em, cũng có nhiều vất vả, phải tự trồng rau quả, thậm chí còn tự làm hương bán lấy tiền sinh hoạt”. Điều đáng nói ở đây là dù cuộc sống của các em khó khăn, cảnh đời đầy bất hạnh nhưng các em lại không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ xã hội. Mồ côi cha mẹ nhưng đến trường, các em vẫn phải đóng góp học phí đầy đủ như bao bạn khác mà không được miễn giảm hay hỗ trợ…

Các em nhỏ đang chia nhau bánh kẹo...

Kinh tế eo hẹp có lẽ cũng không khó khăn bằng việc thầy phải một mình chăm lo cho đàn con gần 40 người. “Mình phải tự nấu cơm, nấu nước cho các cháu, còn việc đưa các cháu đi học nữa. Cháu lớn thì tự đi còn những đứa nhỏ hơn thì phải đưa đón. Vì nhiều cháu quá quá nên mình phải chở mấy lượt liền”. 

... “Tuy nhiên, mọi chuyện cũng đỡ hơn khi có ba bác phật tử đến chùa lo giúp cho mấy cháu. Thỉnh thoảng một vài phật tử ở quanh đây cũng tới hỗ trợ”. Các con lớn của thầy Hòa đã có người tốt nghiệp đại học, đi làm kiếm tiền, đỡ đần thêm trong việc sinh hoạt hàng ngày.

Điều mong mỏi lớn nhất của mọi người trong chùa hiện nay là có thể cải thiện lại chỗ ăn ở cho các em. Cô Đào, một phật tử sống ở chùa chia sẻ: “Các cháu đông, chỗ ở chật chội nên rất bí, vào mùa hè thì rất nóng. Các cháu lớn thì không sao chứ mấy cháu nhỏ thì cứ mùa hè lại quấy khóc suốt. Vả lại, chỗ ở chật chội nên các cháu phải ở gần nơi thờ của chùa cũng rất bất tiện. Bây giờ mong nhất là có thể xây được gian nhà ở phía sau cho các cháu ở thoải mái”.

Gia đình nhỏ giữa chốn tu hành...

Thầy Hoà cùng các con đang dọn dẹp...

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng có lẽ niềm an ủi lớn nhất đối với thầy Hòa là các em được sống vui vẻ, no đủ, học hành tấn tới. Không phụ lòng mong mỏi của thầy, những người con có kết quả học tập rất tốt. Thầy Hòa kể với chúng tôi với niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt: “Có 16 em học đại học và cao đẳng trên Hà Nội. Trong đó đã có 4 đứa đã ra trường, đi làm, đủ để lo cho 12 đứa em đang học trên đó”. Đặc biệt trong những người con của thầy còn có em Nguyễn Sơn Tùng đã từng đạt HCV Karatedo Cup CLB mạnh toàn quốc năm 2009. Hiện Tùng đang tập trung ở Hà Nội để chuẩn bị tham gia SEAGAME sắp tới.

Vật chất có lẽ còn thiếu thốn nhưng tình cảm gia đình chưa bao giờ tắt trong ngôi chùa. Cùng đại gia đình ăn một bữa cơm chay tại chùa, chúng tôi không khỏi cảm động trước những tiếng cười không ngớt của mọi người khì nghe thầy Hòa kể về hai cậu con trai đang học lớp 11 mến một cô bạn cùng lớp,… 

Có thể cuộc sống của các em vẫn còn nhiều vất vả, chông gai nhưng tình cảm gia đình vồn thiếu hụt đang dần dần được lấp đầy dưới mái Chùa Thịnh Đại.

Chia sẻ