Yêu là yêu thôi!

,
Chia sẻ

Một người ngoài cuộc khi nhìn vào những tình yêu đầy say mê đó sẽ biểu thị bằng đôi mắt ngạc nhiên và tự kết luận: “Chắc là bị bỏ bùa rồi!”.

Khó ai có thể định nghĩa được tình yêu và giải thích được vì sao ta yêu nhau... (ảnh minh họa) - Ảnh: GIA TIẾN

Nhưng nếu tiếp xúc lâu với những cặp đôi ấy, có thể bạn cũng như tôi sẽ đồng ý rằng tình yêu không cần nhiều lý lẽ...

Đắm đuối người “chẳng có gì”

Cặp đôi trẻ tuổi Thảo (23 tuổi) và Long (22 tuổi) thuê trọ tại nhà chị Thùy (28 tuổi, TP.HCM). Không quá xét nét nên chị Thùy nghĩ đơn giản họ sống thử như một thực trạng yêu đương phóng khoáng của giới trẻ hiện nay.

Nhưng vài lần thấy người nhà của Long đến tìm và xảy ra tranh cãi gay gắt, chị Thùy mới hiểu sơ về chuyện của cặp đôi. Gia đình Long không ưng Thảo vì cô là dân ngoại tỉnh, lại chẳng có gì để xứng đáng với cậu con trai hiền lành, đẹp đẽ, tài giỏi của họ. Giống như một biếm họa, cân nặng của Thảo hơn Long nhưng chiều cao của cô chỉ khiêm tốn dưới vai người yêu, thêm nữa cô không giàu có...

Gia đình Long phản đối cặp đôi đến với nhau cả năm trời, nhưng càng cản thì Long càng dính chặt lấy Thảo, cậu bỏ nhà ra ngoài ở để có thể bao bọc và gần gũi người yêu.

Chị Thùy bộc bạch: “Dám từ bỏ gia đình vì yêu thì không biết sau này họ có hạnh phúc? Nhưng những gì diễn ra khiến tôi thấy kinh ngạc. Mấy khách trọ khác ở nhà tôi luôn xầm xì: chắc Thảo đã dùng bùa ngải gì đó mới khiến Long đắm đuối như vậy!”.

Đáng kinh ngạc hơn ở quê tôi - một vùng nông thôn yên ả có dòng sông Hồng chảy qua - cũng từng xảy ra thứ tình yêu đầy vẻ bùa ngải như vậy vài năm trước.

Một người chú họ xa của tôi có tật ham uống rượu, thỉnh thoảng uống say lại đánh vợ. Dù vậy người thím cũng nhẫn nhịn chịu đựng được hơn mười năm, bởi tuy có tật nhưng chú lại có thu nhập tốt nhất làng do làm việc ở trạm xăng trên phố. Rồi đột ngột chú họ tôi bị vợ bỏ.

Thím mới trên 30 tuổi, không theo ai khác có vẻ tử tế hơn mà chuyển đến sống trong con thuyền cũ nát của người đánh cá nghèo ngoại ngũ tuần không có lấy nổi một tấc đất cắm dùi.

Tất nhiên chú tôi sốc nặng, nghĩ vợ mình bị bỏ bùa nên ra bến sông làm ầm ĩ lên để mong kéo thím trở về. Nhưng thím vẫn quyết ở lại con thuyền. Từ đó thuyền của người đánh cá không còn neo lại bến sông, có lẽ để tránh chú tôi quấy rầy, họ xuôi thuyền đến một khúc sông khác.

Tôi vốn không biết hình thù bùa ngải ra sao, dù dân gian không ngừng đồn đại về mê lực của nó. Song đọc bài “Càng cấm, càng yêu” trên Tuổi Trẻ ngày 18-7-2010 và chứng kiến hai chuyện tình kỳ lạ khiến tôi nghĩ có lẽ nào sự cản ngăn hoặc hoàn cảnh éo le chính là một thứ “bùa ngải” đầy ma mị tác động mạnh mẽ đến tình yêu?

“Bùa ngải tình yêu” sinh ra từ tâm hồn đẹp

Dường như nếu đứng ở góc độ tâm lý xã hội sẽ khó giải mã được chuyện tình của Long và Thảo.

Hàng xóm trọ cùng nhà cặp đôi này, Thanh Hà (25 tuổi) kể: “Có tiếp xúc kỹ với Thảo mới nhận ra cô ấy thông minh, sâu sắc, tuy không xinh đẹp. Long trước đây luôn bị gia đình coi như đứa trẻ dù đã trưởng thành. Một lần gặp Thảo ngồi khóc ở trạm xe buýt, Long ân cần hỏi thăm và rồi hai người quen nhau. Tình cảm mau chóng nảy sinh bởi Long bị sự nhạy cảm và có vẻ bơ vơ của Thảo thu hút. Gia đình càng cấm cản, Long càng thấy mình không thể bỏ Thảo, cậu ấy vẫn hay đùa yêu Thảo là sứ mệnh của cuộc đời mình chứ không đơn thuần chỉ là tình cảm nam nữ bình thường. Đến giờ họ yêu nhau hơn một năm và chuẩn bị đón chào đứa con đầu lòng”.

Trong chuyến du lịch gần đây, tôi tình cờ gặp lại người thím cũ.

Vẫn neo đậu tình cảm nơi người đánh cá nghèo và chăm sóc hạnh phúc lứa đôi trên con thuyền nhỏ, thím giải thích về sự thay lòng thuở nào: “Cả chú và thím đều không có khả năng sinh con. Lẽ ra cùng hoàn cảnh vợ chồng cần sống yêu thương nhau nhưng chú lại hay say rượu rồi về nhà đánh đập thím. Có lần thím qua bên sông thăm họ hàng, lúc về bị lật đò, may được người đánh cá cứu. Nhờ ơn cứu mạng, thím gặp ông ấy nhiều lần. Cứ thế mà phải nợ rồi phải duyên vì ông ấy tốt tính lắm. Mấy năm qua thím để dành được hòm hòm tiền bán cá, chắc sắp tới sẽ tìm mua một mảnh đất rồi dựng nhà để an cư lạc nghiệp”.

Hiểu được ẩn ức trong việc người thím cũ gá nghĩa với một cư dân vạn đò bí lối lên bờ, tôi nghiệm ra rằng một người chồng dư dả bạc tiền mà vũ phu không thể bằng một người đàn ông nghèo có tâm hồn lương thiện đẹp đẽ.

Thì ra cuộc sống này vẫn còn “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, dẫu rằng vỏ bọc của hai trái tim đó có lệch nhau.
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ