“Xin lỗi mẹ, năm nay con phải về ăn Tết nhà con!”

Chi Mai,
Chia sẻ

Cô phải “vùng lên” thôi, 5 năm liền ăn Tết quê chồng như thế là quá đủ rồi!

Vợ chồng Vy và Nguyên đều là những người ở quê lên thành phố lập nghiệp, nhà nội ngoại cũng cách nhau khá xa. Cưới nhau đến nay đã bước sang năm thứ 6, hai vợ chồng đã có với nhau một cậu con trai 4 tuổi, cuộc sống gia đình không có vấn đề gì lớn phải khổ sở. Nhưng cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, trong lòng Vy luôn nặng trĩu một nỗi phiền muộn, đó là làm thế nào để được về ăn Tết ở nhà ngoại. Đã 5 năm rồi, cô chỉ toàn ăn Tết ở nhà nội! Và cũng chừng ấy thời gian bố mẹ cô trong cảnh ăn Tết mà ngậm ngùi nhớ con.

Năm đầu tiên làm dâu, Vy trong lòng cũng mặc định là vợ chồng cô phải ăn Tết ở nhà chồng, bởi dâu mới như cô mà không có mặt ở nhà chồng dịp Tết nhất thì còn ra thể thống gì nữa. Bố mẹ chồng cô và Nguyên thì lại càng khỏi phải nói, đối với họ, chuyện ăn Tết ở đằng nội là đương nhiên.

Năm thứ 2, Vy thỏ thẻ nói với chồng: “Anh ơi, năm ngoái mình đã ăn Tết ở nhà nội rồi, anh xem năm nay…”. Cô chưa kịp nói hết câu thì Nguyên đã gạt đi: “Anh biết em định nói gì rồi. Anh không bao giờ cho rằng vợ chồng mình phải luôn về đằng nội ăn Tết, nhưng em về làm dâu đến nay mới là cái Tết thứ 2 thôi, anh nghĩ thế này, năm nay mình cứ về nhà nội ăn Tết tiếp đã, sang năm sẽ sang đằng ngoại, không các cụ dưới quê nhà anh lại trách dâu mới về Tết được có 1 năm đã mất tăm. Anh đứng giữa cũng thấy khó xử lắm, em chịu thiệt thòi 1 chút nhé!”. Thấy chồng nói cũng có lí, Vy vui vẻ đồng ý. Gọi điện về thông báo cho bố mẹ chồng, ông bà vẫn thản nhiên coi như việc vợ chồng cô về ăn Tết là điều tất lẽ dĩ ngẫu.

Cái Tết thứ 3 làm vợ, làm dâu cũng là cái Tết vợ chồng Vy có thêm một thiên thần nhỏ. Hình như mẹ chồng Vy nghe phong thanh Nguyên nói năm nay sẽ về nhà ngoại ăn Tết nên từ ngoài rằm tháng Chạp bà đã liên tục gọi điện, ý tứ rằng vợ chồng cô phải đưa con về nhà nội ăn Tết. “Đã đành lúc sinh, con đã về đây mấy tháng rồi, nhưng Tết lại là chuyện khác. Tết năm nay nhà mình có các bác từ xa về, mong mỏi được nhìn thấy cháu đích tôn của mẹ, các con không về thì mẹ biết ăn nói làm sao với mọi người đây! Không phải các con định để mẹ xấu mặt với các bác ấy đấy chứ!” - mẹ chồng Vy nêu lí do. 

Vy thở dài buồn bã! Đợt sinh con, được nghỉ mấy tháng, cô định chia đôi thời gian ra về cả 2 bên nội ngoại, nhưng về quê chồng sinh xong, mẹ chồng cô viện lí do con nhỏ không nên đi lại xa để giữ chặt cô không cho về nhà mẹ đẻ. Vậy là đến tận gần lúc đi làm, cô chỉ được về nhà mình cho ông bà ngoại chơi với cháu có mấy ngày ngắn ngủi. Tết này, đằng nào cũng là 2 năm ăn Tết quê chồng rồi, cô muốn về nhà mình ăn Tết, phần nữa là để ông bà ngoại có nhiều thời gian bên cháu hơn. Ấy thế mà mẹ chồng lại một mực muốn ngăn cản cô. Thời gian nghỉ Tết ít ỏi, quê 2 người lại xa nhau, thật khó mà san đôi thời gian, nửa ở nhà nội nửa sang nhà ngoại được. Chưa nói tới chuyện con trai Vy còn nhỏ, cho bé đi lại tàu xe nhiều như vậy cũng không tốt chút nào. Vậy là mặc dù trong bụng không vui vẻ gì, nhưng năm thứ 3 này, Vy và chồng vẫn phải về quê nội ăn Tết.

“Xin lỗi mẹ, năm nay con phải về ăn Tết nhà con!” 1
Vy im lặng vài giây rồi nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nói với mẹ chồng: “Xin lỗi mẹ, năm nay con phải về ăn Tết nhà con!” (Ảnh minh họa).

Năm thứ 4, trước Tết cả tháng trời, Vy đã thầm nhủ trong lòng, cho dù có thế nào thì cô cũng nhất quyết phải về nhà ngoại ăn Tết mới được. Bố mẹ cô chỉ có 2 cô con gái là cô và chị gái, Vy biết ông bà mong vợ chồng cô và cháu về lắm, nhưng chẳng dám nói ra, mỗi khi cô buồn bã thông báo về nhà nội ăn Tết thì ông bà còn luôn động viên cô: “Thôi bây giờ con đã đi lấy chồng rồi, cũng nên tận tâm với nhà chồng con ạ. Bố mẹ không sao đâu, còn nhiều dịp mà…”. May sao chị gái cô lấy chồng gần nên còn chạy qua chạy lại, chứ những dịp Tết nhất thế này mà nhà cửa chỉ có 2 cụ thui thủi với nhau thì Không biết Vy sẽ đối diện với bố mẹ mình thế nào. Còn bên nhà Nguyên, nhà anh có 2 anh em trai, em trai anh cũng vừa lấy vợ, lại ở chung nhà với bố mẹ chồng, vì thế, cô nghĩ vợ chồng cô có không về ăn Tết thì cũng không đến mức không được.

Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng cuối cùng, Vy vẫn không thể thực hiện được quyết tâm trước đó của mình. 23 tháng Chạp, mẹ chồng cô gọi điện lên than thở: “Mẹ ốm rồi các con ạ! Mẹ nhớ cháu mẹ đến phát ốm lên rồi đây này! Tết này các con không về nữa thì mẹ chắc nằm bẹp giường mà đón Tết mất!”. Vy lại chẳng dám cứng rắn trái ý bà. Vậy là năm đó, lại thêm 1 năm nữa, vợ chồng cô không thể về ăn Tết bên ngoại.

Cái Tết thứ 5 từ khi Vy lấy chồng, vợ chồng cô đã tậu được 1 căn hộ xinh xinh, tuy vẫn còn nợ nần nhưng cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Cô và Nguyên thống nhất, năm nay không đi đâu ăn Tết cả mà ăn Tết ở nhà mình. Biết tin đó, mẹ chồng Vy ậm ừ không nói gì nhưng mấy hôm sau, trong lúc Vy đang hào hứng mua sắm đồ chuẩn bị cho cái Tết của riêng mình thì bà hớt hải gọi điện lên: "2 đứa nghỉ làm thì mang con về đây ăn Tết với bố mẹ cho có anh có em, cả nhà quây quần, 1 năm mới có 1 dịp thôi, mẹ không nói 2 lời đâu đấy. Tết là phải về với gia đình chứ ở đấy ăn Tết với ai?”. Vậy là năm đó, vợ chồng Vy lại bồng bế con về ăn Tết quê nội như những năm trước.

Sau 5 năm không về Tết nhà mình, nhiều lúc nghĩ mà Vy ứa nước mắt. Năm nay, từ ngoài 20 tháng Chạp, mẹ chồng lại như mọi năm, gọi điện lên điều 2 vợ chồng về quê ăn Tết, khiến Vy ngao ngán không thôi. “Chẳng lẽ cứ mãi như thế này ư? Bố mẹ thì ngày một già yếu, cả năm đã xa con xa cháu, chỉ còn ngày Tết là mong được sum vầy dù chỉ là 1 ngày...” – Vy nghĩ mà nước mắt rơm rớm tự lúc nào. 

26 Tết, mẹ chồng cô gọi điện lên hỏi:"Ngày mai 2 vợ chồng đi chuyến xe nào, mấy giờ về thế?". Vy im lặng vài giây rồi nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nói với mẹ chồng: “Xin lỗi mẹ, năm nay con phải về ăn Tết nhà con!”. Đầu dây bên kia lặng thinh, Vy nói vài câu nữa rồi chào tạm biệt mẹ chồng, cúp máy. Năm nay, cô được về ăn Tết với bố mẹ rồi!
Chia sẻ