Vui như ngày Tết

,
Chia sẻ

Thường cứ đến Tết các bà, các cô hay chép miệng bảo nhau: “Sao mà lắm việc thế, cứ nghĩ đến Tết là thấy mệt quá”. Nói thế thôi chứ Tết bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều.

Các bạn chỉ đi chợ hai tiếng là xong một cái Tết. Đồ khô thì cất lên tủ bếp, đồ tươi thì cho vào tủ lạnh. Thế là mấy ngày Tết tha hồ mà ung dung, tự tại. Mà lạ cái là người ta cứ than phiền Tết mệt thế nhưng cái được mà Tết mang lại thì cứ lờ tịt đi, coi như chuyện đương nhiên, chẳng phải bàn.

Người ta thường nói vui như Tết, điều đó không phải bàn cãi gì nữa. Nhưng có lẽ không ít người lại cho là Tết không thể vui bằng những ngày giáp Tết. Cuộc sống hiện đại thật bận rộn và hối hả, đặc biệt là ở những gia đình cả vợ và chồng cùng phải đi làm.

 

Tối đến nấu cơm, dọn dẹp xong các bà mẹ lại phải lao vào dạy học rồi chuẩn bị đồ ăn sáng sớm mai cho cả nhà. Cho nên có mấy ông chồng ngày nay nghĩ đến chuyện mua vé mời vợ xem phim, xem ca nhạc. Có lẽ cả nhà chỉ sum họp chớp nhoáng cuối tuần khi đưa các con đến thăm bên nội, bên ngoại.

Thế nhưng Tết đến lại khác đấy. Lúc này việc cơ quan cũng đã ngơi tay, đám bạn nhậu của những đức ông chồng bỗng dưng thưa thớt hẳn. Với lại lễ ông Công ông Táo trước đó các vị đã tranh thủ chén tạc giã từ năm cũ rồi. Xem ra mấy ngày giáp Tết cuối cùng các quý ông có vẻ thực sự toàn tâm toàn ý với gia đình.

Các bạn cứ để ý xem nhé. Chợ hoa ngày Tết thường là đi đôi. Vợ chồng khoác tay nhau đi ngó nghiêng miễn phí hết cây cam đường bạc triệu hay cành đào rừng khổng lồ giá ngót nghét chỉ vàng. Thế nhưng lúc về thường chỉ là cành đào hay cây quất xinh xinh thôi. Tuy chỉ là những thứ giá cả bình dân nhưng xem ra cả vợ cả chồng cùng hớn hở ra mặt vì họ cùng nhau ngắm nghía, chọn lựa mãi. Cứ thử đi mua một mình xem, nhiều khi lượn chợ chóng cả mặt thế nhưng người ở nhà chưa chắc đã ưng đâu.

Hiếm có đức ông chồng nào Tết đến thoát khỏi cảnh dọn dẹp nhà cửa. Thường thì các ông chọn những việc đáng mặt nam nhi như quét mạng nhện, kê lại giường tủ bàn ghế, đốt gốc cành đào, treo mắc đèn nhấp nháy... Các bà vợ thì lau dọn tất cả những chỗ nào bụi bặm lưu cữ, sau đó cắm hoa, trang hoàng nhà cửa. Tóm lại sau một ngày dọn dẹp cả vợ cả chồng đều mệt rũ ra nhưng ngồi ngắm nhìn nhà cửa sạch bong với những hoa trái rực rỡ thì tuy chẳng ai nói ra nhưng trong lòng rất chi là thỏa mãn.

Có những ông chồng quanh năm chỉ biết đến việc cơ quan thế nhưng đến ngày 30 Tết cũng chạy ra hỏi vợ: “Ơ! Thế chưa có mâm ngũ quả à?”. Vợ bảo mua rồi chưa kịp bày. Lúc sau lại chạy ra hỏi: “Thế đã dự trữ hoa quả và mứt tết mời khách chưa?”. Vợ cũng bảo mua rồi thế là yên tâm coi như chẳng còn gì phải lo nữa. Đành rằng sắm Tết là việc của người phụ nữ nhưng sự quan tâm của người đàn ông với công việc này cũng rất đáng quý. Điều đó chứng tỏ anh ta vẫn còn để tâm thực sự vào gia đình bé nhỏ của mình.

Tết cũng là dịp hai vợ chồng chở nhau đi biếu quà nội ngoại và những chỗ thân quen. Cả năm bận rộn việc, đến Tết hai vợ chồng mới có thời gian chở nhau đi chỗ nọ chỗ kia. Các bà vợ thường đùa với ông xã: “Đỡ khối tiền xe ôm ra đấy”. Nhiều khi đi vòng vo một hồi, hai vợ chồng đói bụng lại rủ nhau vào một hàng quà ngon lành mà ngày thường chắc chẳng bao giờ hai vợ chồng nghĩ đến chuyện kéo nhau vào đấy.

Bữa quà vặt ngoài kế hoạch bao giờ cũng tạo ra một cảm giác rất ngon miệng. Ăn xong chồng lại bảo chủ quán gói về cho mấy đứa nhỏ, coi như giúp vợ thoát được nấu cơm rửa bát một hôm. Thế đấy, Tết mệt nhưng rõ ràng là vui và đầy ý nghĩa.

Bữa cơm Tất niên cũng là một sự kiện trọng đại. Ngày thường vợ bận quá nhiều khi cứ điệp khúc thịt kho, thịt luộc, thịt quay hoài. Thế nên bữa cơm Tất niên hẳn cũng là một dịp để vợ lấy lại uy tín với chồng và các con. Nhiều bà vợ còn cố tình nấu những món “phản truyền thống” như xa lát Nga, chả mực Quảng Ninh, xúp bí đỏ, nem cuốn tôm rau sống... để cho cả nhà có cảm giác đang ăn một cái Tết thực sự hiện đại. Vì mồng một, mồng hai về nội, ngoại chắc chắn là thịt gà luộc, bánh chưng, dưa hành muối nên bữa Tất niên ăn khác đời một chút cũng đâu có sao.
 

Cơm tất niên xong là cả nhà quây quần xem TV đợi đến giao thừa. Có những gia đình lại quyết định xuất hành trước giờ giao thừa và trở về trước giờ giao thừa. Lý do cũng đơn giản thôi. Họ cho rằng trước giao thừa đường phố vắng vẻ. Đi dạo phố lúc đó rất thích vì không khí Tết đã ở vào giờ phút đỉnh điểm. Trước nhà nào cũng một mâm cúng xôi gà. Nhà nào cũng đèn cuốc cờ hoa rực rỡ khác hẳn với ngày thường. Trên đường chỉ có những đôi nam nữ thanh niên quần áo rất diện đèo nhau đi chơi.

Sau giao thừa thì khác hẳn. Mọi người đổ ra đường hái lộc và đi xông đất đầu năm cộng với mùi khói đốt vàng mã nghi ngút như cháy nhà khiến không ít vị phổi yếu ho sù sụ vì sự ngột ngạt, khó thở. Với lại nếu đi chơi quá giờ giao thừa thì mâm cúng ngoài trời ai thắp hương cho. Kể ra thì cắt cử bà xã ở nhà hương khói cũng được nhưng như thế thì gia đình cứ thiếu hụt thế nào ấy. Đi chơi là phải đi cả nhà nó mới vui.

Thế đấy, Tết thì mệt thật nhưng không có Tết thì cũng gay go đấy. Tết là dịp duy nhất cả nhà sum họp trong một thời gian tương đối dài. Có lẽ đây là dịp duy nhất cả nhà khoác những bộ áo thật đẹp cùng nhau rảo bước tung tăng trên đường phố và từng thành viên trong nhà đều thầm tự hào: “Nhà mình trông cũng oách đấy chứ. Có khi còn hoành tráng hơn ối nhà hàng xóm nữa kia”.

Theo Hạnh phúc gia đình

Chia sẻ