Vòng hoa quấn cổ có phải sinh mổ?

Hà Đông,
Chia sẻ

Khi biết con mình bị nhau quấn cổ, các bà mẹ thường lo ngại, yêu cầu sinh mổ cho an toàn.Nhưng trường hợp nhau quấn một vòng, không nguy hiểm đến em bé, bạn vẫn có thể sinh thường

Dây rốn là sợi dây kết nối duy nhất giữa mẹ và thai nhi. Đây là đường cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng để nuôi sống bào thai. Bình thường, một thai nhi đủ tháng có dây rốn dài khoảng 50 - 60cm.

Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề này. Một số lý giải sau sẽ phần nào giúp thai phụ bớt lo âu. 

Thắc mắc: Tôi nghe nói khi thai phụ chuyển dạ, thai nhi thường gặp nhiều vấn đề liên quan đến dây rốn. Đó là gì? 

Giải đáp: Thai nhi thường gặp ba trường hợp phổ biến: 

Dây rốn quấn cổ, dân gian còn gọi là tràng hoa quấn cổ. Đây là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hoặc nhiều vòng hơn do thai nhi thường xuyên cử động, xoay chuyển. Điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, thai phụ cần đến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ. 

Sa dây rốn là tình trạng khi nước ối vỡ, dây rốn có thể sa xuống dưới ngôi thai, gây chèn ép dây rốn.

Dây rốn bị chèn ép hoặc kéo căng trong quá trình chuyển dạ sẽ khiến nhịp tim của bé giảm dần do thiếu máu. Ngoài ra, còn một số trường hợp như dây rốn quấn quanh thân hoặc chi thai nhi, dây rốn thắt nút. 

Thắc mắc: Khi thai nhi được chẩn đoán dây rốn quấn cổ, bé có thể gặp những nguy cơ gì? Có cách nào để gỡ ra? 

Giải đáp: Khi dây rốn bị siết chặt nhiều vòng, quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, máu nuôi thai nhi sẽ không suôn sẻ. Vì thế, nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân, thiếu máu và đôi khi thai chết trong tử cung

Khi người mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài. Vì thế, nếu siêu âm xác định dây rốn quấn cổ, người mẹ cần đến bác sĩ theo dõi thai theo lịch hẹn định kỳ. 

Một số trường hợp thai nhi 18 - 25 tuần tuổi bị dây rốn quấn cổ rồi trở lại bình thường. Cũng có trường hợp thai nhi càng lớn, do cử động nhiều nên dây rốn quấn thêm vòng. Không có cách nào để gỡ dây rốn. Vì vậy, người mẹ cần theo dõi thật sát cử động của thai. Nếu thai quẫy đạp mạnh hoặc quá yếu, phải đến bệnh viện ngay. 

Thắc mắc: Tôi nghe nói nếu thai nhi gặp vấn đề về dây rốn thì phải sinh mổ? 

Giải đáp: Không phải trường hợp nào cũng phải sinh mổ. Phương pháp sinh mổ thường mang đến nhiều nguy cơ cho cả mẹ lẫn con. 

Nếu xác định thai nhi bình thường và khỏe mạnh, bác sĩ có thể chỉ định sinh thường. Và trong hầu hết các trường hợp, thai nhi sinh ra đều khỏe mạnh. 

Thắc mắc: Khi sinh, trẻ bị dây rốn quấn cổ có ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí não về sau? 

Giải đáp: Dây rốn quấn cổ thường không gây tổn thương cho trẻ vì bác sĩ sẽ luôn theo dõi và xử trí kịp thời. Nếu dây rốn quấn quá chặt, trẻ sẽ bị thiếu oxy. Do đó, trong quá trình nuôi nấng sau khi sinh, nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như: co giật, tay chân run... nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay.

 

Theo Hà Đông
Tiếp thị và gia đình
Chia sẻ