Với tình yêu khác biệt văn hóa chẳng là cái "đinh" gì

,
Chia sẻ

Trên nhiều ngả đường, người ta vẫn thấy các ông bố Tây bế con thủng thẳng cùng vợ ngắm phố. Nhiều người tự hỏi chẳng biết họ có gặp khó khăn gì khi văn hoá không đồng nhất?

 Con cái của họ sẽ “theo” ai? Nghe có vẻ ngây ngô và tọc mạch nhưng đó có khi cũng là những trăn trở của người trong cuộc

Ngày nay, các cặp vợ chồng Tây – Ta kết hợp đã trở nên phổ biến và bình thường trong nhận thức và phản ứng của nhiều người. Họ không phải là những cô gái sang trời Tây làm vợ hoặc những chàng trai ở rể xứ người, họ sống và làm việc ở Việt Nam như bao người Việt Nam khác.

Những cặp vợ chồng “nội – ngoại” này đang cố gắng tìm kiếm sự bình ổn và hạnh phúc trong sự thừa nhận của mọi người, họ đang nỗ lực khẳng định một thực tế là: sống ở Việt Nam chuyện lấy chồng Tây hay có vợ ngoại là điều rất đỗi bình thường chứ không phải… xưa nay hiếm hoặc xưa nay khó.

Trên nhiều ngả đường của thành phố, người ta vẫn thấy các ông bố Tây đẩy xe đưa con đi dạo mát hoặc bế con thủng thẳng cùng vợ ngắm phố ban đêm, nhiều người tự hỏi chẳng biết vợ chồng họ có gặp khó khăn gì khi văn hoá không đồng nhất? Con cái của họ sẽ “theo” truyền thống của ai đây? Nghe có vẻ ngây ngô và tọc mạch nhưng đó cũng là những suy tư, có khi là trăn trở của những người trong cuộc.

Có người cho rằng “đời” nhiều lúc bất công khi thiên hạ thường tỏ vẻ dễ dàng chấp nhận người đàn ông lấy vợ nước ngoài hơn là phụ nữ có chồng người lạ… nhưng khi diện kiến cảnh các bà vợ Việt “điều khiển” chồng Tây thì mới biết hoá ra chuyện làm rể của các chàng trai xứ khác đâu phải lúc nào cũng như thoải mái dạo chơi.

Nhiều chị em cho rằng mình có ưu thế sân nhà nên cố gắng phát huy tối đa tinh thần “làm chủ” để sẵn sàng vượt lên phía trước và nắm quyền chỉ huy tổng quát. Nhiều đức ông chồng lúc nào cũng được vợ phân công những nhiệm vụ hết sức thiêng liêng và đáng yêu như mang vác ba lô, bế con hoặc lau nhà, những việc có ý nghĩa thể hiện tinh thần bình đẳng nam nữ, một tiêu chí văn minh vốn được các ông xem trọng dù chỉ trong nhận thức, và thế là chàng rể cứ phải hết lòng “phục dịch” vợ con và thấy mình hạnh phúc.

Các cô gái Việt có vóc dáng nhỏ xinh sóng đôi bên người chồng hộ pháp tưởng chừng như bé con, như liễu yếu mong manh nhưng lại hết sức dữ dội mạnh mẽ trong công tác quản trị gia đình, mới hay phụ nữ nhà mình quả rất khéo chỉ huy và tung hoành ngang dọc.

Tuy nhiên không phải chồng ngoại nào cũng là người Tây, nói là chồng Tây cho có vẻ “hiên ngang” nhưng nhiều anh chàng châu Á đến Việt Nam ở rể cũng phải một phép o bế nhà vợ mặc dù bên phần đất sân nhà của họ, họ là người hùng tuyệt đối khi đối diện với vợ với con…

Và nói như một người trong cuộc rằng: đã ở Việt Nam thì phải như người Việt Nam, phải chăng đó là một nguyên tắc hay là một sự nỗ lực hay chỉ là lời “đe doạ” để thách cưới rồi thôi? Dù sao thì mấy chị em nhà mình vẫn luôn giữ được phong độ và… phây phây chạy tốt với chồng lạ của mình.

Vấn đề có vẻ… kín kẽ hơn đối với các ông chồng có vợ ngoại, có phải vì vóc dáng nhỏ con hay vì lý do nào khác mà các ông đã làm thiên hạ ít quan tâm đến các bà nội trợ nước ngoài đang sống trong những gia đình Việt Nam.

Một số người cho rằng, đa số những người đàn ông lấy “vợ ngoại” thường là những người tài ba hoặc là các đại gia sư phụ mới đủ sức thu hút mấy nàng nước ngoài quý phái! Quả là đàn ông Việt Nam thật điệu nghệ và có những phong cách độc chiêu trong các “phi vụ” chinh phục phụ nữ như từ bao lâu nay người ta vẫn thế, vấn đề là đối với người nước ngoài thì vẫn cứ là… chuyện nhỏ…

Khi được hỏi rằng, lúc giận dữ và cãi nhau kịch liệt, các đôi vợ chồng Tây – Ta sẽ diễn đạt và bộc lộ cảm xúc như thế nào khi cả hai có thể không làm chủ được mình và buông lời nặng nhẹ… nhiều người cho biết họ cảm thấy cứ thản nhiên tranh luận hoặc… cự nự theo ngôn ngữ và phong cách riêng của mình, và ai hiểu thì… ráng chịu!

Sự khác biệt văn hoá đôi khi là một rào cản nhưng có lúc lại là một yếu tố tích cực đóng vai trò… hoà giải trong những lần xung đột giữa hai vợ chồng. Sự khác biệt ngôn ngữ có khi lại trở thành một ưu thế để “khủng bố” đối tượng và yêu cầu họ chấp nhận… quy hàng vì ở nước mình đâu có như thế!

Nhưng khi tỏ lời yêu thương âu yếm, sự khác biệt văn hoá sẽ chẳng là “cái đinh” gì hết bởi hình như tất cả các ngôn ngữ yêu thương của mọi người đều giống nhau và khi nói ra thì ai cũng hiểu dù chỉ nói bằng ngôn ngữ không lời. Tình yêu giúp họ vượt qua tất cả, tình yêu giúp họ xoá bỏ mọi bất đồng để cùng thăng hoa và cùng hạnh phúc.

Vậy nên, khá nhiều người cho biết với chồng hay vợ là người nước ngoài, điều quan trọng vẫn cứ là phải thương yêu nhau và thật sự tôn trọng lẫn nhau thì điều gì cũng có thể vượt qua. Chuyện “đôi đũa lệch” muốn so sao cho bằng sẽ tuỳ thuộc vào những người trong cuộc, cho dù về kích thước, về hình thức có thể chênh vênh nhưng nếu quyết tâm, họ vẫn sẽ không bao giờ “lệch pha” trong tình cảm vợ chồng và trong việc mưu cầu hạnh phúc.

Lập gia đình với người nước ngoài, đó không phải là điều quá mới nhưng không hẳn là không có nhiều rủi ro nếu không thông hiểu thật sự người ta như thế nào, đó là lời tâm sự và cũng là sự chia sẻ những trải nghiệm của một người trong cuộc.

Lập nghiệp ở Việt Nam, sống ở Việt Nam, được luật pháp Việt Nam bảo vệ, những người nước ngoài có chồng có vợ người Việt hẳn yên tâm về một gia đình hạnh phúc nếu tình yêu đến với họ một cách chân tình và với một tinh thần thoải mái.

Người Việt Nam vốn rất nhân ái và vị tha, người Việt Nam vốn rất lạc quan và năng động, bất cứ khi nào và với ai, nếu sống và làm việc hết mình với tinh thần Việt, thì các gia đình hỗn hợp “ngoài – trong” sẽ được đón nhận và mong đợi họ và các thành viên sẽ ứng xử như gia đình toàn Việt.

 
 
Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy
SGTT
Chia sẻ