Vợ "trở mặt"

Băng Di,
Chia sẻ

Từ lúc kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng là lúc những người vợ này thay đổi 180 độ, quay ra "trở mặt", khinh miêt, quát tháo chồng.

Anh Bảo (Thái Bình) làm kiến trúc sư, thu nhập cố định 1 tháng là 9 triệu. Còn vợ anh là chị Hiền, làm ăn buôn bán áo quần trên mạng, thu nhập không ổn định mấy nhưng cũng đủ để phụ giúp cho chồng và quán xuyến được những việc nhỏ nhặt trong gia đình.

Nhưng 1 năm trở lại đây, ngày nào chị cũng rầu rĩ với anh về chuyện buôn bán không được thuận lợi cho lắm. Người ta làm ăn buôn to bán lớn kết nối với đầu mối sản xuất lớn mới lấy được hàng gốc, giá rẻ. Còn chị thì vướng bận chồng con ở nhà nên chỉ lấy lại mấy mối bỏ sỉ để bán kiếm lời lai rai. Anh buồn bả kể: “Từ đó, vợ mình ấm ức quá nên ban đầu đánh liều dành số vốn thật lớn để sang tận Thái Lan, Trung Quốc gom hàng về. Thấy hàng về chừng nào bán hết chừng đó nên từ đó, thấy tiền chảy vào như nước sông Đà nên tần suất vợ mình 'dạt nhà' đánh hàng cũng ngày càng tăng. Mình với cu con ở nhà cứ ăn mì tôm mãi. Nhiều lúc cái áo cũng không ủi kịp để mặc đi làm”,

Kinh nghiệm buôn bán của chị ngày một được nâng lên. Vì nhu cầu của khách hàng nên chị còn đầu tư tìm mua áo quần độc về bán giá cao. Càng ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến với chị. Vì vậy, thay vì trước đây chị chăm chút từng bữa ăn sáng cho chồng cho con, ủi phẳng băng từng cái áo của chồng thì giờ, chị lại làm qua loa cho có, còn lại chị dành thời gian để làm việc online. Chồng góp ý điểu gì, chị trừng mắt bảo: "Ngậm miệng lại!". Anh chia sẻ: “Lúc trước, chở con đi học là việc của vợ mình, bây giờ thì cô ấy chỉ ngồi ở nhà để giao dịch mà thôi, còn bao nhiêu việc ngoài đường cô ấy giao lại cho mình hết. Thậm chí, nhiều lúc 3, 4 ngày mình mới biết mùi cơm nó như thế nào. Đành rằng giúp vợ là lẽ đương nhiên, nhưng cái kiểu thái độ coi khinh chồng ra mặt của cô ấy khiến mình khó chịu”. 

Vợ
Từ ngày kiếm được nhiều tiền hơn chồng, chị Hiền như người "trở mặt", chị chẳng thèm quan tâm đến cảm giác của chồng trong nhà (Ảnh minh họa).

Từ ngày kiếm được nhiều tiền hơn chồng, chị Hiền bỗng như người khác hẳn, chị chẳng thèm quan tâm đến cảm giác của chồng, con. Có bữa, hàng về có nhầm 1 cái áo sơ mi nam màu hồng, rao mãi không ai mua nên chị quẳng cho anh rồi bảo: “Anh mặc đi, cái này để 1 tháng rồi không ai lấy hết”. Anh thương vợ lắm nhưng khổ nỗi đàn ông ai lại đi mặc áo màu hồng chóe nên anh cự nự: “Thôi, anh không thích màu này cho lắm. Để anh đi cho anh đồng nghiệp cùng phòng được không?”. Mới dừng câu ngang đó thì anh đã bị chị làm cho một tràng: “Đồng tiền kiếm được là mồ hôi nước mắt, anh quen xài đồ em mua, ăn đồ em nấu không mất tiền nên anh mới mạnh miệng đi cho người này người kia nhỉ”, anh não nề kể lại.

Anh bảo cũng đã góp ý với chị rất nhiều lần là kiếm được nhiều tiền thì rất tốt, nhưng chị cũng nên biết chăm lo cho gia đình, chị cũng gật gù hiểu chuyện lắm nhưng đâu lại vào đấy. Anh tâm sự bây giờ anh chỉ muốn cho vợ mình quay trở lại như lúc ban đầu, vừa phụ giúp được cho chồng, vừa lo toan chu đáo việc nhà thì tốt biết mấy.

Cũng lâm vào tình cảnh họa vô đơn chí như anh Bảo là anh Minh (Từ Liêm - Hà Nội). Anh Minh hành nghề phiên dịch tự do nên thu nhập cũng không mấy ổn định. Có tháng anh kiếm được hơn chục triệu, nhưng cũng có tháng anh kiếm không trên 3 triệu. Chị Thy vợ anh trước đây do bận bịu 2 con nhỏ nên chỉ ở nhà chăm con. Sau chị thấy với mức lương của chồng bấp bênh như vậy nên chị quyết tâm làm giàu để sau này lấy tiền nuôi con ăn học. 

Ông bà ngoại trước khi mất có để lại cho chị một mảnh đất 120 mét vuông. Chị bàn bạc với chồng là bán miếng đất trong hẻm đó đi, lấy tiền mua 1 mảnh đất ở khu tái định cư 80 mét vuông rồi chờ thị trường lên giá bán lại kiếm lời. Anh thì từ trước tới giờ vốn nhát gan, lại sợ bị thua lỗ nên anh bàn lùi thì bị chị quát cho một trận rồi chị tuyên bố thẳng: “Anh là đàn ông mà không quyết được thì để em, em tính toán vị trí hết rồi nên em không nghĩ chuyện làm ăn sẽ khó khăn. Anh cứ tập trung vào việc của anh”.

Vợ
Không biết với cái đà kiếm tiền như nước này, thì vợ anh còn coi thường chồng và gia đình chồng đến mức nào nữa (Ảnh minh họa).

Anh thật không ngờ từ lúc bán đất đến lúc mua đất và bán lại, mọi việc đều rất suôn sẻ, không gặp khó khăn ở khâu nào. Rồi từ tiền lời đó chị lại mua miếng khác rồi lại kiếm lời thêm. Không bao lâu sau, chị đã có hàng trăm triệu trong tay và cũng chính từ ấy chị "trở mặt", coi chồng chẳng ra gì. Anh thở dài: “Cứ mỗi cuối tuần họp mặt bạn bè đi café, thì bình thường bọn mình toàn chia nhau trả. Nhưng bây giờ vợ mình toàn giành để trả tiền như lấy làm tự hào lắm vì mình là người kiếm ra được nhiều tiền hơn chồng và hơn cả những chị vợ trong đám mình của mình, làm mình rất bẽ mặt”.

Anh còn kể thêm, ngày mới về làm dâu, mẹ anh nói 1 chị nghe 1, nói 2 chị nghe 2. Nhưng bây giờ chị cứ như bà tướng trong nhà, cả mẹ chồng cũng không coi ra gì. Lần ấy mẹ chồng chị đang bàn bạc với chị về việc bảo chồng chở chị đi mua sắm đồ Tết, chị buột miệng nói luôn với mẹ chồng: “Nó đi làm có được mấy đồng đâu, chiều con đi chợ con mua cho”. Bà nghe vậy tức quá nhưng bà chỉ nói lại nhẹ nhàng “Chồng con mà con dám gọi bằng nó à?”. Chị cũng không vừa, ngúng nguẩy đi nhanh lên phòng, bỏ lại mẹ chồng với ánh mắt bất lực.

Chị coi anh như con, chị bảo gì là anh phải nghe theo, nếu không chị sẽ nằm lì trên giường mãi, không chịu làm gì hết. Mỗi lần vợ chồng có việc gì cần bàn bạc, chị đều gạt phăng đi hết, giao chìa khóa két sắt lại cho anh rồi bảo: “Em đi ra ngoài nhiều việc lắm nên việc trong nhà anh cứ lo giùm em, tiền bạc đã có sẵn rồi có khó gì nữa đâu”. 

Anh cho hay dù việc lớn hay việc nhỏ gì, thì vợ chồng cũng nên có ý kiến đóng góp. Đằng này, nói đến đâu vợ anh lại gạt phăng đến đó làm anh buồn lắm nhưng cũng chẳng thể làm gì được. Nhiều lúc anh chỉ muốn ngoại tình để cho vợ sáng mắt ra nhưng lại không dám làm vậy vì anh sợ phá vỡ hạnh phúc gia đình. Không biết với cái đà kiếm tiền như nước này, thì vợ anh còn coi thường chồng và gia đình chồng đến mức nào nữa.
Chia sẻ