Vợ "tầm gửi"

Ánh Tuyết,
Chia sẻ

Chị buồn lắm! Bỗng dưng vì nghe lời anh và một phút nhẹ dạ, chị đã tự tước mất đi sự chủ động với cuộc sống của mình, tước đi tự do và làm chủ tài chính, để rồi trở thành phận “tầm gửi” đầy mệt mỏi và chán chường.

Hai vợ chồng chị lấy nhau được gần 12 năm, chồng chị làm trưởng phòng công ty thiết bị nội thất, còn chị làm cô nuôi dạy trẻ. Chị sinh cho anh 3 đứa con, hai trai, một gái. Từ ngày chồng chị lên chức phó giám đốc điều hành thì công việc của anh bận tối ngày, một mình chị với công việc và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi nghịch khiến chị mệt mỏi và hay than phiền. Nhân dịp đó anh tỉ tê bảo chị nghỉ hẳn ở nhà, đỡ phải đi làm cho mệt. Anh bảo chị ở nhà nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái và ông bà nội để chồng yên tâm đầu tư cho chuyên môn. Hơn nữa, nghe anh nói: “Lương của em một tháng bằng anh đi họp 1 tiếng mà lại đầy stress. Đi làm làm gì cho phí công sức”, chị thấy cũng có lý. Đúng là lương chị ba cọc ba đồng, ngày nghỉ lại phải đi học chính trị, tối về thì phải soạn thêm bài, làm việc với trẻ con vui thật đấy nhưng cũng hay mệt mỏi, căng thẳng vì lũ trẻ còn nhỏ quá, rất khó bảo. Nhất là hôm nào bị ốm, chị dễ phát điên lên với chúng. Với lại gia đình chị cũng không đến nỗi thiếu thốn nên chị nghĩ cứ phải chồng con trước hết đã, chị nghỉ không lương ở nhà. 

Từ ngày chị không đi làm, căn nhà có sức sống hẳn, nhà cửa sạch bóng, con cái được chăm chút tử tế nên đứa nào cũng hồng hào hơn, những bụi hoa trong vườn được cắt tỉa gọn gàng, mấy gốc cây cảnh lúc nào cũng tươi tốt. Sáng nào chị cũng dậy sớm đi chợ để cả nhà không phải ăn đồ ăn để trong tủ lạnh. Bố mẹ chồng được chăm chút từng ly từng tí. Anh thấy vậy ra chiều hài lòng lắm.

Vợ
Tất cả những ý kiến của chị anh không còn lắng nghe (Ảnh minh họa).

Nửa năm đầu qua đi bình yên như thế, nhưng rồi chị chợt thấy có gì đó bất ổn. Từ ngày chị ở nhà, những ý kiến của chị hiếm khi được chồng và bố mẹ chồng tôn trọng nữa. Chồng chị đều đặn đưa tiền cho vợ hàng tháng, nhưng giá cả leo thang, nhiều khoản phải tiêu, mỗi lần ngỏ ý muốn hỏi thêm tiền tiêu, anh lại nhăn mặt: “Em tiêu gì mà như phá vậy, không thương người đi làm à, tính em hay lo hết người nọ người kia, anh không phải là cái mỏ, cái gì cũng có giới hạn của nó thôi chứ!”. Nói rồi anh quẳng tiền ngay chỗ chị ngồi, cũng không đưa cho chị, lại càng chẳng nghe chị thanh minh câu nào. Bao nhiêu lần chị đã ghi đầy đủ tiền chi tiêu vào một quyển sổ để anh xem, nhưng anh không bao giờ xem vì bảo không mất thời gian vào cái thứ vớ vẩn đó. Tất cả những ý kiến của chị anh không còn lắng nghe. Mỗi khi có ai đó hỏi về vợ mình, anh đều xua tay: “Hỏi vợ mình làm gì, nó chỉ quẩn quanh cái bếp, đầu óc chả biết cái gì đâu”, chị nghe xong mà cảm thấy quặn lòng.

Bạn bè cũ gặp lại không còn nhận ra chị - cô giáo mầm non năng động, xinh tươi hồi nào nữa mà thay vào đó là dáng người béo tròn, đôi mắt buồn bã và phong cách lúc nào cũng tất tưởi, vội vàng. Họ cũng không còn thấy nụ cười và giọng hát pha trò đầy vui vẻ mà chỉ nhìn thấy ở một người phụ nữ suốt ngày chỉ biết đến bếp núc và con cái. Chị nén tiếng thở dài vì bạn bè đã lên chức này chức nọ, rồi sau giờ làm rủ nhau đi tụ tập mua sắm, ăn uống, còn chị, chỉ vội vàng gặp bạn được vài tiếng đồng hồ đã xin phép trở về nhà nấu cơm, chị sợ chồng về không có cơm ăn lại nhăn mặt...

Bố mẹ đẻ từ quê lên chơi nhìn ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ cứ xuýt xoa khen, mừng cho con gái tìm được một người chồng ấm thân. Nhưng có biết đâu mỗi lần bố mẹ đẻ về, chị lại nhận được cái nguýt dài từ mẹ chồng, rồi những câu nói mát: “Ở nhà nuôi đến một đống người chỉ biết ăn bám lại còn lũ lượt kéo nhau từ quê lên thế thì chỉ khổ cho thằng còng lưng đi làm thôi”. Chị đau khổ không biết thanh minh gì, bố mẹ lên chị mừng một thì lo mười, nhiều lúc chị chỉ muốn bố mẹ chị về thật nhanh cho các cụ đỡ bị bố mẹ chồng xét nét. Nhiều lần các cụ lên chơi, chị chẳng có tiền biếu xén hay mua đồng quà tấm bánh cho bố mẹ, may chăng chị chỉ đưa được vài trăm đủ tiền đi xe, vậy mà đến lúc về lần nào chị cũng nghe bố mẹ chồng mát mẻ: “Thế nào rồi chả lén lút giấu tiền cho mẹ, thảo nào mà lúc nào cũng kêu hết tiền”.

Chị buồn lắm! Bỗng dưng vì nghe lời anh và một phút nhẹ dạ, chị đã tự tước mất đi sự chủ động với cuộc sống của mình, tước đi tự do và làm chủ tài chính, để rồi trở thành phận “tầm gửi” đầy mệt mỏi và chán chường. Chị muốn làm lại từ đầu, chị mong trở về với công việc bận rộn của ngày xưa. Vất vả đấy, căng thẳng đấy nhưng còn hơn ở nhà mang tiếng ăn bám chồng trong khi đầu tắt mặt tối có ai hiểu cho. Dù thế nào, chị cũng nhất định phải giải thoát mình khỏi thân phận của người vợ "tầm gửi", chị đã hạ quyết tâm rồi. 

Chia sẻ