Vợ ngoan chồng dạy thành… hư

,
Chia sẻ

Giang dúi năm trăm ngàn đồng vào tay mẹ chồng nói bà cầm mua thêm gói bánh, hộp sữa tẩm bổ. Mấy người họ hàng đứng đó thấy vui thay cho mẹ Dũng, có được cô con dâu hiếu thảo.

Ai ngời, đang chuyển đồ lên xe, Dũng tiến lại nói với vợ: "Cô cho mẹ tôi thì phải cho tròn triệu chứ đừng đưa tiền lẻ như thế". Giang tái mặt….Trước khi lấy chồng, Giang đã được mẹ đẻ "huấn luyện làm vợ suốt" cả tháng trời, Giang nũng nịu: "Mẹ hay nhỉ, anh ấy chiều chuộng con lắm, không có nhiều yêu cầu đâu". Nghe thế mẹ Giang nổi giận: "Con đừng có lối suy nghĩ đó, không có thằng đàn ông nào mà không có yêu cầu với vợ cả. Con tưởng bố con đã không từng rất chiều chuộng mẹ chắc…" Nói đến đó, mẹ Giang bật khóc làm cô cuống cả lên. Giang biết mình đã chạm vào nỗi đau của mẹ.
 
Sự cứng đầu của bà là nguyên nhân bố mẹ chia tay. Hồi trước mẹ cô ương bướng lắm, luôn cho mình là "trung tâm vũ trụ" của bố. Lúc nào mẹ cũng "độc quyền" giữ bố bên mình, lại còn thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng", tìm mọi cách để chồng chỉ biết mình, không được quan tâm đến bố mẹ, họ hàng. Có lần, ở bên nội có giỗ lớn trong họ, mẹ tìm đủ cách để không phải về, dù bố đã hết lời năn nỉ. Cuối cùng bố cũng đồng ý mẹ không phải về, bố đi một mình. Thế mà mẹ vẫn chưa hết mè nheo. Trước ngày bố về quê, mẹ cố tình trượt chân cho bị bong gân, ép bố phải ở lại chăm sóc. Sau nhiều lần "biến chứng" như thế thì bố đưa đơn ly dị.
 
Mẹ cầm tay Giang: "Mình làm vợ, phải biết nhường nhịn, nhất là việc đối ngoại đối nội, không được để chồng phải chê lời nào thì gia đình mới hạnh phúc". Giang khắc ghi lời mẹ, cô quyết phải làm một người vợ hoàn hảo để Dũng không chê được điểm nào.
 
Dũng quả là có phước, khi yêu Giang õng à õng ẹo thế, nhưng khi thành vợ, cô lại không chê vào đâu được. Giang đến đâu cũng được mọi người khen ngợi vì sống biết người biết ta. Bên ngoại chỉ có mình mẹ, Giang không phải nhọc lòng, còn bên nội tuy bố mẹ chồng ở xa nhưng Giang vẫn không bao giờ lơ là trách nhiệm làm dâu của mình. Cứ tuần một lần, cô lại gọi điện về trò chuyện với bố mẹ Dũng. Tiếng thơm bố mẹ Dũng có cô con dâu thành phố sống biết điều trong làng ai ai cũng biết. Giang càng ngày càng nề nếp, cô luôn tự nói mình không bao giờ để chồng phải lên tiếng nhắc nhở hay lên mặt dạy đời. Vì hồi yêu, Giang biết tính Dũng, anh mà không vừa lòng với ai là anh nói ghê lắm. Nói như mình biết hết mọi thứ, còn thiên hạ chẳng biết một thứ gì. Tính cách của Dũng mà vớ được người vợ như Giang, trúng độc đắc cũng chẳng bằng.

Mọi việc thay đổi sau lần Dũng đến nhà người cũng tên Công… Công cũng nổi tiếng lấy được một cô vợ biết điều, còn hơn cả Giang vợ Dũng. Vậy mà, đến nhà Công chơi, Dũng còn phải ngồi chờ để Công huấn luyện vợ ở trong phòng nào chỉ được làm cái này, không được làm cái kia. Thấy Dũng tỏ ra ngạc nhiên, Công giảng giải: "Cậu tưởng vợ mình ngoan thế tự nhiên mà ra à? Sinh ra chồng là phải dạy vợ". Dũng buột miệng khoe vợ mình theo kiểu "ngoan lắm rồi không cần phải dạy" thì Công cười khà khà: Cậu nhầm rồi, có thứ nề nếp nào mà tự nhiên nó có không? Cậu mới lấy vợ ba năm, cô ấy còn "diễn kịch" yêu chồng, thương mẹ cha nhưng có diễn được cả đời không. Muốn bền mình phải uốn nắn từ bây giờ, chứ để sau này vợ lấn át rồi có muốn xoay chuyển tình thế cũng không kịp".

Dũng thấy Công nói rất đúng. Lâu nay mọi việc trong nhà Dũng hoàn toàn giao cho Giang quyết định. Giờ nghĩ lại, tự dưng Dũng thấy mình quá liều, đã trao toàn quyền cho vợ. Nhưng bảo dạy vợ, thì anh biết dạy cái gì? Giang đâu có điểm gì để chê. Anh đưa thắc mắc này nói với thằng bạn thì nó cười: "Trong nhiều việc mình cứ để vợ quyết định. Còn muốn có cớ dạy vợ phải làm trái ý vợ". Dũng khắc cố ghi tâm điều Công nói và lên kế hoạch phải đưa người vợ ngoan của mình vào khuôn khổ.

Cuối tuần hôm ấy đúng vào ngày dịp nghỉ lễ ngày Quốc Khánh, được nghỉ tới ba ngày. Thay vì vợ chồng đi nghỉ ngơi ở đâu đó, Giang nói về quê thăm bố mẹ chồng làm Dũng cũng như được mở cờ trong bụng. Anh vốn muốn về thăm bố mẹ, được vợ gợi ý như thế thì còn gì bằng.

Trước khi đi, Giang đã thống nhất với chồng là sẽ phải chỉ tiêu chừng mực, vì đang phải tiết kiệm để chuẩn bị sinh con. Dũng nghe thế cũng gật đầu, nhưng trong lòng bỗng thấy ấm ức. Thằng Công nói đúng, đóng kịch mãi rồi cũng đến lúc phải lộ mặt, anh mà lỏng lẻo sau này không kịp trở tay… Gọi là chi tiêu tiết kiệm, nhưng Giang vẫn mua đầy đủ quà cáp cho bố mẹ và anh em họ hoàng. Cứ mỗi lần Giang về thì cả họ như có hội, nhà Dũng lúc nào cũng tấp nập khách. Bề ngoài Dũng cũng cười xởi lởi nhưng bên trong anh cứ thấy thế nào ấy, bởi anh cứ có cảm giác Giang đang "diễn kịch"… "bây giờ cô ấy tỏ vẻ con dâu tốt như thế, nhưng ai biết được, sau này sẽ xảy ra chuyện gì", Dũng tự nhủ.

Chuyến về quê này, Giang đưa theo ba triệu, chi tiêu vặt cũng hết hai triệu. Giờ còn tám trăm ngàn, trừ hai trăm tiền xe cộ, nhẩm tính Giang thấy biếu bố mẹ năm trăm là hợp lý. Trước khi lên xe, Giang dúi năm trăm nghìn đồng vào tay mẹ chồng, nói nhỏ nhẹ: "Mẹ cầm chút tiền mua thêm hộp sữa, gói bánh để tẩm bổ. Bố mẹ đừng tằn tiện quá mà ảnh hưởng sức khỏe". Bố mẹ Dũng cảm động lắm, mấy người họ hàng ra tiễn vợ chồng Giang cũng vui thay cho họ, có được cô con dâu thành phố hiếu thảo.

Ai ngờ, đang chuyển đồ lên xe, Dũng tiến lại nói với vợ: Cô cho mẹ tôi thì phải cho tròn triệu chứ đừng đưa tiền lẻ như thế, Giang tái mặt… Lúc đó mẹ Dũng phải đỡ lời: "Bố mẹ có tiêu gì đâu, con câu nệ chuyện này làm gì". Thế mà vẫn chưa hết, Dũng mở ví, rút tờ năm trăm đưa cho mẹ trước sự ngỡ ngàng của họ hàng, còn Giang chết điếng người. Có người nhìn Giang ái ngại như thể cô là một người keo kiệt, tính toán.

Lên xe, Giang không nói lời nào với chồng. Cô tự nói với mình: "Được rồi, đã thế từ này tôi sẽ sống ích kỷ nhỏ nhen cho anh xem. Con không ngoan đã đành, giờ anh muốn người vợ tốt cũng chẳng còn".

Theo HPGĐ

Chia sẻ