Vợ chồng - Tiền - Và suy thoái kinh tế

Thanh Hoà,
Chia sẻ

Trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, tiền bạc ngày càng trở thành một vấn đề dễ gây nên các cuộc tranh cãi và mâu thuẫn trong gia đình.

 Nguyên nhân gây bất hoà

Đồng tiền có thể phá vỡ mọi mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp….và vợ chồng cũng không ngoại lệ.
 
Khác với những mối quan hệ khác, một khi hạnh phúc gia đình đã bị sức mạnh của đồng tiền, đã bị yếu tố vật chất chi phối và ảnh hưởng thì hậu quả thường rất khó lường.
 
Trong hôn nhân không thể tránh khỏi những lúc vợ chồng giận hờn, xích mích lẫn nhau. Tuy nhiên, theo nhiều gia đình, lý do từ chuyện tiền bạc sẽ khó giải quyết nhất. Trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, tiền bạc càng trở thành một vấn đề dễ gây nên các cuộc tranh cãi nếu không có sự đồng thuận từ hai phía.
 
Liên quan đến vấn đề tài chính trong gia đình, có thể thấy rằng những người có thu nhập nhỉnh hơn thường tự cho mình “quyền” được phép chi tiêu thoải mái, tự do hơn. Việc quyết định mua sắm những thứ gì, cân đối nguồn tài chính ra sao đôi khi cũng bị áp đặt và bị chi phối bởi ý kiến của người nắm giữ nguồn thu nhập chính.
 
Bên cạnh đó, mâu thuẫn về nhu cầu và sở thích giữa hai vợ chồng cũng là một trong những lý do dẫn đến sự căng thẳng không đáng có. Cũng chỉ vì bất đồng quan điểm nên vợ chồng anh Nam, chị Nhung giận dỗi nhau đã cả tuần nay. Anh Nam muốn thay một chiếc tivi màn hình phẳng để xem bóng đá thích hơn, cảm nhận không khí sân cỏ và cổ vũ cho các trận đấu được nhiệt tình hơn, nhưng ngược lại, chị Nhung vợ anh lại thấy việc đó không cần thiết bằng việc phải sắm một chiếc máy giặt khác vì chiếc cũ đã chập chờn, sử dụng “lúc được, lúc không”.
 
Vợ chồng nên cùng nhau bàn bạc để thống nhất chi tiêu trong gia đình.

Việc bất hoà về chuyện tiền bạc còn được thể hiện rõ hơn trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo lắng, phải chi tiêu mà bản thân hai vợ chồng đều không đủ sức chi trả. Hoá đơn tiền điện thoại, điện sinh hoạt, tiền internet, tiền nước, rồi tiền học phí cho con… tất cả dồn dập đến trong một lúc khiến nhiều cặp vợ chồng phải xoay sở chóng mặt. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là tâm trạng lo lắng, mệt mỏi, và “mặt nặng mày nhẹ” giữa hai vợ chồng.

Khéo léo trong cách chi tiêu và cả khi giải quyết mâu thuẫn

Là người phụ nữ trong gia đình, đa phần chị em thường lãnh lấy trách nhiệm “tay hòm chìa khoá”. Trời phú cho người phụ nữ bản tính đảm đang, biết lo toan và thu vén cho cuộc sống. Còn đấng mày râu, họ được coi là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần và vật chất nhưng bản thân họ lại khá vụng về, đặc biệt trong khoản chi tiêu và quản lý tiền nong.

Thông thường, người đàn ông thường thích mua những đồ vật lớn, có giá trị. Ngược lại, đối với phái đẹp, họ lại thường chi tiêu tiền bạc vào những đồ dùng vật dụng lẻ tẻ, mỹ phẩm đồ trang sức, hay thói quen sà vào các tiệm giảm giá khuân về cả đống đồ dùng nhưng sau đó có khi chẳng bao giờ dùng tới….

Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn giữa hai phái. Để dung hoà và tránh mâu thuẫn, mỗi người cần hiểu nhau hơn, nếu có ý kiến không hài lòng thì nên thẳng thắn trao đổi với nhau để cùng tìm cách giải quyết.

Trong hôn nhân, không nên quá coi trọng đến việc vợ hay chồng là người mạnh hơn về khoản đóng góp tài chính. Những đồng tiền kiếm được đều phục vụ vào mục đích chi tiêu trang trải cho cuộc sống gia đình nên các cặp vợ chồng hãy lập ra một ngân quỹ cho cả hai. Trước khi sử dụng nên có sự bàn bạc để  thống nhất và cả hai người đều cảm thấy mình được tôn trọng.

Thực tế các cuộc cãi vã về tiền bạc ngày càng có xu hướng gia tăng khi đấng mày râu muốn khẳng định vị thế của người chủ trong gia đình bằng cách đóng góp nhiều tiền bạc. Trong khi đó, đối với người phụ nữ, họ sẵn sàng rút lui trở thành một hậu phương vững chắc phía sau để người chồng có thể yên tâm thăng tiến và phấn đấu trong sự nghiệp.

 Thanh Hoà

 

Chia sẻ