Vợ chồng mỗi người một….vốn

TK,
Chia sẻ

Vì lý do nhất định, nhiều vợ chồng quyết định không nhập số tiền mà mình kiếm được thành một nguồn quỹ chung. Họ tự quy định các khoản đóng góp của mỗi bên để duy trì cuộc sống gia đình, còn lại thì “tiền ai người nấy giữ”.

Khi tiến tới hôn nhân, đa phần mọi người đều có nguyện vọng chung đắp xây dựng cho mình một tổ ấm. Điều đó đồng nghĩa với việc hai vợ chồng phải tôn trọng nhau, "cùng làm cùng ăn" và chia sẻ với nhau những khó khăn vất vả. Tuy nhiên, cũng có những đôi đang ứng xử theo chiều hướng ngược lại. Họ quy ước với nhau chia đôi tài sản hay "mỗi người một vốn" ngay cả khi đang chung sống trong một mái nhà.

Nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng vợ chồng anh Kiên chị Trang là một cặp hạnh phúc. Cả hai đều có học thức, tiền kiếm được rủng rỉnh, lại đầy đủ hai nhóc "một nếp một tẻ" nên chẳng còn gì sung sướng hơn. Nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Vốn đã không hài lòng về cách chi tiêu của nhau nên khi đứa con thứ hai lên ba tuổi cũng là lúc anh chị thống nhất: "chỉ đóng một phần số tiền lương của mình vào việc chi tiêu sinh hoạt, còn thì tiền ai người nấy cầm, muốn làm gì thì làm".

Tưởng vậy sẽ là phương án tốt nhất giải quyết mọi xích mích bấy lâu nhưng nào ngờ, "tiền chia đôi thì tình cũng tan". Hai vợ chồng lạnh nhạt dần tình cảm, sau đó chịu đựng sống với nhau chỉ vì trách nhiệm với các con. Nhiều lúc thằng cu lớn muốn xin tiền mua đôi giầy hay bộ quần áo cũng ngại vì khi đó hai anh chị đều đùn đẩy và nói kháy nhau "Ra xin bố(mẹ) mày ấy, dạo này tiền nhiều có tiêu gì cho hết đâu". Tâm sự với chuyên gia tâm lý, chị Trang đau khổ: "Nghĩ làm vậy thì vợ chồng sẽ thoải mái hơn với nhau, ai ngờ... Giờ cả hai đều có cảm giác xa lạ thế nào ấy".

 

Việc sòng phẳng trong tài sản kéo theo tình cảm cũng trở nên nguội lạnh bởi tâm lý người Á Đông không quen sự phân chia rạch ròi tồn tại ngay trong nhà mình. Khoảng cách vợ chồng cũng vì thế mà ngày càng bị kéo giãn vì họ không còn nhìn về một hướng nữa. Khi đó vợ chồng đều dễ rơi vào quan niệm: tài sản ai người nấy giữ và chỉ chăm chăm cho phần riêng của mình, không còn chung vai sát cánh - điều rất cần trong hôn nhân.

Anh Tuấn và chị Nga đến với nhau trong hoàn cảnh "Rổ rá cạp lại". Mỗi người đều có con muốn sinh thêm một đứa con chung, lại hiềm khích về con riêng của nhau nên Tuấn và Nga đều thấy không thoải mái. Họ để ý và lên án cách chi tiêu của nhau. Cuối cùng, hai người đi đến quyết định phân chia nhau: chồng lo tiền điện, điện thoại, sửa xe, tiền gạo nước; vợ lo tiền chợ, thuê người giúp việc, tiền gas. Còn những phụ phí như tiền học hay mua sách vở, quần áo…cho con thì "con ai người nấy lo".

Nhưng như vậy cũng chưa được yên ổn, hai người luôn nhắc nhở đối phương và con riêng của họ phải sử dụng điện nước, điện thoại hay gas một cách tiết kiệm hơn. Tuấn đun nước uống bằng bếp gas, Nga làm inh ỏi "Anh không đun bằng ấm điện mà đun bằng gas thì bao nhiêu tiền gas một tháng cho vừa". Bực tức và nghĩ vợ quá hẹp hòi, anh cũng quát lại vợ " Hai mẹ con cô ngồi buôn điện thoại vừa thôi chứ. Nói chuyện hàng giờ như vậy thì tôi lấy tiền đâu ra mà trả". Cứ vậy, những chì triết, đay nghiến khiến không khí gia đình chẳng được vui vẻ bao giờ.

Nói về việc chia nhau mỗi ng ười một vốn của nhiều cặp vợ chồng hiện nay, các chuyên gia tâm lý cho rằng có ba bất tiện lớn. Thứ nhất, theo phong tục, tài sản trong nhà là của chung, để vun đắp gia đình, cho con cháu đời sau nên việc chia chác có thể sẽ phá vỡ nếp nhà.

Thứ hai, trong xã hội hiện nay, người ta thường chỉ chia tài sản sau ly hôn, nếu vợ chồng chia khi đang chung sống, dễ bị mang tiếng là hôn nhân "có vấn đề".

Thứ ba, tình cảm vợ chồng thiêng liêng, mà tài sản chung là yếu tố cơ bản, từ đó mới nảy nở nhiều tình cảm tốt đẹp khác. Vì vậy, xét cho cùng, việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân mà không bị cắt về tình cảm là điều không dễ làm. Vậy nên vợ chồng nên trao đổi để cùng nhau giải quyết những khúc mắc xảy ra chứ không nên chia đôi tài sản hay vốn liếng như vậy.

T.K

Chia sẻ