Vệ sinh cơ thể sau khi sinh con

,
Chia sẻ

Sau khi sinh cơ thể rất yếu, việc vệ sinh là rất cần thiết, tuy nhiên phải vệ sinh thế nào cho đúng cách.

 
Sau khi sinh khoảng sáu tuần, cơ quan sinh dục của người phụ nữ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Tử cung bắt đầu co bóp để đẩy sản dịch (huyết hôi) ra ngoài. Sản dịch thực chất là màng rau, đồng thời cũng là những dịch và niêm mạc của cổ tử cung và âm đạo bong ra.

Giữ gìn vệ sinh vùng kín

Lúc này tử cung trở thành môi trường vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn trong đường sinh dục phụ nữ phát triển, có thể xâm nhập vào cơ thể người phụ nữ. Bên cạnh đó, cơ quan sinh dục nữ luôn luôn có vi khuẩn ẩn nấp.

Do đó, việc giữ vệ sinh vùng kín sau sinh là rất quan trọng. Vệ sinh ít nhất là 3 lần một ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, bạn nên vệ sinh nhiều lần hơn.

Các phương tiện vệ sinh cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Dung dịch vệ sinh sát khuẩn rất tốt cho phụ nữ, tuy nhiên, bạn cũng có thể chỉ cần dùng nước sạch là đủ. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô.

Nhiều phụ nữ hay dùng nước muối loãng để vệ sinh, tuy nhiên nó sẽ làm vùng sinh dục ngoài của bạn luôn bị ẩm ướt, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn phát triển.

Băng vệ sinh cần được thay thường xuyên (2 – 3 lần mỗi ngày). Những ngày đầu, nếu sản dịch ra nhiều, bạn có thể dùng băng to, các ngày sau bạn nên dùng băng thường. Hiện tại trên thị trường cũng đã có bán băng vệ sinh dành riêng cho sản phụ.

Quần áo lót của bạn cũng phải được thay giặt thường xuyên và phơi dưới nắng to. Bạn cũng có thể dùng bàn là điện là thật kỹ để diệt vi khuẩn.

Bạn cũng nên lưu ý là không thụt rửa âm đạo vì việc này có thể làm tổn thương, nhiễm trùng âm đạo, làm viêm nội mạc tử cung.

Đối với sản phụ sinh mổ hay có vết rạch tầng sinh môn: Bạn nên tăng cường chăm sóc vết mổ (rạch) để tránh nhiễm trùng. Sau khi sinh một ngày, bạn cần được vệ sinh bằng dung dịch vệ sinh sát trùng (loại có bọt) theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng cần rửa lại sau mỗi lần đại tiện và giữ khô “vùng kín”.

Sau khi tháo chỉ, bạn vẫn phải kiên trì rửa âm hộ ít nhất 2 lần/ ngày. Sau khi rút chỉ, mặt trong vết thương thường chưa được chắc chắn, bạn không nên có những hoạt động quá mạnh.

Hãy cố gắng đừng để mình bị táo bón bằng cách điều hòa chế độ ăn uống nhiều chất xơ và nhiều nước. Nếu đại tiện hơi khó khăn thì bạn nên ăn nhiều vừng (mè) để giúp nhuận tràng.

Vết thương sẽ liền lại sau từ 2 – 3 tuần.

Sau khi sinh khoảng 10 ngày, âm hộ có thể ra khí hư, kéo dài trong vài ngày. Đây là điều hoàn toàn bình thường.

Tắm gội

Trong quá trình đẻ, cơ thể bạn có thể ra rất nhiều mồ hôi, nên cần phải tắm gội cho sạch sẽ. Đặc biệt vào mùa hè trời nóng, mồ hôi ra nhiều, để lâu không tắm, cơ thể càng bẩn, càng dễ nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Tùy theo cơ thể mỗi người, bạn có thể tắm gội sau vài ngày sinh (khoảng 3, 4 ngày) nhưng không nên tắm bồn. Khi tắm, bạn nên lưu ý những điều sau:

Tắm nhanh: thời gian tắm chỉ nên từ 5 đến 10 phút.

Tắm dội: Bạn có thể dùng vòi hoa sen hoặc dùng gáo múc nước, dội từ trên xuống dưới. Bạn không nên tắm bồn hay tắm trong chậu.

Tắm ở nơi kín gió: Bạn phải tránh nơi gió lùa khi tắm, đề phòng cơ thể bị cảm lạnh.

Tắm nước ấm: Cho dù mùa đông hay mùa hè, bạn cũng nên dùng nước ấm để tắm, khi tắm xong phải lau khô người thật nhanh. Với các sản phụ đẻ mổ hay cắt tầng sinh môn, để tránh bị động vết thương, bạn nên dùng máy sấy để sấy khô vùng kín thay vì dùng khăn.

Gội đầu: không nên kiêng không gội đầu tới một tháng, nhưng bạn phải gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc.

Không tắm gội cùng lúc: Cơ thể bạn vẫn còn yếu, do đó không nên tắm gội cùng lúc. Bạn cũng đừng cúi lom khom, dễ gây chóng mặt và ngã quỵ.

Minh Châu
mevabe.net
Chia sẻ