Uẩn khúc ba người

Hải An,
Chia sẻ

Trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại một số gia đình lén lút “một ông hai bà” bởi những quan niệm nặng nề về chuyện con cái hay phải có con trai. Ba con người này đều có nỗi buồn chẳng thể nói nên lời.

Hạnh phúc vòng vo vì… “con”

Ở nhiều thành phố lớn các gia đình vẫn còn tồn tại tâm lí cần con trai để nối dõi tông đường. Ở làng Triều Khúc, phường Thanh Trì, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội, gia đình anh Hoàng chị Lan thường bị mọi người bàn tán sau lưng vì họ đã kết hôn khá lâu mà chưa có con cái. Thử mọi đường, tính mọi cách, chữa mọi nơi, kết cục cái bụng của chị Lan vẫn không hề “phồng” lên.

Trong cuộc sống chị Lan bị rèm pha khá nhiều vì chuyện chưa sinh nổi mụn con. Anh Hoàng cố gắng hạn hữu lắm mới bước vào các chốn hiếu hỷ giỗ chạp để lảng tránh “sự châm chọc của người đời”. Anh Hoàng yêu sâu nặng người vợ hiền lành của mình. Dẫu có lúc anh nỡ sao lòng trước người phụ nữ khác. Nhưng anh cố dùng “phép thắng lợi tinh thần” để không phản bội người vợ yêu dấu. Vợ anh biết được điều này càng thương càng yêu chồng hơn. Chính chị Lan cũng đang khát khao chồng có con trai để đỡ bị dòng họ coi thường. Chị sẽ chăm bẵm cho đứa trẻ như chính đứa con do chị đứt ruột đẻ ra.

Gia đình anh Hùng chị Diệp ở phường Minh Phương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ lại có hoàn cảnh khác. Anh chị đã có với nhau ba mặt con. Nhưng tất cả đều là “lúa tẻ”. Anh Hùng vốn là trưởng họ của họ Nguyễn đông đúc ở Việt Trì. Cái chức trưởng họ to tướng của anh Hùng lâu nay chỉ là hữu danh vô thực. Vì anh Hùng luôn bị “bề dưới” coi thường bởi không có “cậu đích tôn” nối dõi tông đường. Cuộc sống vợ chồng của anh ngày càng trở nên nhạt nhẽo. Nhưng vợ chồng bao năm “đồng cam cộng khổ” đâu dễ bỏ nhau.

Ba cô con gái của anh Hùng chị Diệp đều đã yên bề gia thất. Cuộc sống vật chất của gia đình ngày càng được khấm khá do hai cô con gái mấy năm trước có đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi tiền về phụ giúp gia đình. Thế nhưng gia đình chị vẫn cảm thấy “thiếu muối”. Chị Diệp nghĩ: “Đã sinh đến đứa thứ ba rồi mà vẫn là tẻ thì đó là lỗi của mình chứ không phải do chồng”.
 

Đành làm “bà Nguyệt”

Những người vợ trăn trở vì “con” đã trở thành “bà Nguyệt” se duyên cho chính người chồng của mình. Đó là giải pháp “đường cùng” cho những người nặng nợ với áp lực con cái, con trai?

Chị Lan đã chủ động kiếm “vợ bé” cho chồng để chứng tỏ “suy nghĩ rộng rãi” và được chồng khen “hiểu thấu lòng chàng”.

Gia đình chị Lan vốn có cơ sở kinh doanh ở Triều Khúc nên thuê khá nhiều công nhân làm việc. Ngày ngày chị để mắt tới chị Thắm làm thuê trông khá hiền lành và chăm chỉ nhưng nghèo, nhan sắc có hạn và quá lứa lỡ thì. Chị Lan lựa lời ngọt nhạt để “bén duyên” chồng mình với Thắm. Chị Thắm vốn là người đàn bà cô đơn, quá tuổi thanh xuân nhưng luôn khao khát có con để nương tựa tuổi già nên nhanh chóng gật đầu đồng ý.

“Đám cưới ngược đời” và lén lút diễn ra chỉ với vài mâm cỗ báo hỷ với họ hàng và xóm giềng cho đỡ tủi “vợ bé”. Bà “vợ bé” sinh liền hai cu cậu. Chị Lan nắm tài chính trong gia đình nên “tiếng nói” vẫn có trọng lượng. Chị Thắm vẫn ngày ngày ra sức hì hục làm việc hơn nữa để nuôi con. Vui nhất là anh Hoàng có con trai nối dõi. Vả lại, hai bà lại có vẻ sống biết điều và khá hòa thuận với nhau.

Còn chị Diệp đã cất công về quê tìm hiểu các cô gái hiền lành, khỏe khoắn, có tuổi mà chưa lấy chồng để kiếm… vợ cho chồng. Chị gặp được cô Nga “vừa nghèo vừa chậm chạp”. Cô Nga khăn gói lên Việt Trì làm “vợ hai” để kiếm lấy đứa con. Dưới mái nhà ấy có một ông hai bà. “Vợ hai” sinh cho anh Hùng hai cậu con trai. Giờ hai cậu bé đã đi học cấp một.
 

Kiếp lấy chồng chung

Đàn bà vốn có “máu ghen”. Nhưng lại có những người đàn bà đã làm “bà Nguyệt” cưới vợ cho chồng. Sao họ lại làm vậy? Có lẽ họ là người có lỗi trong việc không sinh được con hay sinh con một bề. Hay họ không đủ sức vượt qua ranh giới của phong tục cổ hủ trong xã hội cần có con trai nối dõi tông đường. Có lẽ nào đã mang kiếp đàn bà là phải “nết” hy sinh ngay chính hạnh phúc của mình.

Kiếp lấy chồng chung. Người “vợ cả” đợi mãi đời hoài đời đến héo hon mà chồng vẫn vui vầy bên vợ trẻ. Nỗi buồn này bản thân người sắp đặt phải tự gánh bởi chính mình là người vun cho cuộc hôn thú ngược đời, trái luật.

Người “vợ hai” nào có vui gì? Chị chỉ là “vợ hai, vợ bé, vợ nhỏ” mà thôi. Chị là cái “máy đẻ” để người ta dùng. Cuộc đời của chị đã nếm quá nhiều cô đơn. Giờ chị có con đành “ngậm đắng nuốt cay” để sống vì con.

Ông “chồng chung” cố gắng “biết ý” để không làm tổn thương đến “hai bà”. Nhưng đôi lúc, ông vẫn phải đau đầu trong vai “chủ hòa” giữa hai người đàn bà luôn cho mình là đúng.

Càng ngày con người càng có cái nhìn nhân văn hơn về hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc vợ chồng là sự yêu thương, cảm thông và chia sẻ lẫn nhau trên cơ sở của bình đẳng giới. Tuy nhiên với bên cạnh đó việc quan niệm và sự tồn tại của nhiều hủ tục đã khiến cho nhiều gia đình lén lút tính đến chuyện “chồng chung vợ chạ” không những sai trái về mặt luật pháp mà còn gây ra nhiều “nỗi buồn thầm kín”.

Chia sẻ