Tù mù dược phẩm xách tay

L.Thanh - N.Dung,
Chia sẻ

Các mặt hàng dược phẩm xách tay đang được chào bán khắp nơi và người sử dụng không tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc, chất lượng của thuốc.

 
Chị Hoàng Anh Hà Nội, một trong những “đầu mối” cung cấpdược phẩm xách tay và đồ dùng cho trẻ em trước khi sinh cậu quý tử vài tháng đã tích trữ sẵn rất nhiều thuốc bổ sung vitamin D của Pháp vì sợ con mình bị còi xương.

Dùng chẳng hết, chị lại rao lên mạng, thực hư tác dụng của thuốc ra sao, nhưng chỉ cần nghe nói con họ uống thuốc này ăn ngon, ngủ khỏe, sức đề kháng tốt là ào ào nhảy vào đặt mua. Vậy là chị Hoàng Anh lại mở thêm hẳn một “gian hàng” online mới thu hút khách như tôm tươi trên mạng.

“Hàng hiếm” nhưng dễ mua

Chị Oanh (ở Đội Cấn, Hà Nội) sau khi tham dự một hội chợ nhỏ của các thành viên trong diễn đàn của các bậc cha mẹ đã mua về một tuýp Vitamin Roche (Nga) vì nghe các bà mẹ trên diễn đàn hết lời ca ngợi loại thuốc này giúp tăng cường sức đề kháng cho con. Tuy nhiên, nhìn những dòng chữ tiếng Nga trên vỏ hộp như thách đố, người bán hàng lại chẳng đưa ra hướng dẫn cụ thể gì nên chị Oanh chỉ biết cho con uống theo suy đoán bởi chị cho rằng uống thuốc bổ “không bổ dọc cũng bổ ngang” nên chẳng sợ.

Làm sao để kiếm định dược phẩm xách tay là hàng chất lượng?  

Một trong những mặt hàng được các bà mẹ “săn” nhiều nhất là Sterogyl bổ sung vitamin D của Pháp. Chị Dương (ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết con chị sinh thiếu tháng, nghe mấy chị bạn mách thuốc này giúp bé chống còi xương chị đã nhờ mua bằng được 1 lọ thuốc Sterogyl cho con uống. Nhưng vài tháng sau đó cho con đi khám ở Viện Dinh dưỡng, bác sĩ vẫn kết luận cháu bị còi xương. Không chỉ riêng chị Dương mà loại thuốc này ngày càng được phổ biến rộng rãi ở các bà mẹ có con nhỏ.

Chất lượng phập phù, không ai kiểm soát

Sử dụng hàng xách tay bên cạnh những ưu điểm nổi trội so với hàng nội địa, người tiêu dùng nhiều khi phải chấp nhận những rủi ro bởi nguồn hàng phập phù, chất lượng không ai kiểm soát, bảo hành. Tuy nhiên, với những dược phẩm xách tay, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và đặc biệt là những cơ thể nhạy cảm như trẻ em nếu cứ dùng bừa bãi, thì có ngày sẽ rước họa vào thân.

TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết những thuốc như vitamin hay nhóm thuốc bổ sung canxi được bán khá rộng rãi vì đây là những loại thuốc được phép bán mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, vitamin không phải là thuốc bổ muốn uống bao nhiêu thì uống và dùng bao lâu thì dùng. Nhất là đối với trẻ con, việc bổ sung vitamin hay canxi chỉ khi đứa trẻ bị thiếu chất đó, nếu dùng bừa bãi không theo chỉ định sẽ gây ra những tác dụng ngược, thậm chí là các phản ứng nguy hiểm do tùy tiện uống thuốc bổ. Bởi thuốc luôn là "con dao hai lưỡi", thậm chí những loại thuốc an toàn nhất cũng có thể gây tác động không mong muốn.

 
L.Thanh - N.Dung
SKĐS
Chia sẻ