Trông con

,
Chia sẻ

"Hôm chị ngỏ ý, mẹ chồng thẽ thọt: “Khi đầy ba tháng, mẹ con thằng cu về ngoại một tháng, sau nhờ bà ngoại xuống trông nom đỡ, chứ bà chịu, nhà còn bao việc”...

Ngày chị sắp sinh, ai hỏi về kế hoạch trông con khi quay lại với công việc, chị luôn hồ hởi: “Hai bà còn khỏe, lại đều “con đầu cháu sớm”, thể nào chẳng xung phong”.

Chị biết điều nên tính trước, sẽ chỉ nhờ bà ôm cháu thôi, việc nhà chị sẽ nhúc nhắc làm, chứ đâu dám đẩy hết cho mẹ. Nghe chị báo trước, hai bà chỉ im lặng. Chị yên tâm là các bà đồng ý, gì chứ tình thương con quý cháu bà nào chẳng đầy ắp. Vậy mà mọi việc không được như chị nghĩ.

Hôm chị ngỏ lại ý đó, mẹ chồng thẽ thọt: “Khi đầy ba tháng, mẹ con thằng cu về ngoại một tháng, sau nhờ bà ngoại xuống trông nom đỡ, chứ bà chịu, nhà còn bao việc”.

Chị tủi thân, rơm rớm nước mắt về nhờ mẹ đẻ. Mẹ chị giãy nảy: “Ở gần đây mẹ trông cho bao lâu cũng được, còn xa xôi, nhà cửa thế này đi đâu. Mẹ chỉ hỗ trợ cho phần nào thôi, trông chờ vào mẹ sao được?”.

Hôm chị về để chuẩn bị đi làm, bà nội tỉ tê với bà ngoại: “Thôi thì, để con cháu mình đỡ vất, bà xuống giúp nó vài tháng, rồi tôi với bà thay ca, chứ việc nhà từ gặt hái đến cấy cày, ruộng vườn tôi chẳng thể bỏ không”. Rồi bà nựng cháu: “Cũng muốn ở với thằng cu của bà lắm, nhưng vì việc học hành của các cô chú, bà phải đi làm. Cu ở đấy, ngày nông nhàn bà đến thăm!”.

Bà ngoại tiếp lời: “Em còn phải đi chợ, nợ làm nhà vẫn còn nhiều, có nhờ vả được ai đâu. Các cháu cũng phải tự nỗ lực thôi”.

Chị có nhờ tìm người giúp việc từ quê nhưng không được, rồi lại lo như bà giúp việc cho đứa bạn chị, lương khá cao vậy mà làm được ba tuần thì nghỉ vì nhà thiếu tiện nghi, nóng lạnh, máy giặt không có, vất quá! Chị nghe mà muốn khóc. Nhà chị cũng hoàn cảnh thế, liệu có ai chịu ở không, mà nghĩ cảnh phải nghỉ việc trông con, chị thấy tương lai mù mịt.

Buồn bã, lo đứng lo ngồi, chị bàn với chồng đành tự thân vận động và cố thu xếp mọi việc. Nhà ai dư dả tiền thì thuê người giúp việc, còn lương khiêm tốn như anh chị sẽ đem gửi con, việc nhà thì chia nhau. Được cái chồng chị cần cù, xác định tinh thần, không trông cậy được bà nào nên biết thân biết phận tự nguyện, xăng xái giúp vợ và bảo ban nhau cố gắng.

Hàng sáng chị mang con cùng sữa và bột quấy sẵn đến nhà trông trẻ tư, có uy tín, cách nhà một cây số rồi đi làm luôn. Chiều tan sở, anh đón con, chị đi chợ. Thay phiên nhau người trông con kẻ làm việc nhà. Mọi việc cứ thế thì sẽ đơn giản, song những khi con quấy khóc, mọc răng hay ốm đau… họ phờ phạc, mệt mỏi, căng thẳng vì mất ngủ, lo lắng đâm quay ra cãi cọ, chỉ trích nhau. Sau hiểu ra nên chỉ im lặng vì biết trách móc cũng chẳng để làm gì. Mãi rồi cũng quen, họ đã vượt qua được vài lần con ốm, thấy tình cảm gia đình gắn bó thêm.

Tự mình nuôi nấng sẽ không bị bất đồng trong việc nuôi dạy con với ông bà. Chị dần thấy mình mạnh mẽ và có nghị lực hơn, tự chủ trong việc chăm con không có thói “ngõi” vào người khác. Như đứa bạn chị được bà ngoại chăm, tí lại gọi: “Bà ơi cháu nó ị! Bà ơi hết tã khô rồi! Bà ơi, pha sữa…”. Bà than thở: “Nó ở đây có vui, nhưng cũng đến khổ, vì làm cả nhà tất bật theo”. Chị cười thầm, chị mà ở gần, chị cũng thế, mà ai cũng vậy thôi, có cơ hội nhờ vả, dại gì không.

Giờ bé nhà chị đã đi nhà trẻ, có kinh nghiệm nên bận rộn tạm lắng dần, chị thở phào và rút ra suy nghĩ “Tự túc là hạnh phúc”. Anh chị cố một tí nhưng nhiều người được tự do. Cả ông lẫn bà đều thoải mái, không bị bó buộc, các bà thương con cháu nhưng họ còn nhiều việc phải lo toan, ông bà già còn chăm chỉ vậy huống chi mình trẻ mà không chịu khó, ai thương. Chị cười: “Chẳng có gì là không thể, cố gắng ta sẽ làm được!”.

Theo Thiều San Ly
Dân trí
Chia sẻ