"Tôi hay mẹ anh?"

,
Chia sẻ

Những tưởng quan hệ của nàng dâu và mẹ chồng thời nay có khác bởi các cô con dâu và các bà mẹ chồng với tư tưởng mới nên cách nghĩ thoáng hơn. Tuy nhiên...

Trên thực tế mối quan hệ tranh chấp giữa hai người đàn bà về một người đàn ông luôn phức tạp và căng thẳng.
Đặc biệt, tư tưởng: Mẹ chồng là trên, ý của mẹ là nhất nhất phải nghe theo, thêm vào đó với tình hình hiện nay, các nàng dâu thời @ chẳng mấy ai còn quá phụ thuộc vào chồng và gia đình chồng nên họ cũng có những quan điểm tự do độc lập. Chính vì vậy có thể nói, quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu bây giờ còn phức tạp và căng thẳng hơn trước nhiều.

Khéo và vụng 

Vừa ra trường, Minh đã được ở lại giảng dạy tại trường đại học có tiếng tại Hà Nội, lại được phân một căn họ tập thể ngay gần trung tâm. Sau đám cưới với An, mọi người ai cũng khen mẹ chồng cô có phúc vì có một cô con dâu ngoan hiền và khéo léo và giỏi giang.

Dù hai vợ chồng cùng làm việc tại Hà Nội, nhưng cuối tuần nào Minh cũng giục An về quê thăm bố mẹ với lý lẽ: “Bố mẹ có mỗi anh là con trai, mình phải thế cho phải phép”. Mọi việc trong gia đình từ lớn đến nhỏ Minh đều xin ý kiến của mẹ chồng, mặc dù cô thừa biết làm thế nào thì tốt hơn. Ngay cả khi mang bầu nặng nề số lần về quê thăm hỏi bố mẹ và họ hàng cũng không hề giảm. An thì ngày càng yêu và chiều vợ hơn vì cô còn có hiếu với bố mẹ hơn cả anh.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, Thủy có đầy đủ điều kiện để học hỏi, nhưng cô lại không biết tận dụng những ưu thế đó của mình. Cô quen có người chăm sóc, quen được quan tâm và không phải làm gì nên từ khi bước chân về nhà chồng cái gì cô cũng cảm thấy lóng ngóng vụng về. Từ nấu cơm, rửa bát, đi chợ cái gì cũng chẳng xong. Việc gì cô cũng phải hỏi mẹ chồng từ: Mẹ ơi canh này nấu thế nào? Cái này để ở đâu? Mua cái này như thế nào, ở đâu? Đặc biệt sau khi sinh xong, toàn bộ công việc gia đình, con cái cô đổ hết cả trách nhiệm lên đầu mẹ chồng và người giúp việc. Hàng ngày cô chỉ… ngó con một lúc buổi tối, còn đêm cũng để nó ngủ với bà nội nốt.


Thực bụng

Khác hẳn với Minh và Thủy, Hà vốn bản tính khá dân giã, từ nhỏ đã luôn có ý thức tự lập nên cô có cá tính khá mạnh.

Sau đám cưới, Hà luôn chứng tỏ được mình là một người vợ, người chị đảm đang hết mực chăm sóc chồng và em chồng. Mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ đều một tay cô quán xuyến để dành thời gian cho chồng và cậu em chồng công tác và học hành. Sau khi sinh con, cô cũng quyết định hi sinh sự nghiệp và công việc với vị trí rất tốt của mình để ở nhà chăm sóc con một thời gian cho em bé đủ cứng cáp mới bắt đầu công việc trở lại. Tuy nhiên, những cố gắng của cô lại thường không được mẹ chồng bằng lòng.

Mẹ chồng cô vốn là một người cũng được chiều chuộng nên khi có thêm con dâu bà cũng vẫn luôn muốn mọi việc trong nhà phải nhất nhất theo ý của bà. Hà cũng đã cố gắng chiều mẹ, nhưng bản thân cô hay nói thẳng, nói thật nên hay làm bà phật ý. Cô chăm sóc chồng và em chồng tốt thì mẹ chồng đổ lỗi cho cô là cho hai anh em ăn uống đầy đủ quá nên… béo. Cô sắp xếp lại, tiết kiệm để mua sắm đồ đạc trong gia đình cho ba anh em và thằng cu có đủ tiện nghi sinh hoạt thì bị mẹ chồng cho là phung phí, cái gì cũng thích… to, đẹp.

Hồi mới sinh cô không để bà nội vào ngủ chung vì không muốn bà phải vất vả đêm hôm thì bị bà bảo là ích kỷ, không cho bà ngủ với cháu. Nhất là trong cách nuôi dạy con thì cô và mẹ chồng hoàn toàn trái ngược. Trước cô cũng cố chiều bà nhưng từ ngày có con, cô luôn làm theo những gì trái tim người mẹ cho là đúng, vì cô không muốn đem con ra là thí nghiệm. Em bé ốm, Hà học hỏi từ sách vở, từ lời khuyên của bác sĩ chứ không làm theo những kinh nghiệm của mẹ như: em bé sốt thì đắp chanh tươi vào thóp để giảm sốt, nấu cháo làm gì cho cách rách mà cứ cho cơm, thịt và rau vào cối xay nhuyễn đun lại tí là ăn tốt…

Chính vì quan điểm bất đồng nên nhiều khi cô luôn phải nghe lời chồng xin lỗi mẹ với những lần bà giận dỗi vì cô không nghe lời bà. Trên thực tế, cô và chồng lại rất yêu thương nhau vì anh hiểu bản chất cô là luôn nói thẳng, nói thật.

Và hệ lụy

Với Thủy, từ sau khi sinh con, cô như được thoát kiếp nạn với công việc gia đình, cô đương nhiên thuê người giúp việc về và đi làm tới muộn để ít phải gặp mẹ. Cuối tuần hai vợ chồng lại đi chơi đâu đó hoặc đi ăn nhà hàng để thay đổi không khí, bỏ mặc cho bà nội suốt ngày đánh vật với thằng cháu. Bà nhiều khi than trách con dâu vụng với con trai thì anh gạt đi: “Mẹ cứ để ý quá, việc nhà thì có người giúp việc rồi, cháu thì lúc nào mẹ cũng ao ước có để được chăm sóc, giờ đủ cả rồi mẹ còn kêu gì nữa… Không để cháu cho bà chăm thì bà lại bảo ích kỷ”

Trái với Hà và Thủy, vợ chồng Minh lại không được may mắn như vậy. Có lẽ tất cả cũng bởi chữ khéo. Vì khéo, Minh đã luôn tạo cho mình một vỏ bọc là một cô con dâu ngoan hiền, cô cố gắng chịu đựng tất cả những đòi hỏi của mẹ chồng với lý tưởng trở thành một cô con dâu “có giáo dục” trong mắt mẹ chồng. Những uất ức, những bực tức với mẹ chồng cô đều nuốt vào lòng để chiều ý bà. Không chia sẻ cho chồng, không than phiền với chồng, không phàn nàn về nhà chồng. Hệ quả, chồng cô đã luôn cho rằng mẹ luôn đúng và tệ hơn là anh chàng không thể hiểu và lường trước được những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa hai người phụ nữ có chung một người đàn ông.
 
Minh cho rằng chồng cô quá vô tâm, thờ ơ, và… thiếu trí thông minh cần thiết để hiểu vợ… Sau đó Minh bế thẳng con về căn nhà tập thể cô được phân và tuyên bố: Tôi hay mẹ anh.

Quả thật, hầu hết các cô gái khi bước chân về nhà chồng thì đều mong muốn trở thành một người con ngoan hiền. Tuy nhiên, cuộc sống nhiều khi lại không được như mong muốn. Nhất là khi những va chạm, tổn thương về mặt tâm hồn, tình cảm lại không được chia sẻ, cảm thông thì đổ vỡ cũng là điều dễ hiểu.

Theo Sức Trẻ Việt Nam

Chia sẻ