Thuốc trị đau nửa đầu

Khúc Thị Nhẹn,
Chia sẻ

Tại sao bạn bị đau nửa đầu và cách điều trị, khắc phục ra sao?

Đau nửa đầu (Migraine) là một thể đặc biệt của nhức đầu, thường bắt đầu bởi cơn đau ở một bên đầu hoặc khu trú ở gần một mắt. Triệu chứng biểu hiện bằng đau nhói hoặc những tiếng đập trong hộp sọ. Đau đầu Migraine có thể ảnh hưởng đến thị giác và gây ra buồn nôn, nôn.

Những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới cơn đau

Những yếu tố không có nguồn gốc thức ăn: sang chấn tâm lý, đói hoặc bỏ bữa, thay đổi thói quen ngủ, thay đổi áp suất, ánh sáng lập lòe, tiếng động mạnh, vận động thể lực quá mức hoặc không đủ, nước hoa hoặc khói thuốc lá hoặc mùi bất thường, một số thuốc tránh thai đường uống hoặc liệu pháp hormon thay thế.

Những yếu tố có nguồn gốc thức ăn: đối với một số trường hợp (15-20%), thức ăn đóng vai trò quan trọng trong khởi phát cơn đau: rượu, đặc biệt là rượu vang và bia; chocolate; sữa chua; thức ăn lên men hoặc tẩm ướp; cafein hoặc thiếu cafein; mì chính.

Điều trị

Điều trị cắt cơn đau

Với đa số bệnh nhân đau đầu Migraine, thuốc kháng viêm giảm đau không thuộc nhóm corticoid là loại thuốc có tác dụng giảm đau mạnh, được sử dụng để cắt cơn đau. Ngoài aspirin, những thuốc có tác dụng giảm đau mạnh thường được sử dụng là: ibuprofen, naproxen. Nên uống ngay khi bắt đầu xuất hiện cơn đau. Chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày - tá tràng, dị ứng với thuốc.

Khi cơn đau không còn tác dụng với các loại thuốc nói trên, cần điều trị thử bằng ergotamin tartrat (viên1mg), uống 2mg ngay khi cơn đau xuất hiện và có thể nhắc lại sau 30 phút nếu vẫn còn cơn đau, không vượt quá 4mg/ngày và 10mg/tuần. Tác dụng phụ: nôn, buồn nôn, co động mạch, máy cơ. Chống chỉ định trong trường hợp suy vành, hội chứng Raynaud, tăng huyết áp nặng, suy gan, có thai, trẻ em đưới 10 tuổi, phối hợp với thuốc macrolide hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Điều trị dự phòng

Mục đích của điều trị dự phòng là làm giảm số lượng và thời gian cũng như cường độ cơn đau, cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân có cơn đau nặng. Bệnh nhân đau nửa đầu cần được điều trị dự phòng cơn trong những trường hợp sau:

- Có ít nhất hai cơn trong một tháng;

- Trong trường hợp không sử dụng được các thuốc cắt cơn hoặc không hiệu quả;

- Phải sử dụng thuốc điều trị cắt cơn quá hai lần trong một tuần;

Để điều trị dự phòng, nên dùng một loại thuốc, dùng với liều tăng dần cho tới khi tác dụng. Đợt điều trị kéo dài 3-6 tháng. Những thuốc có thể dùng trong điều trị dự phòng là:

- Beta bloquants (ropranolol viên nén 40mg). Tác dụng phụ: hạ huyết áp, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, ác mộng, ít ngủ. Chống chỉ định: rối loạn dẫn truyền, nhịp tim chậm dưới 50 lần/phút, suy tim, hội chứng Raynaud, hen phế quản, phối hợp với thuốc chống trầm cảm ba vòng.

- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptyline viên nén 25mg). Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, lú lẫn, khô miệng, run, táo bón, bí đái, tăng cân. Chống chỉ định: glocom góc đóng, u tuyến tiền liệt, loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, động kinh, có thai.

- Dihydro ergotamine viên nén 3mg, uống ngay trước bữa ăn. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, chuột rút, tiêu chảy. Chống chỉ định phối hợp với macrolide, bệnh mạch vành.

- Thuốc chẹn kênh calci: flunarizine viên nang 5mg. Tác dụng phụ: buồn ngủ, mệt, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, tăng cân. Chống chỉ định trong trường hợp dị ứng với thuốc, trầm cảm, bệnh Parkinson.

- Bổ sung vitamin B2 (riboflavine); magnesium.

- Ngoài ra còn nhiều thuốc khác có hiệu quả trong điều trị dự phòng nhưng ít được sử dụng vì tác dụng phụ của nó.

-Liệu pháp thư giãn (massage); châm cứu đôi khi có tác dụng tốt trong dự phòng cơn.

- Ăn kiêng những thức ăn gây khởi phát cơn đau, tránh căng thẳng mất ngủ...

Một số bệnh: luput, tăng huyết áp, Raynaud, những bệnh về tuyến giáp... có thể làm tăng lên về cường độ cũng như về tần số cơn đau đầu Migraine. Trong những trường hợp này cần điều trị bệnh nguyên phù hợp thì những cơn đau đầu sẽ hết.

Một số lời khuyên

Khi xuất hiện cơn đau bệnh nhân nên:

- Nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh;

- Đắp miếng gạc lạnh vùng trán;

- Xoa bóp da đầu, ép vùng thái dương.

Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa trong những trường hợp sau:

- Cơn đau không giống mọi khi, đau càng ngày càng tăng;

- Đau tăng lên khi hắt hơi, ho, giao hợp, tập thể dục...

- Cơn đau phối hợp với các triệu chứng khác như: ngất, mất nhìn, khó đi hoặc khó nói...

Theo BS. Khúc Thị Nhẹn
Sức khỏe và đời sống
Chia sẻ