Thụ tinh trong ống nghiệm giá 5 triệu đồng

,
Chia sẻ

Để giảm giá làm TTTON, các nhà chuyên môn đang hướng tới việc chọn lựa một số loại thuốc rẻ tiền hơn, phác đồ đơn giản hơn mà không hề thay đổi quy trình kỹ thuật.

Một chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với giá 200 euro đang được thí điểm tại châu Phi. Đề tài được báo cáo tại hội nghị thường niên của ESHRE (hiệp hội Sinh sản người và phôi học châu Âu) vào đầu tháng 7 ở Barcelona (Tây Ban Nha). Một số bác sĩ Việt Nam tham dự và có người đặt vấn đề: tại sao không thể thực hiện cho người Việt?

‘Đối tượng mà ESHRE nhắm đến là người nghèo, tính từ khi đứa trẻ ra đời đầu tiên bằng IVF (Louise Brown) đến nay đã tròn 30 năm (ngày 25.7.1978 tại Anh). Từ đó hơn 3 triệu trẻ khác cũng thừa hưởng thành tựu khoa học này, nhưng đa số là người dân những nước công nghiệp. Ở những nước nghèo nhất thế giới, IVF cũng có mặt, nhưng chỉ ở những bệnh viện sang trọng của các thành phố lớn.

Ở nước ta, IVF có mặt 10 năm nay, mang lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, với chi phí thực hiện trung bình 20 – 25 triệu đồng/ca (chưa kể viện phí), con số này quả thật quá lớn so với thu nhập của một người lao động bình thường. Một bác sĩ bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết đã gặp nhiều cặp vợ chồng đến khám vô sinh ngậm ngùi ra về sau khi được báo giá điều trị. Tại bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, tình hình cũng tương tự.

 
 Louise Brown người đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp TTTON

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong năm qua số cặp vợ chồng điều trị bằng IVF khoảng 2.000 ca, cao hơn mọi năm 500 ca. Thực tế cho thấy tỷ lệ vô sinh ở nước ta gần đây đang gia tăng, chiếm 15% các cặp vợ chồng, trong khi trước đây là 10%. Các nhà chuyên môn giải thích điều này do gia tăng xu hướng lập gia đình trễ ở nữ giới (càng lớn tuổi, buồng trứng càng suy yếu làm giảm khả năng thụ thai) và người trẻ lạm dụng việc nạo phá thai, gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục, dẫn đến tắc buồng trứng và vô sinh.

Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, giám đốc bệnh viện Từ Dũ, chi phí IVF giảm còn 200 euro/ca quả là một thách thức cho người điều trị vì ở nhiều nước phương tây, chi phí làm IVF là 5.000 euro. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, trưởng khoa hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, để giảm giá làm IVF, các nhà chuyên môn đang hướng tới việc chọn lựa một số loại thuốc rẻ tiền hơn, phác đồ đơn giản hơn mà không hề thay đổi quy trình kỹ thuật. Cùng một số đồng nghiệp, bác sĩ Sương ước tính chi phí cho một ca IVF giá rẻ là 5 triệu đồng (bằng 1/5 – 1/4 giá hiện nay). Đó là tiền thuốc, viện phí không thay đổi, vì trang thiết bị đều rất đắt tiền.

Trước đây không tính đến điều này cho người nghèo vì theo bác sĩ Sương: “Lúc đó các nhà chuyên môn còn e ngại trước hiệu quả của những loại thuốc tương đối rẻ tiền. Cách đây 4 – 5 năm, thậm chí người ta còn định khai tử chúng. Hiện nay, niềm tin vào chúng đã gia tăng, chưa kể có chứng cứ y học cho thấy nguyên nhân vô sinh không còn nghiêng hẳn về yếu tố nhiễm trùng, mà người ta bắt đầu lưu ý đến vấn đề tâm sinh lý như stress trong công việc, căng thẳng trong đời sống vợ chồng”. Nhưng bác sĩ Sương lưu ý, không phải trường hợp nào cũng áp dụng “phác đồ IVF giá rẻ” vì có những trường hợp nguyên nhân quá nặng, phải áp dụng cách điều trị bài bản.

Khoa hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương đang bắt tay thực hiện dự án IVF cho người nghèo. Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng cho đối tượng này, theo một số nhà chuyên môn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và bảo hiểm y tế. Ở châu Phi hay các nước khác, chính phủ miễn viện phí, thậm chí bảo hiểm y tế còn chi trả hoàn toàn hay một phần cho người nghèo làm IVF.

Theo Phan Sơn
SGTT

 
Chia sẻ