Thoát khỏi cú sốc

Theo Thế giới phụ nữ,
Chia sẻ

"Chẳng hiểu có phải vì đã mất hết niềm tin về đàn ông không nhưng từ ngày ly hôn, mẹ con tôi chỉ giao lưu chủ-khách đến mua lan, còn những chuyện tình cảm khác giới, tôi từ chối hết. Tôi vẫn chưa thể thả lòng mình sau cú sốc của quá khứ".

23 tuổi, Lường Thị Lan ở huyện Yên Lạc, tỉnh Hòa Bình, lên xe hoa về nhà chồng. Vậy mà chỉ 2 năm sau, khi vừa kịp sinh cậu con trai bé bỏng, ốm đau quặt quẹo thì chồng chị đã đưa đơn ra tòa để ly hôn. Vị cán bộ tòa nhìn chị ái ngại, nhẹ nhàng vỗ về chị hãy bình tĩnh và khuyên anh nên suy nghĩ lại, vì đứa con trai của 2 vợ chồng mới 1 tuổi, nó bị bệnh tim bẩm sinh càng cần có bố mẹ ở bên cạnh, chị cần có anh giúp chị chăm nuôi con khôn lớn. Sau một hồi im lặng, anh đồng ý xin lỗi vợ trước tòa, xin chị tha thứ lỗi lầm cho anh, để về cùng chị nuôi con và nối lại thương yêu.

Lan cười buồn: “Tôi là giáo viên cấp 2, tôi hiểu cuộc hôn nhân của mình đang bên bờ vực mong manh nên ra sức vun đắp tình cảm vợ chồng”. Cứ ngỡ, khi anh hứa trước tòa, sẽ quay về cùng vợ chăm nuôi đứa con bé bỏng, yếu ớt và chị cũng đã tha thứ tất cả những lỗi lầm mà bấy lâu nay anh vẫn lén lút chung chạ với người đàn bà khác thì anh sẽ ăn năn lắm. Nhưng chỉ vài tuần đầu anh ở nhà cùng 2 mẹ con, rồi những bữa cơm tối với vợ con lại thưa dần. Lòng chị buồn rầu, vừa lo bệnh tình của con mỗi ngày một nặng, chờ ngày phẫu thuật, lại lo mái ấm chênh vênh bên bờ vực, mà dường như chị không đủ sức để giữ.  
 
Tròn 3 tháng sau, chị lại nhận được giấy gọi của tòa án lần thứ hai. Dẫu biết sợi dây tình cảm vợ chồng đã mong manh lắm nhưng chị không dám nghĩ anh sẽ bỏ mẹ con chị lúc này, khi mà con vẫn bệnh nặng, khoản nợ nần chữa chạy cho con ngày càng tăng, lãi mẹ đẻ lãi con và nhất là, chị vẫn yêu anh. Khi nghe cán bộ tòa hỏi, giọng anh lạnh lùng, rõ rành từng tiếng như lưỡi dao cứa từng nhát rất ngọt vào trái tim chị: “Chúng tôi đã cố gắng ở bên nhau thêm thời gian nhưng lòng tôi đã nguội lạnh, không còn chút tình cảm nào dành cho cô ấy nữa, vì vậy, không cần tòa hòa giải, xin tòa cho chúng tôi được ly hôn”. Anh ta ngừng lại giây lát: “Xin cô và con tha lỗi cho tôi. Cô đừng cố níu kéo tôi nữa, không thay đổi được gì đâu”.  
 
Khán phòng của tòa chỉ có vợ chồng chị, vị thẩm phán và thư ký tòa nhưng sức nóng nơi này bỗng tăng đột ngột như muốn nghẹt thở, phải cố gắng lắm, chị nghẹn ngào nói với cán bộ tòa: “Tôi đồng ý thuận tình ly hôn, không cần thêm thời gian thử thách nữa”.  
 
Ký xong, chị chạy ào ra cổng tòa, con đường nhạt nhòa trước mặt, chếnh choáng, lảo đảo, chị phải mấy lần vịn vào hàng rào, gốc cây ven đường cho khỏi ngã. Chị khẽ thở dài: “Điều tôi sợ nhất lúc ấy là chứng kiến anh ta lạnh lùng tuyên bố bỏ vợ con trước tòa mà không một chút suy chuyển sắc mặt, không chút bối rối, đắn đo. Cảm giác ghê sợ người đàn ông vô cảm ấy đến rùng mình, khiến tôi gần như muốn phát điên, khóc không thành tiếng”.  
Thoát khỏi cú sốc
"Lúc ấy cả nhà ngoại tôi bị sốc nặng, bố mẹ, cô dì, chú bác kéo đến nhà tôi khóc như đưa đám, khiến tâm lý tôi càng hoảng loạn" (Ảnh minh họa).

***
 
Lan là người dân tộc Mường, với truyền thống thuần khiết từ xưa, nam nữ đã gắn bó vợ chồng thì dẫu có vật đổi sao dời, họ vẫn chung sống bên nhau. Ở phố huyện nhỏ này, nhà nào có chuyện gì chả mấy đã lan ra khắp xóm, người xì xầm, kẻ bàn tán. Chẳng biết lý do vì đâu nhưng cái mà người Mường kị nhất là chuyện phụ nữ bị chồng bỏ, đã xuất giá là không còn đường về nhà đẻ. “Lúc ấy cả nhà ngoại tôi bị sốc nặng, bố mẹ, cô dì, chú bác kéo đến nhà tôi khóc như đưa đám, khiến tâm lý tôi càng hoảng loạn. Nếu không vì con trai bé bỏng đang bệnh nặng, tôi lúc đó đã tìm mớ lá ngón cho xong đời rồi”, Lan đưa mắt buồn ra phía mấy giò lan rừng ngoài sân, nhớ lại.  
 
***
 
Lúc con trai đến kỳ đi viện, tiền phẫu thuật cần nhiều hơn, nợ cũ chưa trả hết, giờ bố mẹ, cô dì họ hàng góp cũng không đủ. Bệnh viện thông báo, nếu không nộp đủ 40 triệu đồng thì không thể phẫu thuật được cho con, chị chạy vạy vay mượn khắp xóm. Nhưng ai cũng e ngại chị giờ là phụ nữ đơn thân, nuôi con bệnh tật, đồng lương giáo viên còm thì biết ngày nào trả nợ? Chị như bị dồn đến bước đường cùng, đành liều mình đi vay lãi cao, bằng mọi giá để cứu con. “Phải đến cả năm trời, tôi cứ ngủ là mơ đến tiền, đến những khoản nợ lớn không biết lấy đâu mà trả, đến những kẻ đầu gấu săm trổ đầy mình đến nhà đập phá đòi nợ... Tôi sợ hãi đến mức không ăn, không ngủ được nhiều tháng, người suy kiệt, sút đến hàng chục cân. Có lúc tôi nghĩ mình sắp điên mất, hoặc sắp chết rồi cũng nên”, Lan cho biết.  
 
May mắn, thằng bé bình phục dần sau đợt phẫu thuật. Nằm ôm con, chị nghe tiếng mẹ thút thít khóc ở phòng bên cạnh mà se sắt lòng. Nhà có 2 chị em gái, chị là cả mà sớm để mẹ phải đau lòng nhiều đến thế. Chị phải thoát ra khỏi vòng xoáy này! Sẵn có tình yêu với cây hoa rừng, chị tìm hiểu sách báo về trồng cấy lan rừng, rồi mua lan về trồng thử. Những cây lan, những giò phong lan được bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của chị cũng sớm trả công. Những giò lan được bán tại cổng nhà ngày càng đông khách gần, xa tới mua. Số tiền thu được để trả nợ dần càng giúp chị say với công việc hơn. Chỉ 5 năm sau, chị đã cơ bản trả hết nợ.  
 
Đứng bên cổng mái ấm xinh xinh, với những giò lan treo lủng lẳng trên đầu, chị thú thật: “Chẳng hiểu có phải vì đã mất hết niềm tin về đàn ông không nhưng từ ngày ly hôn, mẹ con tôi chỉ giao lưu chủ-khách đến mua lan, còn những chuyện tình cảm khác giới, tôi từ chối hết. Tôi vẫn chưa thể thả lòng mình sau cú sốc của quá khứ”.
Chia sẻ