Tết ư? Sợ lắm!

,
Chia sẻ

Trong khi các con hào hứng vì sắp đến Tết thì chị Hảo lại thấy sợ, nghĩ đến khối công việc khổng lồ sắp ập xuống đầu mình. Chị thở dài: “Lại sắp sụt mấy cân rồi”.

Đối với Hảo (30 tuổi, sống ở Thanh Trì, Hà Nội), Tết là một đợt hành xác không hơn không kém, chỉ sướng đám trẻ con. “Tiếng là nghỉ Tết, nhưng nào có được nghỉ, thậm chí còn lao lực gấp mấy lần ngày thường. Năm nào tôi cũng ước, giá một tuần được nghỉ ấy không phải là Tết thì sướng biết mấy”.
 
Tết ư? Sợ lắm.
 
Hảo là dâu trưởng, nhà chồng có bốn anh em trai nhưng đến giờ phút này chị vẫn là nàng dâu duy nhất. Thường hết 28 Tết chị mới được nghỉ, trong khi nhiệm vụ với nhà chồng không thể trốn được. Thế nên những ngày giáp Tết, chị vừa làm việc vừa tranh thủ mua sắm đồ Tết, chờ đến cuối tuần chở về quê cho mẹ chồng. “Thực ra mình có thể gửi đồ theo xe quen, gửi cả tiền đóng góp cho các cụ, nhưng các cụ vẫn thích mình tự mang về”, Hảo kể.
 
Kể từ hôm được nghỉ Tết, Hảo ngập trong công việc: dọn dẹp sửa sang nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, mua sắm, nấu nướng. Giao thừa xong, kiệt sức nhưng vẫn phải đi lễ đền với mẹ chồng, về ngủ hai tiếng đồng hồ lại dậy làm cơm cúng, rồi rửa bát, dọn cỗ mời khách, rửa bát, làm cơm cúng… Nhà lúc nào cũng đông nườm nượp hết họ hàng đến bạn chồng, bạn các em nên điệp khúc ấy kéo dài cả cái Tết, trong khi hai đứa con nhỏ biếng ăn, hay ốm vẫn cần được chăm nom. Thế nên Hảo lúc nào cũng chỉ mong chóng đến ngày đi làm trở lại.
 

Đối với chị Mai (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), chương trình Tết còn nặng hơn, vì hai vợ chồng ở hai quê khác nhau và đều xa lắc xa lơ: chồng Điện Biên, vợ Hà Tĩnh. Năm nào chị cũng phải xin nghỉ thêm mới đủ thời gian về cả hai nơi, nhưng khi hết Tết thì đều tả tơi vì mệt. “Quê xa quá, vợ chồng đều bận nên rất ít về, vì thế Tết kiểu gì cũng phải về. Quê chồng không bỏ được, mà quê mình cũng không muốn thôi vì sợ bố mẹ buồn, bản thân mình cũng tủi thân. Thế là khổ”, Mai nói.

Thế là một nửa thời gian nghỉ Tết của gia đình chị trôi qua trên tàu xe. Ba mẹ con đều say xe, nôn thốc nôn tháo, về đến nơi thì mặt xanh nanh vàng. Trong vài ngày ở quê, dù mệt lử, vợ chồng con cái vẫn phải đến chơi, ăn cơm với khắp lượt chú bác. “Mang tiếng thành đạt, cả năm mới về một lần, không trốn được, mà nhận lời nhà này từ chối nhà kia là chết ngay”, Mai bày tỏ. Năm nào khi quay lại Hà Nội, mẹ con Mai cũng bị sụt cân, nhiều khi hai đứa trẻ còn ốm mãi mới khỏi. Năm nay, hành trình Tết còn gian truân hơn, vì con đầu lòng đã đến tuổi đi học nên Mai không dám xin nghỉ thêm.

Đàn ông cũng oải

Sức dài vai rộng, lại không phải lo lắng chuyện bếp núc, phục vụ nhưng nhiều quý ông khi nói đến Tết cũng thấy ngại. Anh Tuấn Hải, 37 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, tâm sự: “Cơ quan tôi phần nhiều là phụ nữ, mấy anh đàn ông thì toàn ở quê xa. Tôi vừa là nam nhi vừa ở Hà Nội nên toàn phải nhận trực thay cho họ. Tết mà cứ vắng mặt nhiều thì vợ con thiệt thòi, nhưng không giúp đồng nghiệp thì cũng khó nghĩ, thế nên tôi cứ chạy như con thoi, lúc nào về nhà thì cố hết sức để phụng sự gia đình”. Mùng bốn Tết, những người khác trong cơ quan lên, Hải chỉ muốn lăn ra ngủ, nhưng vẫn phải gồng mình lên để chở vợ con đi chơi nhà nọ nhà kia, hay tham gia các cuộc gặp mặt đầu xuân.

Còn anh Phương, 29 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội, lại mệt vì… ăn chơi. “Trước Tết mấy ngày tôi đã dặt dẹo vì các bữa tiệc tất niên rồi. Cứ ngồi vào là dô, dô, say chết bỏ”, Phương than thở. Ngày Tết thì khỏi nói, Hải lăn từ chiếu rượu này đến chiếu rượu khác, chưa tỉnh sau khi uống với anh em trong họ đã lại phải cụng ly với lũ bạn cấp hai, cấp ba. Từ Phú Thọ, anh phóng xe máy lên trung tâm Hà Nội nhậu với đồng nghiệp rồi lại về nhà chén tạc chén thù với ông bạn hàng xóm. Hôm sau, anh lại đi Bắc Ninh ăn uống ở nhà một ông bạn trong hội câu cá, vì mấy hội viên khác lái ô tô đưa rước tận nơi, không chối được.
 
“Tôi than mệt thì ai cũng mắng, bảo chả phải làm gì, chỉ việc đàn đúm thôi mà cũng kêu. Nhưng tôi không nhậu cũng không được, anh em trách chết. Vả lại, quanh năm có bao giờ được chơi bời xả láng thế đâu”, Phương nói.
 

Cần biết tự cân bằng

Theo bác sĩ Phạm Mạnh Thân, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, chuyện kiệt sức, phát ốm sau những ngày nghỉ, đặc biệt là dịp Tết, rất dễ xảy ra. Có người kiệt sức vì quá nhiều công việc, nhưng cũng có người vì không biết cách bố trí sinh hoạt hợp lý, như ăn nhậu, đi chơi quá nhiều, ngủ ít, giờ giấc đảo lộn.

Để giữ sức khỏe trong dịp Tết, với những người có nhiều nghĩa vụ như chị Hảo, chị Mai, anh Hải kể trên, các chuyên gia khuyên nên tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà sắp xếp lại chương trình Tết cho phù hợp, không nên quá ôm đồm hay cầu toàn. Các bà nội trợ nên biết cách chia sẻ công việc với các thành viên khác trong gia đình, yêu cầu họ giúp đỡ thay vì làm hết mọi việc. Ngay với mâm cỗ ngày Tết cũng nên cân nhắc món nào nên làm, món nào thôi, tránh tình trạng bù đầu nấu nướng, rửa bát trong khi không mấy ai đụng đũa.

Tuy nhiên, cũng có những công việc không thể không làm, chẳng hạn như về quê chồng, quê vợ. Trong trường hợp này, bạn chỉ có cách giữ cho cả nhà có thể trạng tốt bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học cả một thời gian dài trước và trong Tết. Nên tận dụng tối đa những cơ hội có được để ăn ngủ đúng giờ, chế độ ăn khoa học. Sức người có hạn, thế nên điều quan trọng là nếu thấy mình sắp kiệt sức thì nên chọn ưu tiên những việc quan trọng nhất, chấp nhận bỏ bớt những việc khác để cái Tết không còn là nỗi ám ảnh nữa.
 
TheoĐất Việt
Chia sẻ