Tết "dở khóc dở cười" của những nàng dâu vụng

Minh Anh,
Chia sẻ

Trằn trọc mãi, Phương nghĩ ra diệu kế. Cô bắt con gà, buộc 2 chân, 2 cánh của nó lên dây phơi, cố định cái đầu, rồi phăng 1 nhát.

“Hu hu! Mẹ ơi! Con không muốn sát sinh đâu!”

Tết đầu tiên về nhà chồng, Trang (Phú Thọ) đã tu tu lăn ra khóc như vậy khi mẹ chồng bảo nàng đi giết gà. Mẹ chồng thì nghĩ nàng đang giả vờ giả vịt: "Rõ ràng hôm trước còn thấy nó gặm phao câu rau ráu, thế mà hôm nay còn sợ sát sinh. Không giết thì có gà vào mắt để mà ăn".

Thế là bà "nhe nanh", trợn mắt, bắt con dâu đi làm gà. Mẹ chồng giữ con gà, bảo Trang cắt tiết. Nàng lấm la lấm lét cứa mãi cái cổ, máu rỉ ra nhưng con gà vẫn sống nhăn răng, giãy đành đạch.

Mẹ chồng điên quá, bảo Trang mạnh tay lên. Trang nhắm mắt nhắm mũi, chơi 1 nhát thật sâu. Lần này con gà chết thật, nhưng cái đầu nó lìa khỏi cổ, rơi bụp xuống chân Trang. Trang cũng khóc ầm ĩ, ngất xỉu ngay trước mặt mẹ chồng.

Một giai thoại cười ra nước mắt nữa cũng liên quan đến gà. Đó là câu chuyện của Phương (Hải Phòng).

Phương lấy chồng cả chục năm và đã có 2 mặt con rồi nhưng vẫn là 1 nàng dâu vụng không đỡ nổi. Lý do là vì mẹ chồng cô quá tốt, thương con dâu hơn con đẻ, làm tất cả mọi việc nhà thay cho cô. Mà năm kia, bà mẹ chồng “tuyệt vời ông mặt trời” này đã đi theo tổ tiên. Thế là cô dâu vụng phải thay bà làm đủ thứ việc trong nhà.

Tết năm ngoái, 1 người ở quê chồng lên chơi biếu hai con gà. Chẳng còn mẹ chồng để ỷ lại, Phương đành “tự túc là hạnh phúc”. Trằn trọc mãi, Phương nghĩ ra diệu kế. 

Cô bắt con gà, buộc 2 chân, 2 cánh của nó lên dây phơi, cố định cái đầu, rồi phăng 1 nhát. Chẳng ngờ chưa kịp phăng, thì con gà giãy được ra vì Phương buộc dây không chặt. Nó lao thẳng vào mặt Phương, còn khuyến mại thêm cho cô 1 bãi thải. 

Tết
Ảnh minh họa.

Thê thảm nhất phải nhắc tới Khánh Huyền (Hà Nội). Khánh thì tiểu thư chính gốc, cả đời chỉ biết cắm cơm và hâm thức ăn mẹ nấu bằng lò vi sóng.

Xót xa cô vợ vụng, chồng Huyền tìm muôn ngàn kế giúp nàng tránh phải về quê chồng ăn Tết. Cho đến 1 cái Tết, khi mẹ gọi lên khóc hết nước mắt, mời con trai, con dâu về ăn Tết với gia đình, anh mới buộc phải dẫn vợ về quê.

Biết con dâu cành vàng lá ngọc, mẹ chồng cũng chẳng dám cho làm gì. Ngày hôm ấy, đang nấu nướng dở thì có việc phải chạy ù ra ngoài, mẹ chồng dặn Huyền trông nồi nước xương, thấy nó sôi thì nhỏ lửa xuống hộ bà.

Huyền ngồi nhìn mãi, chờ mãi mà thấy nước chẳng sôi. Nàng chạy ra sô pha, định bụng nằm chợp mắt 1 lát, 5 phút sau dậy vặn nhỏ bếp. Ai ngờ, 5 phút của nàng hóa thành mấy tiếng đồng hồ. Chỉ khi nghe mùi khét, chồng nàng chạy xuống xem mới phát hiện nồi xương cạn khô nước, cháy đen thui, còn vợ yêu thì vẫn say sưa ngủ.

Vụng nấu nướng còn đỡ, vụng chi tiêu mới khổ. Vợ anh Tùng (Bắc Ninh) chính là tuýp người như vậy. Năm đầu tiên lấy nhau, được chồng đưa tiền cho lo Tết. Chị cầm mấy chục triệu trong tay, nhẩm chắc thừa tiêu rồi. Thế là vung đi nhuộm tóc, uốn xoăn, làm móng, mua vài bộ áo váy. Đến lúc đi siêu thị, thấy đồ gì ngon chị cũng mua. Nào sô cô la Bỉ, nào sữa Úc, nào thịt trâu gác bếp, vi cá mập, rượu Tây rượu Tàu,…

Chi tiêu mà chẳng để ý, đến 28 Tết tổng kết lại, cả nhà chỉ còn đúng 1 triệu để tiêu cả Tết. Năm đó, vợ chồng anh Tùng "bế quan tỏa cảng", chẳng dám đi đâu, khách đến cũng đóng cửa im ỉm giả vờ không có nhà. Anh chị sợ không có tiền mừng tuổi để lì xì thì dơ mặt.

Vụng chèo khéo chống

Có người “khéo chống” bằng cách luyện tập để từ “đoảng” thành “đảm”. Giả dụ như Trang trong câu chuyện đầu tiên. Sau 1 năm làm dâu, được mẹ chồng chỉ dạy, lại thêm chăm chỉ học hỏi, giờ Trang đã biết làm đủ thứ trên đời. Cô làm gà nhoay nhoáy, chặt gà phát một. Mẹ chồng Trang giờ nhàn nhã lắm, ngồi chơi xơi nươc, đã có con dâu đảm lo hết mọi việc.

Phương và Khánh Huyền thì lại dùng tiền để chống chế cái vụng của mình.

Với Phương, Tết này, nàng đã thuê sẵn người làm 3 mâm cỗ. Một mâm nàng cúng tất niên, 1 mâm nàng cúng giao thừa, 1 mâm cúng hóa vàng luôn vào chiều mùng 1. Nàng sẽ chẳng phải động tay vào việc gì, hả hê đi chơi dông dài từ mùng 2 đến lúc hết nghỉ Tết.

Khánh Huyền sau khi làm cháy nồi xương ninh, lĩnh 1 trận cười thối mũi nhục nhã từ em gái chồng, cái nhìn ngán ngẩm của mẹ chồng đã vùng vằng lập lời thề độc không bao giờ về quê chồng ăn Tết. Chồng Huyền vốn thương vợ, nghe nàng thề độc như vậy thì sợ xanh mặt, chẳng dám nhắc gì tới việc về quê chồng ăn Tết với Huyền nữa.

Để bù đắp cho mẹ chồng, Tết nào vợ chồng Huyền cũng gửi về quê chồng 1000 đô, coi như 1000 đô đó thay mình về quê ăn Tết. Nàng lại còn dương dương tự đắc, nghĩ mình là đứa con dâu cực kỳ hào phóng, cực kỳ có hiếu với nhà chồng.

Mẹ chồng Huyền buồn lắm. Bà khóc ngày khóc đêm, buồn vì phận mình đen đủi sinh nhầm thằng con nghe vợ.

Riêng với Tùng, lấy 1 người vợ vụng làm khổ cả 3 thế hệ nhà anh. Mẹ anh già nua lắm rồi mà Tết nào cũng phải lết sang nhà con trai giúp vợ chồng anh chuẩn bị Tết. 

Anh thì những ngày này luôn bận tối mắt tối mũi hết việc cơ quan, rồi việc nhà cửa. Hai đứa con thì nheo nhóc, phải chờ bố làm việc tới tận 29 Tết rồi mới được đi sắm quần áo mới. Chỉ có vợ anh là nhàn nhã, ngồi mát ăn bát vàng, vụng thế mà lại hóa sướng!



Đàn ông có vợ già, không xinh càng được vợ yêu chiều, chăm chút. Đàn ông có vợ trẻ, đẹp thì tự hào, kiêu hãnh. Nhưng đàn ông có vợ vụng về, dại dột thì khổ trăm bề...

Tết
Chia sẻ